Góc nhìn

Dự luật nông trại Mỹ: Cơ hội hay đòn mới với xuất khẩu cá tra?

Theo ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam (Vasep), Dự luật nông trại Mỹ sẽ gây khó khăn một phần cho ngành hàng cá tra, nhưng nhìn từ giác độ phát triển, đó cũng là cơ hội để tự thay đổi, tái cấu trúc, đổi mới để phát triển, tăng năng lực cạnh tranh hơn.

Theo ông Hòe, trong năm 2014, việc sản xuất và xuất khẩu cá tra của Việt Nam chưa có gì đáng lo. (Ảnh: Internet)

PV: Còn 2 tháng nữa Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ đưa ra các điều kiện cụ thể áp dụng với cá tra, thay vì kiểm soát chất lượng vệ sinh thực phẩm, Mỹ sẽ kiểm soát cả các vùng nuôi của Việt Nam. Việc này đã có những tác động ban đầu nào tới hoạt động xuất khẩu cá tra Việt Nam, thưa ông?

Ông Trương Đình Hòe: Ngày 7/2/2014, Tổng thống Mỹ đã ký ban hành Luật Nông nghiệp (Farm Bill) 2014 nhưng tác động đối với cá tra của Việt Nam chưa rõ ràng, chủ yếu chỉ là tác động tâm lý.

Trong vòng 60 ngày tới, USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) sẽ phải xây dựng các văn bản, quy định hướng dẫn thực hiện Luật mới này. Tiếp theo là việc thỏa thuận chức năng, nhiệm vụ và bàn giao công việc giữa USDA với FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) để công việc thanh tra không giẫm chân lên nhau.

Cuối cùng, luật mới có được thực thi hay không còn phụ thuộc vào việc có thông qua dự toán ngân sách 2015 cho việc thực thi các Chương trình của Luật Nông nghiệp mới trong đó có Chương trình Giám sát cá da trơn.

Như vậy, kể cả trong trường hợp ngân sách có dành cho việc thực thi luật, thì nhanh nhất cũng phải đầu năm 2015 mới có thể thực hiện được. Tức là trong năm 2014, việc sản xuất và xuất khẩu cá tra của Việt Nam chưa có gì đáng lo.

PV: Dự luật nông nghiệp khi được thông qua, nếu có yếu tố bảo hộ thì Việt Nam có thể kiện Mỹ ra WTO?

Ông Trương Đình Hòe: Việc có khởi kiện hay không còn phụ thuộc vào các quy định cụ thể mà USDA sắp công bố dự kiến vào ngày 9/4 tới đây. Nếu những quy định đó trái với khoa học và luật pháp quốc tế thì Việt Nam hoàn toàn có thể khởi kiện.

Trước đây, Việt Nam từng kiện Hoa Kỳ về một số biện pháp mà nước này sử dụng trong điều tra chống bán phá giá tôm, và đã thắng trong vụ kiện đầu tiên của Việt Nam tại WTO.

PV: Lâu nay, chúng ta đã khuyến khích người dân và doanh nghiệp thực hiện nuôi trồng thủy sản theo các bộ tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC. Doanh nghiệp cá tra trong nước thực hiện việc áp dụng này thế nào?

Ông Trương Đình Hòe: Ngày càng nhiều vùng nuôi cá tra của doanh nghiệp và hộ gia đình Việt Nam đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn Viet GAP, Global GAP, ASC, BAP, SQF 1000/2000CM, IFS, FOS… và các tiêu chuẩn quốc tế khác.

Những chứng nhận này đều xoay quanh các vấn đề chính là bảo vệ môi trường sinh thái, an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh nhiệm xã hội, truy xuất nguồn gốc, sức khỏe và phúc lợi xã hội.

Tính đến nay, đã có trên 103 trại nuôi cá tra với khoảng trên 2.800 ha (chiếm khoảng 40% tổng diện tích nuôi cá tra) đã đạt các chứng nhận bền vững khác nhau.

Cụ thể, hiện có khoảng 2.000ha mặt nước nuôi cá tra đạt chứng nhận GlobalGap, chiếm gần 40% tổng diện tích nuôi. Trong khi đó, tính đến hết năm 2013 đã có 35 vùng nuôi cá tra của 30 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt chứng nhận ASC. Nhiều doanh nghiệp còn đạt tất cả các chứng nhận trên như Vinh Hoan Corp, Hung Vuong Corp....

PV: Trước tình hình trên, các DN cá tra cần chuẩn bị thêm những gì để cá tra của Việt Nam luôn tự tin sẽ đáp ứng đủ các yêu cầu xuất sang thị trường Mỹ, hay có thể coi đây là cơ hội để tái cấu trúc ngành cá tra hay không, thưa ông?

Ông Trương Đình Hòe: Để cá tra của Việt Nam luôn tự tin sẽ đáp ứng đủ các yêu cầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ không còn là việc riêng của doanh nghiệp mà còn phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng trong ngành này.

Dự luật mới sẽ gây khó khăn một phần cho ngành hàng cá tra, nhưng nhìn từ giác độ phát triển, đó cũng là cơ hội để tự thay đổi, tái cấu trúc, đổi mới để phát triển, tăng năng lực cạnh tranh hơn.

Để tái cấu trúc ngành hàng cá tra thì việc sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra cần được quy định là những hoạt động sản xuất kinh doanh có điều kiện. Trước tiên, Nhà nước phải tham gia vào việc điều chỉnh, kiểm soát được vùng nuôi và sản lượng cá tra, giảm sản lượng xuống để phù hợp với nhu cầu của thị trường hiện nay.

Cụ thể, người dân, DN muốn nuôi cá tra xuất khẩu phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan này sẽ cấp một giấy chứng nhận nếu vùng nuôi cá tra hội đủ các điều kiện sản xuất theo quy định, thực hiện tương tự như cấp code cho các nhà máy xuất khẩu vào châu Âu.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đoàn Huế (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo