Đừng thí nghiệm trên học sinh!
Một kỳ thi chung quốc gia là một vấn đề lớn, tác động đến hàng triệu người dân, vì vậy không thể chỉ đơn thuần là một quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Cần trình lên Quốc hội sau khi lấy ý kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Trên thực tế thì sẽ chẳng bớt được kỳ thi nào vì đa số các trường ĐH và CĐ có chất lượng tốt sẽ tự tổ chức tuyển sinh theo tinh thần tự chủ ĐH đã được quy định trong luật. Và như vậy cũng chả bớt được gì về thời gian, công sức và tiền bạc của xã hội.
Đương nhiên sẽ xảy ra tình trạng thi gì học nấy. Học sinh tất yếu sẽ học lệch, sẽ bỏ học hoặc học lơ là các môn không thi và không tự chọn (học sinh sẽ gọi là môn phụ). Thầy cô giáo dạy các môn ấy sẽ ra sao khi học sinh không cần học? Đừng quên rằng hạnh phúc trong đời mỗi người là đã từng được trang bị kiến thức phổ thông một cách toàn diện trong những năm tháng học hành. Quyết định một kỳ thi chung ảnh hưởng to lớn đến kiến thức phổ thông của thế hệ trẻ. Đó là điều khó có thể chấp nhận.
Theo nguyên tắc học gì thi nấy ở Mỹ, SAT (một tổ chức tư nhân) nhận trách nhiệm tổ chức kỳ thi này theo tín chỉ (như thi tiếng Anh), có thể thi nhiều lần, bao giờ đỗ thì thôi. Ở Pháp, có 2 kỳ thi tú tài chia ra ở cuối lớp 11 và lớp 12. Ở Nhật thi hết cấp III đều thi tất cả các môn học... Ở ta, nếu muốn giảm một kỳ thi quốc gia thì tôi đồng ý với GS Ngô Bảo Châu là cần giữ kỳ thi tuyển vào các trường ĐH và CĐ.
Nên tổ chức xét tốt nghiệp THPT thay vì thi tốt nghiệp. Không ai nắm vững trình độ học sinh, giáo viên và hội đồng giáo dục của từng trường THPT. Tuy nhiên, để tránh tiêu cực dẫn đến tình trạng đỗ đến 99% như năm vừa qua, cần có 2 điều kiện: Một là, kiểm tra thường xuyên và ghi học bạ. Với một học bạ xấu thì không thể xét tốt nghiệp. Hai là, cần có chế độ lưu ban với mọi học sinh chưa đạt yêu cầu về kiến thức (kể cả ở lớp 12). Có như vậy mới khắc phục được tình trạng thương học sinh bơ vơ bước vào đời mà không có bằng tốt nghiệp. Giám đốc các sở GD-ĐT là người ký bằng tốt nghiệp sau khi cán bộ của sở thực hiện việc kiểm tra tính nghiêm túc của các hội đồng giáo dục ở từng trường THPT...
Tổ chức thi theo từng cụm do các trường ĐH phụ trách sẽ gây ra sự tốn kém lớn về tiền bạc (đi đường, thuê nhà trọ) cho học sinh và gia đình. Cũng chẳng có gì bảo đảm sẽ nghiêm túc hơn khi thay đổi các giám thị coi thi. Việc lấy kết quả của quá trình học ở phổ thông càng phức tạp vì mỗi trường cho rộng hẹp khác nhau và nói chung là thường cho điểm khá cao. Lấy điểm liệt thấp mà vẫn đỗ ĐH là vô lý dù có điểm khác bù lại. Nhưng nếu lấy điểm liệt cao mà chỉ có 40%-50% đỗ trong kỳ thi quốc gia này thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm?
Không nên lấy học sinh để làm thí nghiệm cho một quyết định chưa được sự đồng tình của rất đông giáo viên, học sinh, phụ huynh và nhất là chưa thông qua việc giám định và phản biện của các tổ chức có trách nhiệm.
GS-NGND Nguyễn Lân Dũng
Theo Người lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo