Góc nhìn

Đừng bắt người tiêu dùng gánh cả chi phí hoa hồng cho đại lý

Doanh nghiệp kêu chi phí kinh doanh định mức thấp, không bù đắp đủ chi phí nhưng doanh nghiệp xăng dầu lại hào phóng chi mức hoa hồng cho các đại lý kinh doanh xăng dầu.

Ngày 18/8 giá xăng giảm 600 đồng/lít, nhiều chuyên gia cho rằng giá xăng lẽ ra phải giảm sâu hơn. Tuy nhiên, khi giá xăng vừa hạ, các đơn vị kinh doanh xăng dầu lại đòi tăng thêm chi phí kinh doanh định mức (hiện là 860 đồng/lít xăng) vào giá cơ sở. Nếu đòi hỏi này của các DN được thông qua, rất có thể trong thời gian tới giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng.

Để làm rõ hơn tới độc giả, PV đã có cuộc trao đổi với GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc Dân Hà Nội.

- Gần đây giá xăng dầu liên tục biến động linh hoạt hơn so với thời gian trước. Nhiều ý kiến cho rằng giá xăng phải giảm sâu hơn, ông nghĩ như thế nào về cơ chế tính giá xăng dầu như hiện tại? Giá như vậy đã hợp lý?

Ngày 18/8 giá xăng giảm 600 đồng/lít, tôi cho rằng mức giảm này còn khá nhẹ, giá xăng dầu Việt Nam lẽ ra phải giảm sâu hơn nữa. Về cơ chế điều hành và tính giá xăng dầu, hiện nay ở nước ta áp dụng theo Nghị định 84. Cơ chế này còn bộc lộ nhiều bất cập. Trước hết là nguyên tắc tính giá cơ sở và thành phần còn chứa đựng nhiều yếu tố không rõ ràng, thiếu cơ sở định mức và còn thiếu minh bạch, công khai các yếu tố hình thành nên giá cơ sở, nhất là đối với chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức.

Nói là “cơ chế điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước" nhưng thị trường lại thiếu tính cạnh tranh, luôn mang tính độc quyền, xăng dầu sản xuất trong nước tuy đáp ứng được 30% nhu cầu nhưng chưa thấy vai trò, vị trí trên thị trường xăng dầu Việt Nam.

Việc điều chỉnh giá xăng dầu ở Việt Nam thường xuất phát chủ yếu từ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính… Vì vậy, tôi cho rằng cơ chế điều hành giá mới thay thế cho Nghị định 84 phải được công bố rộng rãi để lấy ý kiến của các chuyên gia và người tiêu dùng trong cả nước chứ không thể bó hẹp trong ngành xăng dầu, Bộ Công thương hay Bộ Tài chính hoặc chỉ thông qua vài cuộc hội thảo.

- Việc giá cả biến động linh hoạt như vậy có ảnh hưởng như thế nào đến người tiêu dùng?

Rõ ràng nếu chúng ta có được cơ chế điều hành giá xăng dầu một cách khoa học, phù hợp với sự vận động của thị trường, các yếu tố của giá cơ sở được xác định minh bạch, rõ ràng, chi phí kinh doanh được xác định dựa trên hệ thống định mức khoa học, bài toán logistics xăng dầu được giải quyết một cách minh bạch, khách quan và thấu đáo, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở nước ta theo đúng quy tắc thị trường thì khi đó giá xăng dầu mới thực sự có cơ sở vững chắc và chắc chắn là sẽ có xu hướng rẻ hơn, có tính cạnh tranh hơn và sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo niềm tin của người tiêu dùng đối với thị trường xăng dầu.

Đồng thời, lợi ích kinh tế trong chuỗi cung ứng sản phẩm xăng dầu (cả sản xuất trong nước, cả xăng dầu nhập khẩu) sẽ được giải quyết hài hòa giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.


GS.TS Đặng Đình Đào cho rằng việc tăng chi phí kinh doanh định mức xăng dầu cần được xem xét một cách minh bạch
 

- Thưa ông, giá xăng vừa giảm thì vừa qua các đơn vị kinh doanh xăng lại đề nghị Bộ Tài Chính cho tăng chi phí kinh doanh định mức. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Về việc tăng chi phí định mức, cần phải xem xét một cách công bằng, khách quan bởi tham gia thị trường xăng dầu của Việt Nam không chỉ có xăng dầu nhập khẩu mà cả xăng dầu sản xuất trong nước nên các khoản chi phí này phải có cơ sở và định mức tính toán rõ ràng, minh bạch, không để từ một phía là các đầu mối nhập khẩu xăng dầu yêu cầu vì suốt gần 30 năm đổi mới ở nước ta chỉ có khoảng 10 đầu mối nhập khẩu xăng dầu.

Có một thực tế cần được các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu công khai, minh bạch với người tiêu dùng là chi phí định mức kinh doanh cho một lít xăng hiện nay bất hợp lý ở chỗ nào? Doanh nghiệp đã thực hiện tiết giảm chi phí kinh doanh đến đâu hay là có tình trạng doanh nghiệp tư nhân thì tối ưu hóa đầu vào, giảm thiểu chi phí đầu vào còn doanh nghiệp nhà nước lại tối đa hóa chi phí đầu vào? Logistics xăng dầu hiện nay doanh nghiệp đã thực hiện đến đâu, mục tiêu của logistics xăng dầu là gì? Phân chia lợi ích trong chuỗi cung ứng các sản phẩm xăng dầu ở Việt Nam như thế nào?

Đặc biệt là vì sao khi doanh nghiệp kêu chi phí kinh doanh định mức thấp, không bù đắp đủ chi phí nhưng doanh nghiệp xăng dầu lại hào phóng chi mức hoa hồng cho các đại lý kinh doanh xăng dầu cao? Trên thực tế, tại nhiều địa phương hiện tượng chạy xin để mở các cửa hàng xăng dầu diễn ra khá phổ biến.

Vấn đề quan trọng là chi phí kinh doanh định mức, chiết khấu kinh doanh xăng dầu trong điều kiện thị trường còn độc quyền như hiện nay thì phải được các cơ quan nhà nước khách quan, công tâm kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi".

- Được biết chi phí định mức kinh doanh bao gồm thù lao đại lý, chi phí vận chuyển, cước vận hành doanh nghiệp…và mức tổng định mức kinh doanh xăng dầu được Bộ Tài Chính quy định tối đa là 860 đồng/lít vì cho rằng con số này đã lỗi thời? (Theo Hiệp hội kinh doanh xăng dầu VN -VINPA, chi phí định mức kinh doanh xăng dầu hiện tại đã lên tới 1.300 đồng/lít)

Tôi cho rằng, nếu thực sự khoản chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở đến nay có những "lỗi thời" và không phù hợp với tình hình hiện nay thì việc nghiên cứu, điều chỉnh và bổ sung kịp thời là điều cần thiết.

Thị trường xăng dầu Việt Nam hiện nay cùng với cơ chế điều hành như Nghị định 84 đã làm nảy sinh nhiều vấn đề và người chịu thua thiệt trước hết chính là người tiêu dùng và Nhà nước lại thất thu. Giá xăng dầu mới giảm từ mức kỷ lục xuống 24.810đ/lít (thời điểm 18/8/2014), với mức giá này, tôi cho rằng vẫn bảo đảm cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mức lãi không phải là nhỏ, có người nói còn cao "ngất ngưởng", nhìn rộng ra giá xăng dầu của Việt Nam hiện vẫn cao hơn rất nhiều nước trên thế giới!

- Theo ông, nếu như đề xuất tăng chi phí kinh doanh định mức này được thông qua sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá xăng dầu hiện tại?

GS.TS Đặng Đình Đào: Chi phí định mức kinh doanh trên nếu được thông qua thì giá xăng dầu hiện tại ở nước ta rõ ràng sẽ lại tăng ở mức rất cao và gánh nặng sẽ thuộc về các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng. Hệ lụy là sức cạnh tranh của hàng hóa dịch vụ Việt Nam đã yếu kém lại càng yếu kém hơn, nhất là đối với các dịch vụ logistics phải chịu chi phí đầu vào quá cao. Đặc biệt, thời điểm này Việt Nam đang mở cửa thị trường dịch vụ logistics nên việc tăng giá xăng dầu sẽ là một bất lợi lớn.

- Theo ông, làm sao để gói gọn chi phí định mức kinh doanh xăng dầu trong 860 đồng/lít như trước đây mà vẫn đảm bảo bổ sung chi phí như DN đề xuất vừa không tăng giá xăng dầu?

Trên thực tế đã có tình trạng chạy ngầm về mức chi phí hoa hồng chia cho các đại lý. Bộ Tài chính chỉ quy định mức được chi dưới 50%, tức là 430đ/lít xăng nhưng thực tế doanh nghiệp xăng dầu có khi chi lên tới 750 - 800đ/lít xăng bán lẻ. Đây là biểu hiện của việc kinh doanh xăng dầu không theo quy tắc thị trường ở Việt Nam.

Việc đẩy mức chi phí hoa hồng từ 430đ/lít xăng lên 800đ/lít xăng bán lẻ để rồi lại đổ lên đầu người tiêu dùng và lại xin nhà nước bổ sung chi phí, đây cũng là một dạng của "chuyển giá", "chuyển chi phí" để xin nhà nước bù lỗ, bù chi phí, trong khi doanh nghiệp làm ăn vẫn có lãi, thị trường luôn ổn định. Thực tế, việc muốn có thêm các nhà kinh doanh, các nhà nhập khẩu xăng dầu gia nhập thị trường ở Việt Nam không phải là dễ bởi mặc dù luôn kêu lỗ nhưng không doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nào chịu từ bỏ để cho doanh nghiệp khác họ làm thay.

Theo tôi, thay vì tăng chi phí định mức kinh doanh lên thì Bộ Tài Chính nên giám sát chặt chẽ việc chiết khấu hoa hồng cho các đại lý. Không để người tiêu dùng vốn đã chịu thiệt lâu nay giờ phải gánh thêm cả chi phí hoa hồng cho đại lý.

Xin cám ơn ông!

Infornet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo