Dự thảo Luật Quy hoạch: Cần phá ma trận quy hoạch đô thị
Các chuyên gia tại Hội thảo tham vấn ý kiến về Dự thảo Luật Quy hoạch, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuối tuần qua ở TP. HCM đã đề xuất nhiều ý kiến "táo bạo".
Công tác lập quy hoạch hiện nay được ví như một ma trận, không chỉ khiến các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung xa rời thực tế, mà hoạt động của các DN cũng nhiều khi rơi vào thế… việt vị. Lập quy hoạch quá nhiều nhưng không đồng bộ, thiếu thống nhất, thiếu sự liên kết, khớp nối, dẫn đến sự lãng phí, thiếu hiệu quả. Đó là ý kiến của một số chuyên gia tại Hội thảo tham vấn ý kiến về Dự thảo Luật Quy hoạch, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuối tuần qua tại TP. HCM.
Ma trận quy hoạch
Đánh giá về thực trạng công tác quy hoạch ở Việt Nam, ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, tình trạng lập quy hoạch ở Việt Nam hiện như một ma trận, còn nhiều tồn tại, hạn chế.
“Chúng ta đang lập quá nhiều quy hoạch nhưng không đồng bộ, thiếu thống nhất, thiếu sự liên kết và còn nhiều chồng lấn, mâu thuẫn. Chất lượng và hiệu quả quy hoạch thấp, dự báo kém, điều chỉnh bổ sung nhiều và không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện quy hoạch”, ông Các nói và cho biết, thống kê chưa đầy đủ, số lượng quy hoạch thời kỳ 2011 - 2020 tổng cộng lên tới 19.285 quy hoạch và kinh phí dùng cho việc lập quy hoạch tới 7.947 tỷ đồng. Có những địa phương làm đến 200 bản quy hoạch chung, để nhớ được các bản quy hoạch thôi cũng rất khó chứ chưa nói đến thực hiện.
Hàng loạt dẫn chứng cụ thể chỉ rõ sự bất cập trong công tác lập quy hoạch được đưa ra. Đơn cử như quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 được phê duyệt theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xây dựng 4 sân golf với diện tích 461 héc-ta trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố gồm Cần Thơ, Tiền Giang và Long An (không có tỉnh Kiên Giang). Trong khi đó, theo quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang (cũng thuộc Đồng bằng sông Cửu Long) đến năm 2030 được phê duyệt năm 2010 lại dành diện tích 244 héc-ta để xây dựng sân golf. Rõ ràng, hai bản quy hoạch này đang có sự mâu thuẫn.
Tương tự, trong quy hoạch ngành cũng đang có sự mâu thuẫn khá lớn. Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định 2190/QĐ-TTg năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ, công suất cảng khu vực TP. HCM đạt 89 triệu tấn/năm vào năm 2020. Trong khi đó, công suất cảng của khu vực này theo quy hoạch điều chỉnh chung xây dựng TP. HCM được phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ lại đạt 200 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2020 - 2025.
Không chỉ mẫu thuẫn, nhiều quy hoạch còn kém về tính dự báo. Chẳng hạn, trong quy hoạch tổng thể cảng biển đến năm 2010 được quyết định năm 2009 đưa ra dự báo, đến 2010 lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển khoảng 200 triệu tấn, nhưng theo số liệu của Cục Hàng hải, năm 2009 lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển đã đạt 213,08 triệu tấn và năm 2010 đã đạt 259 triệu tấn, vượt 30% dự báo…
Bắt buộc phải lập quy hoạch, nhưng…
Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn tới sự bất cập trong công tác lập quy hoạch thời gian qua là do tư duy nhiệm kỳ chi phối công tác quy hoạch; đồng thời còn ảnh hưởng rất rõ của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp… Thể hiện rõ nhất là thời gian qua có rất nhiều bản quy hoạch phải điều chỉnh do chưa dựa trên nhu cầu thực tế thị trường. Các chuyên gia cho rằng, khi Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ, tốc độ đô thị hóa cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội nhanh, cơ chế chính sách chưa hoàn thiện..., thì công tác quy hoạch mang tính bắt buộc, bởi đây là một trong những công cụ điều tiết vĩ mô hữu ích. Tuy nhiên, quy hoạch như thế nào để phù hợp với thực tế, tránh lãng phí về thời gian và tiền bạc là câu chuyện cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng.
TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, hệ thống quy hoạch là mục tiêu điều chỉnh của Luật Quy hoạch đang dự thảo, vì vậy việc xác định các thành tố, cấu trúc, chức năng và các quan hệ bên trong có ý nghĩa rất quan trọng. Theo ông Liêm, Luật Quy hoạch với tư cách là văn bản pháp quy cơ sở cho hệ thống quy hoạch không gian cả nước, nên trước tiên cần xác định chính xác “quy hoạch tổng thể” và “quy hoạch ngành”. Vẫn theo ông Liêm, việc giải thích về ngành kết cấu hạ tầng xã hội trong quy hoạch ngành của Dự thảo luật chưa rành mạch. Công tác quy hoạch theo thông lệ quốc tế thường chia thành 3 ngành là kinh tế, xã hội (giáo dục, y tế, phúc lợi) và kết cấu hạ tầng (kỹ thuật).
“Tôi cho rằng, Luật Quy hoạch cũng nên áp dụng cách phân loại ngành như vậy. Điều quan trọng nhất trong quy hoạch là phải có sự kết nối về không gian. Thời gian qua, nhiều quy hoạch không có sự kết nối về không gian, đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của công tác quy hoạch”, ông Liêm nói và đề xuất, cần phải đưa thêm quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn vào Dự luật, vì quy hoạch này cũng có mối quan hệ chặt chẽ với các quy hoạch không gian khác.
PGS.TS.KTS Trần Trọng Hạnh, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc Hà Nội thì cho rằng, tính dự báo trong quy hoạch cần phải được chú trọng, vì nếu kế hoạch sai sẽ ảnh hưởng lớn đến quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông Hạnh, Dự thảo Luật Quy hoạch cần phải làm rõ hơn khái niệm, nội dung quy hoạch tổng thể, cụ thể hóa bản đồ quy hoạch.
Với thực trạng công tác quy hoạch hiện nay, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, việc ban hành Luật Quy hoạch là nhu cầu rất cấp thiết. Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012, trong đó nêu rõ, xây dựng Luật Quy hoạch có phạm vi điều chỉnh chung cho các loại quy hoạch phát triển trên phạm vi cả nước; tạo cơ chế thẩm định độc lập, tập trung do một đầu mối chịu trách nhiệm; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch; coi trọng công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra thực hiện quy hoạch và xử lý nghiêm các vi phạm quy hoạch.
“Quốc hội và Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, soạn thảo Luật Quy hoạch. Đến nay, Dự thảo Luật Quy hoạch đã cơ bản hoàn thành và trong thời gian tới sẽ báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 10 năm 2015”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết.
Theo Báo Đầu tư Bất động sản
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo