Doanh nhân

Đừng chỉ biết chỉ trích Panama, Thụy Sĩ mới là ông tổ của thiên đường thuế

Sau khi chiến tranh thế giới kết thúc, nhiều quốc gia như Beirut, Bahamas, Uruguay, Lichtenstein và Panama đã học tập theo Thụy Sĩ để trở thành thiên đường thuế cho giới nhà giàu.

Những tiết lộ của hồ sơ Panama đang khiến toàn thế giới quan tâm. Chính phủ nhiều nước cũng đang vào cuộc điều tra những người có liên quan đến hồ sơ này. Tuy nhiên, rõ ràng là việc người giàu trốn thuế hay những hành vi gian lận, rửa tiền, tham nhũng chẳng thể biến mất sau vụ Panama.

Thay vì khiến hiện tượng trên giảm bớt, hồ sơ Panama chỉ nhắc nhở cho mọi người thấy rằng ngay cả khi bị công khai hay lên án, thiên đường thuế vẫn sẽ tồn tại bởi một nguyên nhân rất đơn giản: người giàu có quyền lực.

Có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy bất công và họ chắc chắn muốn lên án một ai đó, một tổ chức nào đó hay một quốc gia nào đó. Dẫu vậy, Panama có lẽ không phải là nước mọi người nên chỉ trích đầu tiên, mà là Thụy Sĩ, khởi nguyên thiên đường thuế thực sự.

Thụy Sỹ là thiên đường trốn thuế

(Ảnh minh họa).

Ông tổ của thiên đường thuế

Khái niệm thiên đường thuế theo lý thuyết bắt đầu từ Hy Lạp cổ đại khi nhiều thuyền buôn dự trữ hàng tại các đảo nhỏ ngoài hải cảng nhằm tránh đóng thuế khi đến Hy Lạp. Tuy nhiên, Thụy Sĩ là nước đầu tiên hoàn thiện khái niệm này với một thiên đường thuế hoàn chỉnh cả về cơ chế lẫn luật pháp.

Câu chuyện bắt đầu vào thời điểm trước Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, Thụy Sĩ còn ở chế độ liên bang và bang Zug khi đó đã sửa đổi luật lệ để các nhà đầu tư và doanh nhân nước ngoài có thể dễ dàng thành lập công ty cũng như mua bán, sáp nhập kinh doanh. Theo sau đó, nhiều bang lân cận cũng học tập theo Zug khi mở cửa cho các dòng vốn nước ngoài và trở thành thiên đường thuế cho nhiều nhà đầu tư.

Ngày nay vùng Zug với truyền thống thu hút vốn đầu tư nước ngoài hiện đã có khoảng 29.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại đây. Vào năm 2001, vùng Zug đặc biệt được giới truyền thông chú ý khi Tổng thống Mỹ thời đó là ông Bill Clinton đã ân xá cho doanh nhân Marc Rich, một doanh nhân trốn thuế tại Mỹ năm 1983 nhưng đã kịp trốn sang Zug chỉ vài giờ trước khi bị cáo buộc và cấm xuất cảnh.

Vào thập niên 20, Thụy Sĩ đã trở nên quá nổi tiếng khi là quốc gia ưa thích của những doanh nhân muốn che giấu tài sản và tránh sự điều tra của chính phủ.

Điều này khiến chính phủ nhiều nước tỏ ra cực kỳ bất bình với Thụy Sĩ, đặc biệt là với giới ngân hàng nước này khi họ kiên quyết từ chối hợp tác với bất cứ quốc gia nào trong việc điều tra trốn thuế.

Chính phủ Thụy Sĩ cũng gián tiếp đồng ý với cách làm này của ngành ngân hàng. Biên bản Hội đồng Liên bang năm 1924, cơ cấu quyền lực nhất của Thụy Sĩ thời đó đã cho thấy Ủy ban Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sĩ (CSBA) đã bỏ phiếu từ chối bất kỳ biện pháp nào đi ngược lại chính sách không hợp tác trên.

Tuy nhiên, đến thời điểm đó thì chính sách bảo mật của ngân hàng Thụy Sĩ chỉ mới ngầm được đồng ý mà chưa được viết thành luật.

Mọi chuyện thay đổi vào năm 1934 khi Thụy Sĩ chính thức đưa chính sách này trở thành luật sau khi Đức Quốc Xã lên nắm quyền vào năm 1933. Động thái trên của Thụy Sĩ được nhiều người cho là một bước đi mang tính nhân đạo khi chúng có thể bảo vệ tài sản của nhiều người Do Thái trước quân đội phát xít.

Tuy nhiên, chuyên gia sử học Sébastien Guex đã chứng minh rằng có một bí mật động trời đằng sau quyết định trên. Theo đó, chỉ vì một vụ bê bối tiết lộ tài liệu tương tự như vụ Hồ sơ Panama mà Thụy Sĩ đã phải đưa chính sách bảo mật trở thành luật mà điều này có rất ít liên quan đến người Do Thái.

Vụ “Hồ sơ Thụy Sĩ”

Vụ bê bối này bắt đầu vào năm 1932 khi chính phủ Pháp phải vật lộn để cân bằng ngân sách trong khi kinh tế đất nước đang lâm vào một cuộc đại khủng hoảng cùng với kinh tế toàn cầu.

Khi đó, liên minh chính trị cánh tả trong chính phủ nhận ra giới nhà giàu Pháp đang trốn thuế bằng cách chuyển tiền đến Thụy Sĩ, qua đó hối thúc chính phủ thực hiện một cuộc điều tra với những tài sản bị che giấu này.

Ngày 26/10/1932, chính quyền địa phương đã khám xét chi nhánh ngân hàng thương mại Basel tại Paris, thu giữ sổ sách có chứa khoảng 2.000 công dân Pháp đã dùng tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ để trốn thuế.

Hàng loạt những nhân vật nổi tiếng, các chính trị gia và tỷ phú, doanh nhân thành đạt đều có tên trong danh sách này.

Sau vụ đổ vỡ bí mật này, hàng loạt nhà đầu tư rút tiền khỏi Thụy Sĩ nhằm tránh tai tiếng cũng như các cuộc điều tra ở nước sở tại.

Chính phủ Pháp đã tìm cách đe dọa Thụy Sĩ để buộc họ cung cấp thêm thông tin, thậm chí chính quyền Paris còn bắt một số quan chức có dính líu đến ngân hàng Basel chi nhánh Paris.

Đối với nước Pháp thời kỳ đó, vụ “Hồ sơ Thụy Sĩ” không hề là một chuyện nhỏ bởi nước Pháp ước tính đã mất hơn 2 tỷ Franc tiền thuế do các vụ trốn thuế như vậy. Do đó, chính quyền Paris liên tục gây sức ép với Thụy Sĩ để điều tra thêm vụ việc này.

Không chịu ngồi yên, Thụy Sĩ cũng tuyên bố không thể có chuyện họ cho phép các nhà điều tra Pháp làm ảnh hưởng đến lợi ích ngành ngân hàng của mình.

Trên thực tế, ngành ngân hàng Thụy Sĩ đang chịu thiệt hại khá lớn do cuộc Đại Suy thoái 1932 trên toàn cầu từ trước khi vụ bê bối trên diễn ra. Những rắc rối trong hệ thống tài chính ngày càng gia tăng sức ép chính phủ Thụy Sĩ phải kiểm soát chặt chẽ hơn ngành ngân hàng.

Tuy nhiên, nếu Thụy Sĩ gia tăng giám sát ngành ngân hàng, cũng đồng nghĩa các quan chức liên bang có thể tiếp cận được với thông tin chi tiết chủ tài khoản, qua đó làm lộ danh tính và khiến giới nhà giàu càng sợ hãi rút tiền nhiều hơn.

Do đó, chính phủ Thụy Sĩ đã đi đến một giải pháp trung hòa là các ngân hàng thương mại sẽ bị giám sát bởi Hội đồng Liên bang theo Luật Ngân hàng năm 1934. Tuy nhiên, Điều 47 của bộ luật này cấm tất cả mọi người, kể cả các quan chức chính phủ tiết lộ danh tính khách hàng dưới bất kỳ hình thức nào. Người vi phạm có thể bị phạt tù hoặc phạt tiền với mức phạt rất nặng.

Điều luật này khiến Thụy Sĩ kiểm soát được hệ thống tài chính nhưng vẫn đảm bảo sự im lặng tuyệt đối của bất kỳ người nào liên quan đến ngành ngân hàng.

Kết quả là các dòng vốn bắt đầu quay lại với Thụy Sĩ khi nước này là quốc gia đầu tiên có bộ luật quy định không được tiết lộ danh tính khách hàng.

Trong quá trình hoàn thiện hệ thống tài chính và luật ngân hàng, Thụy Sĩ đã gián tiếp tạo ra một khuôn mẫu cho nhiều thiên đường thuế khác có thể noi theo.

Kể từ đây, hàng loạt những thiên đường trốn thuế ra đời. Sau khi chiến tranh thế giới kết thúc, nhiều quốc gia như Beirut, Bahamas, Uruguay, Lichtenstein và Panama đã học tập theo Thụy Sĩ để trở thành thiên đường thuế cho giới nhà giàu.

Hoàng Nam/Trí thức trẻ

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo