Góc nhìn

Đơn giản hóa điều kiện ĐTKD: Cần đặt lợi ích quốc gia trên hế

Rà soát, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh (ĐTKD) nói riêng, hệ thống VBQPPL nói chung cần thực tâm và đặt lợi ích quốc gia lên trên hết - đó là quan điểm của LS Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế VN (VIAC).

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu các Bộ, ngành liên quan cần khẩn chương đề xuất phương án đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh (ĐTKD) để đảm bảo thực hiện nghiêm Nghị quyết số 19/2015, Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/7/2015. Thời gian để rà soát hiện còn rất ngắn. Công việc rà soát cần lưu ý những yếu tố nào, thưa ông?

 

Trong Luật Đầu tư sắp có hiệu lực chỉ quy định những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, còn Chính phủ quy định các điều kiện ĐTKD, tức là ở cấp nghị định hoặc quyết định của Thủ tướng. Trước đây ở cấp thông tư, quyết định của bộ trường cũng quy định nội dung trên. Đợt này rà soát là đẩy các văn bản này lên thành nghị định, quyết định của Thủ tướng, nếu thấy điều kiện nào không cần thiết thì phải bãi bỏ.

 

Tuy nhiên, cần lưu ý, những tiêu chí về điều kiện ĐTKD trong luật vẫn rất chung chung và trừu tượng như đảm bảo an ninh, quốc phòng, sức khỏe cộng đồng, truyền thống dân tộc, thuần phong mỹ tục… Căn cứ vào các tiêu chí trên, chúng ta cần rà soát xem các điều kiện có khả thi không, hợp lý không, có hiệu quả không…

 

Chính phủ giao các bộ chủ trì rà soát. Nhưng các hiệp hội doanh nghiệp (DN), ngành nghề phải cùng đứng ra phối hợp. Như vậy, các DN và chuyên gia trong lĩnh vực liên quan phải cùng chung tay với Chính phủ rà soát.

 

Nhìn rộng ra, chúng ta đã có quy định về việc rà soát các VBQPPL có hiệu lực pháp luật sau 3 năm thực thi trong Luật Ban hành VBQPPL. Tuy nhiên, hiện công tác này chưa được làm thường xuyên và vẫn còn mang nặng cách nhìn từ góc độ các nhà quản lý.

 

- Công tác rà soát VBQPPL của các bộ còn hạn chế. Vậy đứng ở góc độ các tổ chức xã hội dân sự thì sao, thưa ông?

 

Thực tế, thời gian vừa qua, VCCI đã chủ trì tiến hành rà soát 16 luật. VCCI cũng phối hợp với các cơ quan, tổ chức rà soát hàng trăm thủ tục hành chính, giấy phép con… Như vậy, nếu nói đến kinh nghiệm thì chúng ta đã có. Hành lang pháp lý, tiêu chí rà soát như thống nhất, minh bạch khả thi, hợp lý cũng có rồi. Còn về hiệu quả, những kết quả của các đợt rà soát cũng đã được các bộ, Chính phủ, Quốc hội ghi nhận và lấy làm căn cứ để sửa đổi và xây dựng mới các VBQPPL.

 

Nhưng một nội dung khác rất quan trọng mà chúng ta hiện nay còn yếu đó là việc đánh giá tính khả thi của các luật đó trong thực tiễn. Chúng ta cần công cụ đánh giá, tiêu chí đánh giá xem các luật đó phát huy tác dụng hay không, tác dụng bao nhiêu, có thể đóng đếm được không? Đặc biệt, chúng ta phải làm việc này đều đặn, thường xuyên.

 

Thời gian qua, chúng ta có thực hiện đánh giá tác động của luật trong đời sống. Nhưng về cơ bản vẫn rất trừu tượng, cảm tính và không thường xuyên. Chúng ta phải tổ chức nghiên cứu, lắng nghe phản hồi từ thực tiễn… Quan trọng hơn cả là chúng ta cần phải xây dựng một bộ công cụ để đánh giá việc này. Qua đó, chúng ta có thể đánh giá từng điều kiện ĐTKD, tiến tới rà soát, đánh giá, xếp hạng từng đạo luật xem nó đưa lại hiệu quả ra sao trong cuộc sống.

 

- Quay trở lại vấn đề rà soát các điều kiện ĐTKD, theo ông mấu chốt của việc này là gì?

 

Rà soát điều kiện ĐTKD tức là chỉ một phần của công việc thường xuyên rà soát VBQPPL mà các bộ ngành phải tổ chức. Đơn cử như câu chuyện vốn pháp định đối với ngành nghề kinh doanh bất động sản 20 tỷ đồng. Đối với DN kinh doanh hạ tầng thì quá nhỏ, còn DN xây dựng ở nông thôn thì lại quá lớn… Nếu nói lý thuyết để hạn chế DN “tay không bắt giặc” cũng đúng. Làm tốt vấn đề này phải có thực tiễn.

 

Hay như tiêu chí an ninh, nước nào trả nói đến vấn đề này. Vấn đề là phải vượt ra các tiêu chí chung, cơ quan quản lý phải kiểm soát được những bất cập sẽ xảy ra, chứ đừng quá coi trọng hình thức sở hữu. Làm sao người đưa ra tiêu chí rà soát phải thực tâm và đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Những vấn đề như vi rút, sinh học, chất độc hóa học, hay vấn đề an toàn tài chính, phải làm sao để ngân hàng không đổ bể… thì Nhà nước phải quan tâm.

 

Còn ngược lại, câu chuyên các bà bán hàng rong, bà bán quà sáng… phải tập huấn, khám sức khỏe, cấp giấy chứng nhận an toàn rồi cô ca sĩ đi biểu diễn cũng phải đo đếm váy ngắn bao nhiêu, áo hở ngực bao nhiêu… Đây là vấn đề phải cân đối với nguồn lực của nhà nước. Nhà nước không thể phân thân để làm tất cả các việc đó.

 

- Theo ông khó khăn lớn nhất trong công tác rà soát điều kiện ĐTKD là gì?

 

Khó khăn lớn nhất hiện nay là huy động sự tham gia của công chúng. Tất cả phải đứng trên quan điểm mở rộng thị trường, thúc đẩy cạnh tranh. Ví dụ vấn đề về kinh tế, chúng ta cần huy động mọi thành phần từ DN mới, DN cũ, DN lớn, DNVVN… Hãy sử dụng công cụ thị trường. Những cái gì không cần tuổi DN, kinh nghiệm, vốn pháp định… thì để thị trường tự điều tiết, sàng lọc.

 

Tiếp theo nữa, công tác rà soát thời gian qua đang thiếu sự phối hợp giữa các ngành lĩnh vực liên quan. Theo tôi cần một phó thủ tướng đứng ra chủ trì và có bàn tay quyền lực để kết nối, điều phối các bộ. Những nội dung cần phải gắn kết các cơ quan hoặc phân công phân nhiệm cụ thể cũng đang là một điểm chống.

 

Cuối cùng điều tôi đặc biệt lưu ý như đã nói ở trên, nguồn lưc nhà nước là hữu hạn, phải phát huy sự kiểm soát của thị trường. Nguồn lực xã hội là vô hạn, phải ưu tiên dùng các công cụ này trước.

 

- Xin cảm ơn ông!

Theo diễn đàn doanh nghiệp
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo