Đừng nghĩ mày giàu rồi thì cho mày chết!
Đương nhiên, người sở hữu nhiều bất động sản là người giàu, nhưng đừng nghĩ rằng người giàu thì không cần giải cứu , mày giàu rồi thì cho mày chết!
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội về giải pháp mua lại nhà của doanh nghiệp bán cho người thu nhập thấp để giải cứu thị trường này.
Thu nhập thấp làm gì có tiền mua nhà
Nhà nước sẽ mua lại một số dự án nhà của doanh nghiệp rồi bán cho người có thu nhập thấp. Theo ông đây có phải là giải pháp đủ mạnh để phá băng của thị trường bất động sản trong thời điểm này?
Đây là một chủ trương nhưng khó thực hiện. Nếu thành công sẽ giúp ổn định an sinh xã hội. Chủ đầu tư có tiền trả nợ ngân hàng để tái sản xuất. Những người có nhu cầu về nhà ở thật sự, có hoàn cảnh khó khăn thật sự được Nhà nước hỗ trợ.
Nhưng nó khó ở chỗ nào?
Nhà nước có đủ tiền để hỗ trợ về nhà ở cho tất cả người nghèo không? Đã là diện nghèo làm gì có trăm triệu tích lũy. Trong khi đó, nhà bán cho đối tượng này giá rẻ nhất cũng gần 1 tỷ đồng/căn.
Tại sao lại đặt vấn đề Nhà nước có đủ tiền hay không?
Cái đó liên quan đến kế hoạch chi tiêu của Nhà nước, phải thông qua nhiều cơ quan bộ ngành. Ngay việc tăng lương cho cán bộ công nhân viên chức, Nhà nước còn kêu ca khó khăn huống chi việc này phải tiêu số tiền rất lớn.
Chủ trương xây nhà cho người thu nhập thấp đã có rồi, nhưng dường như số người mua được nhà đến nay không nhiều?
Thì rõ thế. Ngay cả nhà thu nhập thấp cho các đối tượng chính sách cũng không nhiều người đủ khả năng để mua. Số người cần nhà rất nhiều nhưng số người có tiền để đáp ứng được thì rất nhỏ. Đã là thu nhập thấp rồi, đã là người nghèo rồi thì làm gì có tiền. Ngay cả công chức ăn lương nhà nước, để có số tiền tích lũy vài trăm triệu cũng đã là khó nói gì đến những người có thu nhập thấp, dưới nghèo.
Nếu cả ao cá chết hết thì…
Ông có cho rằng, đa số người nắm giữ bất động sản hiện nay đều không phải là "người nghèo"?
Đương nhiên rồi!
Tôi thắc mắc vậy bởi, Nhà nước lấy tiền thuế của người nghèo để giải cứu người giàu thì liệu có phải là bài toán công bằng?
Câu chuyện này phải nhìn lại hai mặt của nó. Đặt vấn đề người đang sở hữu bất động sản là những người giàu, liệu họ có cần phải hỗ trợ hay không là không đúng.
Ta phải xét dưới góc độ đóng góp cho xã hội. Đa phần tiền thuế nộp cho Nhà nước là do các doanh nghiệp đóng. Các quốc gia có giàu có hay không phụ thuộc vào doanh nghiệp làm ăn lãi nhiều hay ít để đóng thuế nhiều hay ít. Nếu một quốc gia chỉ có người nghèo thì lấy đâu ra tiền để đóng thuế cho Nhà nước?
Nhưng còn các góc nhìn khác thì sao?
Khắp cả nước hầu như tỉnh thành nào cũng có dự án dở dang do thiếu tiền để hoàn thiện. Một núi tiền bị chôn vào các dự án dở dang đó chính là tiền của Nhà nước, chủ đầu tư thiệt thòi. Không có hàng hóa để bán cho người dân. Người dân không vay được tiền để mua nhà. Rõ ràng nhìn thấy các chủ đầu tư thua thiệt, người dân thua thiệt và Nhà nước cũng thua thiệt. Phải nhìn tổng thể như vậy.
Nghĩa là người giàu cũng cần phải cứu thưa ông?
Không nên quan niệm chủ đầu tư là những người giàu có, không mua nữa, cho mày chết. Nếu một vài chủ đầu tư chết thì là chuyện bình thường. Giống như trong một cái ao, có một vài con cá chết là chuyện bình thường. Nhưng cả ao cá đều chết hết thì rõ ràng môi trường có vấn đề.
Ít tiền, ra vùng ven mà ở!
Hiện có bao nhiêu phần trăm người thu nhập thấp có khả năng mua nhà thưa ông?
Cái này rất khó đoán và không thể nói ước chừng được. Phải hỏi ban quản lý các tòa nhà xây dựng nhà thu nhập thấp thì người ta mới trả lời được sau 1 năm nhận đơn và xét duyệt có bao nhiêu cá nhân, bao nhiêu hộ gia đình có đủ điều kiện pháp lý để được ưu tiên mua nhà. Và trong số những người được xét duyệt, người chưa có nhà ở là đối tượng nghèo có đủ tiền gần 1 tỷ đồng để mua nhà là bao nhiêu?
Ông vừa nói công chức có tiền tích lũy hàng trăm triệu không nhiều, nghĩa là khả năng mua nhà của công chức còn khó chứ chưa nói đến người thu nhập thấp?
Rõ ràng là chấp nhận ở thành phố thì phải chịu giá cao. Còn nếu ít tiền mà muốn có nhà rộng, giá rẻ thì về các vùng ven đô, vẫn có nhiều các điều kiện để cho mọi người lựa chọn cơ mà. Quỹ đất không có mà nhiều người muốn sở hữu thì giá đất đương nhiên phải cao. Muốn sở hữu đất rẻ thì chuyển đi sống ở những vùng ven Hà Nội như Sóc Sơn, Hòa Bình... giá chỉ một vài triệu/mét vuông thôi. Tại sao họ lại không lên đấy ở? Cứ muốn ở Hà Nội. Đó là câu chuyện sinh nhai, cuộc sống, công ăn việc làm, các mối quan hệ.
Đa số người thu nhập thấp đều mong muốn giá của thị trường bất động sản trở về giá trị thực. Điều đó có khó không?
Đó là bài toán chưa ai trả lời được diễn biến thế nào. Vì tất cả các dự đoán về thị trường bất động sản chỉ là dự đoán, giống như chứng khoán. Chúng ta đang kiềm chế lạm phát, không khuyến khích tăng trưởng. Điều đó có nghĩa là nền kinh tế của ta còn khó khăn. Nhưng cơ hội cho những người ít tiền mà muốn có diện tích rộng rãi thì không nhất thiết cứ phải ở trong nội thành.
Theo ông, cái giá trị ảo so với giá trị thực chênh lệch thế nào?
Đương nhiên lợi nhuận của các doanh nghiệp giống như kinh doanh mọi mặt hàng. Người ta đã đầu tư phải có lãi. Còn lãi bao nhiêu chỉ có doanh nghiệp mới có thể biết được. Nhưng trong lúc thị trường khó thanh khoản như thế này, doanh nghiệp muốn sống, không có cách nào khác ngoài các chính sách giảm giá và chấp nhận giảm biên độ lợi nhuận, hoặc phải chấp nhận lỗ vốn cũng phải bán nếu bị ngân hàng thúc nợ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo