Dự báo sức mua Tết Bính Thân sẽ tăng khoảng 20% ở khu vực thành thị
Theo Cục Quản lý giá, tháng 2/2016 là tháng Tết, theo quy luật Tết hàng năm, nhu cầu mua sắm Tết của người dân sẽ tăng dần khi đến ngày Ông Công ông Táo (tức 23 tháng Chạp 2015 Âm lịch), từ đó đến cận Tết nhu cầu đi lại (về quê), mua sắm thực phẩm tươi sống, chế biến làm quà biếu và tiêu dùng những ngày Tết sẽ tăng lên.
Cũng vào thời gian đó, các cơ quan, đơn vị sẽ phát tiền lương, tiền thưởng cuối năm cho người lao động, kiều hối gửi về tăng dẫn đến sức mua có khả năng thanh toán của thị trường tăng.
Trên cơ sở đó, dự báo sức mua Tết Bính Thân 2016 sẽ tăng khoảng 20% ở khu vực thành thị, tăng 15% ở khu vực nông thôn so với ngày bình thường trong năm.
Cũng theo Cục Quản lý giá, năm 2015, kinh tế tăng trưởng khá (GDP tăng 6,68%), sản xuất công nghiệp, tình hình hoạt động của doanh nghiệp khả quan, lạm phát ở mức thấp nhất trong 13 năm qua, giá trị đồng Việt Nam được củng cố; giá xăng dầu trong nước giảm liên tục những thời điểm vừa qua… là những yếu tố giúp tăng sức mua của người dân.
Đáng chú ý đợt giá rét tại các tỉnh phía Bắc vừa qua gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống, ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực, thực phẩm, tác động làm tăng giá thực phẩm tươi sống, rau củ quả trên thị trường.
Tuy nhiên, với lượng cung hàng hóa phong phú và đa dạng đã được các bộ ngành, địa phương chủ động triển khai từ những tháng cuối năm 2015 cùng những giải pháp tổng thể về thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật nhà nước về giá đã và đang được triển khai theo tinh thần Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 24/12/2015 của Thủ tướng chính phủ, Chỉ thị số 02/CT-BTC ngày 24/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và chỉ đạo của các Bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố…; dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2016 (tháng Tết) tăng nhẹ so với tháng 1/2016, không xảy ra thiếu hàng biến động đột biến về giá.
End of content
Không có tin nào tiếp theo