Góc nhìn

Dùng ngân sách xử lý nợ xấu DNNN: Không thuận lý!

"Việc sử dụng ngân sách nhà nước để thanh toán nợ xấu do DNNN lúc này là làm mất thêm niền tin của dân, lòng dân sẽ không thuận!".

Không thể dùng tiền thuế của dân để trả cho doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ

Dùng  ngân sách trả thì nợ này tính vào nợ công

PV: - Mới đây, Bộ KHĐT đề xuất dùng một phần ngân sách để xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước. Lý giải cho đề xuất này, một thành viên của Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia cho rằng, phải cấp cho ngân hàng thương mại một khoản tiền để họ xóa những khoản nợ biết chắc là không thể thu hồi được ví dụ như nợ của DNNN. Từ đề xuất cũng như lý giải nói trên, có thể hiểu thế nào về tình hình nợ xấu của các ngân hàng thương mại và nỗ lực giải quyết nợ xấu của VAMC thời gian qua? Trong khi áp lực nợ công, bội chi… ngày càng đè nặng lên các quyết định chi tiêu ngân sách, đề xuất nói trên nên được xem xét như thế nào?

TS Trần Hoàng Ngân: - Phương án giải quyết nợ xấu của Chính phủ trong 2 năm vừa qua là đang đi đúng hướng và các bước đi cũng đang chấn chỉnh dần. Cho nên tôi nghĩ rằng không nên nóng vội sử dụng các biện pháp khác.

Bởi vì muốn xử lý nợ xấu thành công thì vấn đề quan trọng nhất là phải tái cơ cấu nền kinh tế cho hoàn chỉnh. Nợ xấu ở đây chỉ là biểu hiện bệnh bên ngoài của một cơ thể đau ốm. Như vậy vấn đề cần chú tâm hiện nay là chữa bệnh bên trong cơ thể chứ không phải bôi kem chữa bệnh ngoài da.

Thế nhưng, có thể thấy việc “chữa bệnh” bên trong cơ thể của nền kinh tế hiện nay là chưa hiệu quả. Đáng ra Chính phủ phải mạnh dạn tái cơ cấu các tập đoàn tổng công ty nhà nước làm sao cho hiệu quả hơn chứ không phải cổ phần hóa cho bằng được.

Phải cấu trúc lại toàn bộ máy quản lý, quản trị, cơ chế quản lý gắn với trách nhiệm của người điều hành thì mới hiệu quả.

Hiện chúng ta đã có Luật Đầu tư công, vậy thì bước tiếp theo là phải thể chế hóa nó rồi giám sát cho hiệu quả thì quan trọng hơn là đi giải quyết nợ xấu hiện nay của các tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp nhà nước.

Bởi vì trong một nền kinh tế mình phải theo luật chơi của thị trường. Cho nên nếu lấy tiền ngân sách ra xử lý nợ xấu cho các doanh nghiệp nhà nước vậy còn các doanh nghiệp tư nhân thì sao?

Do đó cách tốt nhất với những khoản chính phủ có bảo lãnh, dù đó là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân thì rõ ràng là Chính phủ phải chịu trách nhiệm, tức là ngân sách phải gánh. Tuy nhiên phải làm rõ tại sao lại phải bảo lãnh, tức là phải làm rõ cả trách nhiệm cá nhân.

Trong khi đó hiện áp lực nợ công, bội chi… ngày càng đè nặng lên các quyết định chi tiêu ngân sách. Do đó phải làm rõ khoản vay đó có được chính phủ bảo lãnh không bởi vì nếu lấy ngân sách để trả nghĩa là nợ DNNN là nợ công rồi.

Thế nhưng từ trước tới nay chúng ta chưa bao giờ tính nợ công bao gồm cả của các DNNN đang vay ở các ngân hàng thương mại mà chỉ tính phần vay của các DNNN mà Chính phủ bảo lãnh. Bởi vì nếu tính vào như thế là nợ công sẽ vượt 100% GDP. Cho nên hiện tại mới chỉ chỉ thông báo nợ mà Chính phủ bảo lãnh của DNNN vào nợ công.

PV: - Thưa ông, nếu theo đề xuất của Bộ KHĐT, việc chi ngân sách để xử lý nợ xấu là để giải quyết việc “doanh nghiệp nhà nước gây thua lỗ, nợ xấu phải dùng ngân sách để cứu” hay đây cũng là biện pháp để cứu các ngân hàng thương mại? Trong cả hai trường hợp, phải lý giải tính hợp lý của đề xuất trên như thế nào? (Trong trường hợp 1, DNNN dùng ngân sách kinh doanh thua lỗ không giữ được vốn, làm mất vốn nên phải tiếp tục lấy thêm ngân sách để xử lý khoản nợ xấu này; trường hợp 2, ngân hàng thương mại là đơn vị kinh doanh tiền tệ, cho các DNNN vay và họ không trả được, phát sinh ra nợ xấu nên phải trích tiền ngân sách để xử lý khoản này?)

TS Trần Hoàng Ngân: - Ở đây có một bài toán cần làm rõ nợ đó của hệ thống nào, ngân hàng nào? Ngân hàng nào đã cho vay?

Khi cho vay thì phải đảm bảo yếu tố nguyên tắc tín dụng là phải được hoàn trả, tức là phải có khả năng thanh toán. Tức là ở đây cn có cả lỗi của người cho vay nữa.

Cho nên quan trọng ở đây là phải xem phần nợ đó có được bảo lãnh hay không.

Ngân sách không chịu nổi!

PV: - Nhiều chuyên gia đã chỉ ra đặc điểm sở hữu chéo trong các ngân hàng và ma trận này vẫn chưa có cách tháo gỡ để minh bạch hệ thống tài chính; câu hỏi nợ xấu mua về rồi sẽ làm gì cũng chưa có lời giải, việc bơm tiền thật xử lý dứt điểm nợ xấu có giúp khơi thông dòng tín dụng đang không tới được với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (khu vực tư nhân) hay không hay chỉ dùng để cứu chính các ngân hàng thương mại? Liệu đó có là lý do khiến Ngân hàng Nhà nước “rất muốn thế nhưng chúng tôi chưa hề đề xuất như vậy” như lời Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh hay không, thưa ông?

TS Trần Hoàng Ngân: - Vấn đề là ngân sách không có tiền dư để xử lý. Hiện nay chúng ta không được sử dụng chính sách tài chính mà chỉ được dùng chính sách tiền tệ thôi.

Trong khi đó ngân sách đã bội chi vượt cả Nghị quyết Quốc hội rồi. Cho nên nếu thêm khoản chi xử lý nợ xấu này nữa thì ngân sách không chịu nổi. Trừ khi chính phủ bảo lãnh thì chính phủ chịu trách nhiệm. Kể cả người bảo lãnh và người cho vay đều cùng liên đới chịu trách nhiệm về khoản này.

PV: - Theo cá nhân ông, ở thời điểm này nên áp dụng phương cách nào để xử lý nợ xấu? Nếu trích từ ngân sách nhà nước để xử lý thì có phải kèm theo các điều kiện gì để tránh tình trạng biến nợ xấu thành nợ rất xấu?

TS Trần Hoàng Ngân: - Như tôi đã nói cách xử lý nợ xấu thời gian qua chúng ta đang đi đúng hướng. Cho nên tôi không ủng hộ phương án dùng tiền ngân sách để xử lý tiếp nên chúng ta không bàn phải áp dụng cách này như thế nào.

Việc sử dụng ngân sách nhà nước (tiền thuế của dân) để thanh toán nợ xấu do DNNN lúc này lòng dân sẽ không thuận.

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo