Đừng khiến trẻ phải “học trong sợ hãi”
Chương trình dậy cho trẻ, dù qua nhiều lần cải cách, vẫn đang rất nặng, dài và khó. Đó là sự thật. Trên một hội nhóm học cùng con trên Facebook, rất nhiều bậc phụ huynh đã phải vò đầu bứt tai, choáng váng vì những bài toán lớp 2, lớp 3 hoặc những bài văn cho học sinh lớp 6, lớp 7, cho dù hầu hết chính họ đã học xong Đại học và sau Đại học.
Mẹ của bạn tôi, một cô giáo tiểu học với hơn 20 năm tuổi nghề, cũng thành thật nói rằng, để đứng trên bục giảng bây giờ, chính cô cũng phải… “đi học lại” vì cách ra đề của chương trình hiện tại phức tạp và khác trước rất nhiều.
Ở tầm vĩ mô, có lẽ người ta hy vọng việc thay đổi phương pháp dạy và học ở bậc tiểu học nhằm giúp trẻ “thay đổi tư duy” ngay từ tuổi ấu thơ, với mong muốn thế hệ tương lai sẽ “vượt trội” hơn thế hệ trước. Nhưng, việc o ép và “thách đố” trẻ khi còn quá nhỏ rất có thể sẽ khiến trẻ nảy sinh những thái độ tiêu cực với việc học hành, gây hệ lụy lớn đến tâm lý của trẻ khó lường hết được.
Ngoài việc học nặng, học khó, các em còn đang phải học theo kiểu thụ động và nhồi nhét. Đây không phải là “vấn nạn” quá mới trong giáo dục nhưng nó vẫn chưa bao giờ hết nhức nhối. Việc dậy và học ở Việt Nam quá nặng về tính lý thuyết nhưng lại thiếu thực hành một cách trầm trọng.
Hầu hết tại các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở, việc giảng dậy của giáo viên vẫn mang tính khuôn mẫu, truyền thụ xuôi chiều và ít đổi mới. Hậu quả là học sinh bị gò ép trong tư duy, thụ động và thiếu sáng tạo. Học không đi đôi với hành cũng khiến học sinh bị “học vẹt”, dù có thuộc vấn đề mà không hiểu bản chất của vấn đề.
Tôi từng được tham gia cùng một giờ học Sinh vật của học sinh tiểu học ở Nhật. Giờ học kéo dài trong một buổi sáng. Từ trường học của mình, các học sinh mới 7 tuổi được các cô dẫn bộ đi gần 2km để ra vườn thú.
Tại đây, trẻ sẽ đi thăm quan vườn thú và sau đó “viết” nghiệm thu về con vật mà mình yêu thích nhất. Các em có thể tả bằng lời với những câu văn đơn giản nhất, hoặc vẽ, hoặc kết hợp cả 2 phương pháp trên hay dùng bất cứ phương pháp nào để chuyển tải thông điệp của mình: Đó là con vật gì và vì sao các con thích nó.
Sau giờ học, tôi rất ấn tượng bởi tính kỷ luật, sự khỏe mạnh, thông minh và cá tính của các học sinh Nhật. Đồng thời, tôi ngưỡng mộ sự nhiệt tình, sáng tạo và thân thiện của các cô giáo ở đây. Đó thực sự là một giờ học với đầy những trải nghiệm lý thú mà tôi mong tất cả học sinh Việt Nam đều sẽ được học.
Trong độ tuổi đầu đời, đáng ra tất cả trẻ em đều phải được hưởng cách giáo dục nhân văn và nhẹ nhàng kiểu “học mà chơi, chơi mà học” như vậy thì giờ đây, rất nhiều con em chúng ta đang phải “học trong… sợ hãi” hoặc trong áp lực.
Để xảy ra tình trạng này, không chỉ có lỗi của điều kiện khách quan, cơ chế, chính sách mà còn có cả trách nhiệm của gia đình.
Có vẻ như nhiều bậc cha mẹ đang đặt nặng kỳ vọng vào việc học hành của trẻ, khiến trẻ bị “quá tải”. Việc liên tục gửi con đi học thêm, kể cả trong dịp ngày lễ, ngày nghỉ, nghỉ hè… để mong con “bằng bạn, bằng bè”, các bố mẹ đã và đang “cướp mất tuổi thơ” của con mình. Trẻ em, hơn lúc nào hết, cần có không gian để thư giãn và phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần.
Có những nhận xét cho rằng, chúng ta đang quá “tham lam”, đặt gánh nặng kỳ vọng và áp lực quá lớn lên thế hệ “mầm non của đất nước”. Nên chăng, đã đến lúc chúng ta, trước tiên là các bậc cha mẹ, nên thay đổi trong việc định hướng và giúp đỡ việc học tập của con trẻ.
Hãy nhớ rằng, kiến thức phải được đặt trong một cơ thể khỏe khoắn, một tâm hồn thoải mái, lành mạnh và khả năng tư duy thông tuệ thì nó mới phát huy tác dụng của mình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo