"Nếu đưa ra một quy định mới với các ngân hàng về tỷ lệ bắt buộc cho tổng mức dư nợ tín dụng của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ rất khó. Bởi, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, vì thế khó khăn này sẽ buộc các ngân hàng phải tính toán", đồng chí Tô Hoài Nam phân tích.
Cũng theo đồng chí Tô Hoài Nam, hiện nay pháp luật tín dụng ở Việt Nam mà áp dụng cho các doanh nghiệp thì chỉ làm thế nào điều chỉnh các doanh nghiệp phải đạt chuẩn nguyên tắc của ngân hàng, chưa đảm bảo công bằng. Tuy ngân hàng cũng là doanh nghiệp, nhưng cũng đang được hưởng đặc quyền rất lớn từ chính sách. Do vậy, ngân hàng cũng nên có trách nhiệm hơn với cộng đồng doanh nghiệp.
"Trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng nếu quyết tâm hỗ trợ thì vẫn có thể hỗ trợ được, theo kinh nghiệm của quốc tế. Theo đó, các ngân hàng có thể tăng tỷ lệ cho vay tín chấp cơ sở kinh doanh của họ, thay bằng các tài sản đảm bảo, không nên quy định tài sản đảm bảo là điều kiện bắt buộc để tiếp cận tín dụng", Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nói.
Cùng trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, từ trước đến nay, các Luật không áp đặt ngân hàng phải hỗ trợ doanh nghiệp nghiệp mà chỉ ban hành các chính sách chỉ khuyến khích các ngân hàng cố gắng đạt tối thiểu 30% dư nợ tín dụng trong hệ thống của mình.
“Các ngân hàng là nhóm doanh nghiệp đặc thù, quyền của họ là được huy động vốn của xã hội. Với tỉ lệ 97% số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì ngoài việc đóng thuế, các doanh nghiệp nhỏ và vưa còn là nơi tạo ra công ăn việc làm cho xã hội, góp phần ổn định trật tự xã hội, vậy nên, không có lý do gì để không hỗ trợ khối doanh nghiệp này”, ông Đông nói.