Góc nhìn

Dùng ngân sách xử nợ xấu:Tiền đầu tư không có, lấy gì cứu?

‘Bây giờ tiền chi đầu tư còn không có, lấy đâu ra ngân sách mà xử lý nợ xấu….”.

Tiền mặt hiện đang được xem là liều thuốc hữu hiệu cho xử lý nợ xấu nhưng câu hỏi là: tiền ở đâu?

Ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội đã nói thẳng trước đề xuất xin ý kiến Quốc hội trích một phần ngân sách để xử lý nợ xấu cho các doanh nghiệp nhà nước.

Nợ xấu – chỉ có thể cứu DN có triển vọng!

Bộ KHĐT đề xuất dùng một phần ngân sách để xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước. Lý giải cho đề xuất này, một thành viên của Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia cho rằng, phải cấp cho ngân hàng thương mại một khoản tiền để họ xóa những khoản nợ biết chắc là không thể thu hồi được ví dụ như nợ của DNNN.

Đồng tình với quan điểm phải xử lý dứt điểm nợ xấu, song TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: không thể nói chung chung được mà phải phân loại rõ ràng và có cơ chế như thế nào rồi công khai minh bạch ra.

Phải có kế hoạch phân khúc cho từng lĩnh vực, số tiền xử lý cho từng phân khúc cụ thể là bao nhiêu, phải ưu tiên xử lý nợ xấu nào trước.

Theo tôi, nếu doanh nghiệp nào còn khả năng phục hồi, còn có thể mang lại đóng góp cho kinh tế thì phải cứu họ trước. Lĩnh vực không còn khả năng phục hồi, nhưng tài sản đảm bảo vẫn có tính thanh khoản tốt như BĐS, ưu tiên thứ hai.

Thứ ba, vì quyền lợi quốc gia mà mang nợ xấu nhưng phải duy trì vì lợi ích cho địa phương nào đó cũng phải được xem xét giải quyết. Tất cả món nợ liên quan tới nhóm lợi ích phải được xem xét giải quyết cuối cùng.

“Đặc biệt phải nói rõ với dân, tiền thuế của dân cơ bản là không đụng đến mà chỉ lấy phần thuế thu của DNNN (hơn 30% nguồn thu) tạm ứng để cứu mấy doanh nghiệp còn có triển vọng ‘sống’ lại và làm ăn tốt được, sau này thu hồi lại cho Nhà nước”, ông Hồ đề xuất.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2010, các tập đoàn kinh tế nhà nước chi 10.128 tỷ đồng vào lĩnh vực ngân hàng. Đến nay, dù đã thoái vốn, nhưng tỷ lệ này giảm rất ít, chỉ 2.830 tỷ đồng. Như vậy, hiện số vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước vào các ngân hàng, công ty tài chính khoảng trên 10.000 tỷ đồng.

Trong đó có những khoản đầu tư lớn, như: Tập đoàn Dầu khí sở hữu 52% cổ phần PVcomBank và 20% của Oceanbank, Tập đoàn Điện lực (EVN) sở hữu 16% vốn điều lệ ABBank, VNPT nắm 9% vốn điều lệ Maritime Bank, Petrolimex nắm 40% cổ phần PG Bank, Tập đoàn Bảo Việt nắm lượng cổ phần chi phối tại BaoVietBank, Viettel năm 15% cổ phần của MB…

Về con số nợ xấu của riêng khối doanh nghiệp nhà nước, số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia trong một báo cáo công bố hồi cuối năm 2013 cho thấy, đến cuối 2012, nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước (chưa tính Vinashin) chiếm 11,8% tổng nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng và 5% dư nợ đối với doanh nghiệp Nhà nước. Ước tính, nợ xấu và nợ cơ cấu lại của khu vực doanh nghiệp Nhà nước năm 2012, bao gồm các khoản của Vinashin sẽ vào khoảng 44.750 tỷ đồng. Gần đây những con số chính thức về nợ xấu tuy không thống nhất nhưng có vẻ còn cao hơn và vẫn dang tăng lên.

Các khoản nợ xấu này được đánh giá là rất khó giải quyết vì các khoản nợ mà các doanh nghiệp Nhà nước vay thường phải trông đợi vào sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước dưới các hình thức xóa nợ, khoanh nợ, chuyển nợ, bổ sung vốn...

Theo TS Hồ: Những doanh nghiệp bí bét quá thì cho phá sản luôn, thu lại dược bao nhiêu tài sản thì thu, giải quyết cuộc sống cho người lao động.

“Như vậy nếu có phải dùng nguồn từ ngân sách thì cũng rất hạn chế mà phải dựa vào bán tài sản DNNN còn có giá kiểu như Vinamilk, Sabeco…

“Còn với những DN khác dù lỗ vốn cũng chấp nhận bán. Kinh nghiệm ở Indonesia họ còn có trường hợp bán giá = 0 coi như cho đi để làm lại. Vậy nên điều này Việt Nam cũng cần tham khảo”, TS Hồ gợi ý.

Tiền đâu mà chi?

Trong bối cảnh nợ công tăng, đề xuất tăng lương cũng được tạm gác vì ngân sách không đủ nên việc chi tiếp cho xử lý nợ xấu xem ra đang là gánh nặng.

Ông Đinh Văn Nhã nói thẳng: “Tiền chi đầu tư còn không có, lấy đâu ra mà xử lý nợ xấu!”.

Hiện đề xuất này đưa ra chỉ giải quyết cho doanh nghiệp nhà nước, có nghĩa cả chủ nợ và con nợ đều là một chủ thể nên việc lấy tiền ngân sách để xóa nợ là rất dễ. Nhưng ngân sách lấy đâu ra tiền thì vẫn là câu hỏi chưa thể giải đáp.

 Theo TS Lưu Bích Hồ, giờ là lúc phải làm quyết liệt. Chẳng hạn ngân sách phải kiên quyết cắt bớt những khoản chi thường xuyên như mua sắm, hội họp, hành chính phí, đi đây đó làm việc quá nhiều mà trùng lặp về nội dung, lễ hội, cắt băng khánh thành,....

Rồi cũng phải xem khoản đầu tư công nào có thể hoãn giãn tiến độ dù là có viện trợ ODA hoặc tiếp nhận FDI mà cần vốn đối ứng hoặc tham gia của phía ta về hạ tầng cũng tốn kém khá nhiều thì cũng đành phải cắt giảm...

“Chúng ta còn định bàn đến bao giờ? Có những chỗ cháy nhà rồi còn ngồi bàn cứu thế nào!”, TS Hồ lo ngại.

Chính vì thế ông cho rằng chỉ có 1 trong 2 kịch bản. Kịch bản thứ nhất là quyết liệt hơn thì có khả năng cổ phần hoá đúng tiến độ và lành mạnh hóa khu vực DNNN; Kịch bản thứ hai là cứ làm dần dần cho vững chắc rồi thế nào cũng xong.

Tuy rất không mong muốn nhưng ông Lưu Bích Hồ lại dự báo có nhiều khả năng sẽ rơi vào kịch bản thứ hai, vì “không ai chịu lấy đá ghè chân mình”. Vậy tốt nhất là nên sớm lập ra một cơ quan ngang Bộ chuyên trách quản lý DNNN mà trước mắt tập trung vào xử lý nợ xấu, nợ công của khu vực này, chấn chỉnh lại việc quản trị doanh nghiệp, kể cả đang trong quá trình cổ phần hóa, chấm dứt việc chủ quản của các Bộ và UBND địa phương như hiện nay thì mới nhanh và đạt kết quả, hiệu quả thật sự được.

Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo