Dự án sân bay Long Thành được thảo luận thế nào?
Theo chương trình dự kiến, phần lớn thời lượng phiên làm việc sáng nay của Quốc hội sẽ dành để thảo luận dự án quan trọng đối với hàng không Việt Nam, sau khi nghe Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng trình bày báo cáo của Chính phủ.
Vị tư lệnh ngành này cho biết, mục tiêu trước mắt của dự án Long Thành là đáp ứng nhu cầu vận tải phía Nam, khi sân bay Tân Sơn Nhất ngày càng quá tải. Ngoài ra, việc phấn đấu để Long Thành có thể đảm nhận vai trò trung tâm trung chuyển của khu vực là mục tiêu dài hạn của dự án.
Tại tờ trình của Chính phủ hôm nay, diện tích cho sân bay đã được thu hẹp còn 2.750 ha và tổng mức đầu tư giảm còn 15,8 tỷ USD, so với 18,7 tỷ USD như phương án trước đó.
Công trình này cách sân bay quân sự Biên Hòa 32 km, cách Tân Sơn Nhất 43 km, vẫn có năng lực thiết kế tối đa 100 triệu khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, đón nhận được loại máy bay A380-800 và tương đương.
Trước ý kiến cho rằng có thể xem xét mở rộng mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, thay vì xây mới Long Thành, đại diện ngành hàng không cho rằng đây là phương án bất khả thi, vì vừa tốn kém vừa mang tính cơi nới tạm thời.
Việc mở rộng Tân Sơn Nhất, theo báo cáo giải trình, là khó khả thi. Vì phải đầu tư kinh phí rất lớn cho việc thu hồi đất, đền bù, tái định cư, quá tốn kém so với phương án đầu tư xây dựng mới cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Khó khả thi còn ở chỗ, không thể khai thác được hết công suất do xung đột vùng trời với sân bay quân sự Biên Hòa. Bởi khu vực hoạt động của sân bay quân sự Biên Hòa nằm về phía Đông Bắc của sân bay Tân Sơn Nhất, ngay trên các cửa ngõ, hành lang bay vào, ra chính của Tân Sơn Nhất.
Theo báo cáo của Chính phủ, để nâng được công suất Tân Sơn Nhất lên 40 - 50 triệu hành khách/năm, thì chi phí ước tính khoảng 191.000 tỷ đồng (tương đương 9,1 tỷ USD), bao gồm cả chi phí đền bù, tái định cư khoảng 140.000 hộ dân với khoảng 500.000 nhân khẩ.
Bên cạnh đó, việc giảm hoạt động bay quân sự của Biên Hòa chỉ giúp giải tỏa bay chờ, chậm chuyến vào một thời điểm nhất định, không mang tính lâu dài và bền vững, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích.
Khẳng định dự án có tính khả thi cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành và giao Chính phủ chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 dự án và báo cáo Quốc hội trước khi quyết định đầu tư.
Căn cứ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Chính phủ chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 2, giai đoạn 3 và báo cáo Quốc hội trước khi quyết định đầu tư, báo cáo giải trình nêu rõ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo