Góc nhìn

Dự án sân bay Long Thành: Cần làm rõ hiệu quả và tính khả thi

Ngày 26/2 thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án sân bay quốc tế Long Thành tại Phiên họp thứ 35 UBTVQH, một số ý kiến còn băn khoăn về tính khả thi, hiệu quả kinh tế của siêu dự án tiêu tốn tới gần 16 tỷ USD này.

Phối cảnh sân bay Long Thành

 

Theo báo cáo, tổng mức đầu tư dự án nêu tại Tờ trình Chính phủ vẫn chia thành 3 giai đoạn, nhưng giảm từ 18,7 tỷ USD (con số trình tại Kỳ họp QH thứ 8, 11/2014) xuống còn 15,8 tỷ USD; diện tích thu hồi đất cũng giảm từ 5000 ha còn hơn 2700 ha.

 

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, cần giải trình làm rõ thêm mục tiêu, mục đích dự án là gì; việc trung chuyển của sân bay Long Thành cho ba nước Philipines, Indonesia, Australia có thực sự đạt được không. 

 

Theo ông Hiển, Philipines, Indonesia quá gần các sân bay lớn trong khu vực, như vậy chỉ còn chung chuyển cho Australia mà thôi. “Với quy mô đầu tư rất lớn, liệu khi hoàn thành có đạt mục tiêu thu hút 100 triệu khách không - đặt vấn đề này để thấy dự án có thực sự cần thiết không?” – Ông Hiển nói.

 

Phân tích tổng thể hiện trạng giao thông Việt Nam hiện có, Chủ nhiệm Hiển đề nghị làm rõ trật tự, thứ tự ưu tiên đầu tư những dự án lớn như Sân bay Long Thành phải phù hợp. Đầu tư cho lĩnh vực giao thông luôn được Quốc hội ưu tiên, nhưng trong giao thông phải ưu tiên từng lĩnh vực, phân bổ vốn phù hợp: Ví dụ cao tốc Bắc – Nam cũng chỉ mới làm được từng đoạn, hệ thống đường sắt già cỗi tồn tại trăm năm nay, có ưu tiên không, đường thủy ra sao? Cần xét trong tổng thể để quyết định có làm sân bay bây giờ hay nên để đến giai đoạn sau.

 

Về cơ chế vốn, ông Hiển nêu ra nhiều vấn đề cần giải đáp: Tỷ lệ sử dụng ngân sách, vốn ODA (thực chất cũng là ngân sách), vốn của doanh nghiệp bao nhiêu, Chính phủ bảo lãnh hay không? Chúng tôi thấy đưa ra khái niệm vốn ngân sách tập trung khoảng 12 ngàn tỷ (giai đoạn 1), vốn ODA, trái phiếu cũng khá lớn – vậy cơ chế quản lý, thu hồi vốn ra sao, chưa thấy làm rõ.

 

 “Chỉ tính riêng giai đoạn 1 là hơn 5,2 tỷ USD (khoảng hơn 100.000 tỷ đồng), trong đó hơn 40.000 tỷ là ngân sách, vậy cả 3 giai đoạn (15,8 tỷ USD), vốn ngân sách chiếm bao nhiêu? Cuối cùng hiệu quả, thu hồi vốn ra sao? Khi hoàn thành dự án, vị trí sân bay Tân Sơn Nhất, Biên Hòa là gì?” – Ông Hiển nêu hàng loạt vấn đề.

 

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý đánh giá, tổng đầu tư dự án sân bay Long Thành rất lớn, kéo dài rất nhiều năm, cần tính toán để trình Quốc hội theo đúng quy định tại Nghị quyết 49 của Quốc hội. Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước lưu ý vấn đề tái định cư, tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống cho người dân bị tác động bởi dự án.

 

Theo Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, lần trình này Chính phủ đã giảm tổng mức đầu tư, nhưng phải phân tích, làm rõ tác động của dự án đối với nợ công ở mức nào. Tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua, Chính phủ báo cáo dự án không ảnh hưởng nhiều và nợ công vẫn trong ngưỡng an toàn, vậy khi giảm tổng mức đầu tư thì tác động sẽ giảm ra sao.

Theo Tiền phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo