Dòng vốn FDI đổ mạnh vào bất động sản
Nguồn vốn FDI đổ vào TP.HCM đạt trên 34 tỷ USD, trong đó bất động sản chiếm gần 37%, với 12 tỷ USD. Đầu năm nay, vốn đăng ký mới xấp xỉ 386 triệu USD, chiếm gần 40%.
Tại buổi Lễ trao Giấy Chứng nhận đầu tư cho DN có vốn đầu tư nước ngoài tại TP.HCM, ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, cho biết, tính riêng tổng số dự án được cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư tại TP.HCM là 169 dự án với tổng vốn đăng ký là 967 triệu USD, đạt 423% so với cùng kỳ năm 2013.
Tính chung, các nhà đầu tư nước ngoài mạnh tay đổ vốn vào TP.HCM lên tới 1,08 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay. Đặc biệt, các lĩnh vực trong bất động sản (BĐS) tiếp tục được các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài quan tâm với số vốn đăng ký mới xấp xỉ 386 triệu USD, chiếm gần 40%.
Ông Takashi Sakakibara, Phó tổng giám đốc công ty Nikken cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ an ninh rất tốt cho các NĐT nước ngoài. Đây chính là niềm tin tạo cho chúng tôi tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Việt Nam có được nguồn nhân lực rất dồi dào, dân số trẻ tạo điều kiện rất tốt cho công ty, trong khi nhân lực tại Nhật Bản rất khan hiếm.
Theo ông Yasuo Nishitoghe, Tổng giám đốc Trung tâm Aeon Tân Phú: “Kế hoạch đầu tư của Tập đoàn Aeon vào Việt Nam không thay đổi. Chúng tôi sẽ đầu tư khoảng 1 tỷ USD vào Việt Nam đến năm 2020, với 20 trung tâm mua sắm trải khắp nước giống như Aeon Tân Phú đã khai trương tháng 1/2014. Bản thân chúng tôi là nhà đầu tư gắn bó lâu dài nên rất tin tưởng khi Việt Nam và Nhật Bản có mối quan hệ hợp tác lâu dài”.
Aeon trong thời gian tới sẽ không chỉ tập trung vào bán lẻ, mà sẽ khai thác các thế mạnh hoạt động của mình như: triển khai mô hình kinh doanh bách hóa tổng hợp, cửa hàng tiện lợi, các dịch vụ về tài chính thông qua công ty Aeon Credit… Với việc mở các Trung tâm mua sắm không phải là tại các địa điểm trung tâm của thành phố vì chúng tôi muốn lấp đầy các khu mua sắm tại các vùng ven để cung cấp cho các khu đô thị mới sẽ hình thành tại đây.
Ông Yasuo Nishitoghe, gợi ý rằng Việt Nam muốn thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ hơn nữa thì vấn đề về thông tin hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng cơ sở, hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực… cần được thông tin nhanh hơn, đầy đủ hơn. "Đối với một nhà bán lẻ những thông tin mà chúng tôi cần là các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa để có thể đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển giao thương Việt – Nhật", ông nói.
Về môi trường đầu tư chung, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho biết: “Dự kiến vốn đầu tư đăng ký năm nay khoảng 20 tỷ USD trên cả nước, vốn giải ngân từ 11-12 tỷ USD. Những NĐT nước ngoài đã có sự so sánh ở tầm nhìn quốc tế, đã đánh giá rất cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là TP.HCM trong thời gian qua đã tạo cho họ an tâm tiếp tục đầu tư và ở lại Việt Nam”.
Chủ trương hiện nay của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là tập trung vào hỗ trợ các NĐT nước ngoài đã đầu tư tại Việt Nam theo hướng xúc tiến đầu tư tại chỗ. Đây là cách làm rất hiệu quả để tạo sự lan tỏa môi trường đầu tư tích cực của Việt Nam cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp theo.
Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM, cam kết tiếp tục tạo mọi điều kiện để các NĐT nước ngoài hoạt động hiệu quả và triển khai nhanh các dự án trên địa bàn.
Như vậy, sau 26 năm kêu gọi đầu tư nước ngoài, đến nay nguồn vốn này đã đổ vào TP.HCM trên 34 tỷ USD, trong đó lĩnh vực BĐS chiếm tới gần 37%, đạt 12 tỷ USD. Đứng thứ 2 là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư trên 10 tỷ USD. Thứ 3 là lĩnh vực giáo dục, đào tạo với số vốn 3,7 tỷ USD.
Hiện nhà đầu tư đầu tư nước ngoài đổ vốn nhiều nhất vào đây là Các quốc đảo British Virgin, thứ 2 là Singapore và thứ 3 là Nhật Bản.
Theo Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo