Góc nhìn

Đường sắt không thiếu nhân tài: Đội vốn nên "trảm tướng"!

"Chẳng qua ở đây, cứ chạm đến cái gì thì mới phát hiện ra, chứ còn nhiều dự án khác “chìm” trong bóng tối chưa được đưa ra nên không ai biết".

PGS.TS Nguyễn Đình Thám - Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội, chỉ rõ thực trạng hiện nay của các công trình xây dựng.

Coi nhẹ việc điều chỉnh giá

PV:- Vừa rồi trong buổi làm việc với Hà Nội, TP.HCM về các nguyên nhân chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư của các dự án đường sắt đô thị, Bộ Trưởng GTVT Đinh La Thăng cho rằng, do chưa có tiền lệ thực hiện dự án đường sắt, cũng như chưa có con người đủ kiến thức, bản lĩnh để nghiên cứu thấu đáo nên khâu chuẩn bị đầu tư sơ sài, đưa ra tổng mức ban đầu rất thấp nên phải điều chỉnh sau này. Quan điểm của ông ra sao trước nhận định này?

Theo ông, phải lý giải ra sao về việc chọn những người không đủ năng lực chuẩn bị cho các dự án này, hay bởi đó là dự án mới nên ngành GTVT khó chọn người?

PGS.TS Nguyễn Đình Thám:-Thực ra, theo tôi nói như vậy là chưa chính xác. Bởi các chuyên gia đường sắt của VN trước đây được đào tạo từ nước ngoài như Trung Quốc, Liên Xô về rất nhiều, thậm chí họ còn rất giỏi chuyên môn.

Điều quan trọng ở đây là có lắng nghe những đóng góp của họ hay không, có sử dụng được sức mạnh của họ hay không. Vì xét trên phương diện khả năng thì người VN có thể làm đươc tất cả, không kém gì các chuyên gia thế giới.

Chủ yếu là cách giao quyền và tin tưởng họ thế nào, nếu biết cách sử dụng người một cách đúng đắn, trách nhiệm rõ ràng thì tôi tin chắc sẽ có hiệu quả ngoài sức mong đợi.

Và hơn hết, tôi nghĩ không nên phân biệt đường sắt đô thị hay là đường sắt bình thường, vì nguyên tắc về quản lý dự án thì quản lý dự án nào cũng như nhau. Nguyên tắc chung của nhà nước khi đưa ra một dự án là phải được thẩm tra thẩm định đàng hoàng, trải qua cả khâu phản biện đánh giá, có các cấp kiểm duyệt, bất cứ dự án nào cũng thế, chứ không riêng gì đường sắt.

Còn nếu nói về chuyên môn đường sắt không có chuyên gia là không đúng. Trước đây ngành đường sắt được coi trọng nhất trong chiến tranh, chúng ta vận chuyển vũ khí, lương thực, bộ đội bằng đường sắt rất nhiều, những chuyên gia đường sắt đã làm nên nhiều kì tích trong và sau chiến tranh.

Ở đây phải nói đến trách nhiệm của những người quản lý, họ không gắn bó với trách nhiệm nhà nước giao, coi nhẹ công việc tuyển chọn, lựa người, thậm chí coi nhẹ công việc nên làm không cẩn thận, trong khi thừa biết tình hình thế giới thế nào, giá như nào, tình hình Việt Nam ra sao.

Chính vì vậy, không thể cho rằng dự án đường sắt đô thị mới mà không có hay khó chọn người, mà theo tôi được biết khi sử dụng nguồn vốn ODA thì sẽ phụ thuộc vào điều kiện hiệp thương của người cấp vốn trong đó có vấn đề chọn thầu.

Thường thì những nhà cấp vốn, sẽ đưa ra điều kiện phải chọn nhà thầu theo điều kiện của họ. Ví dụ như ODA của Nhật Bản thì tổng thầu sẽ là Nhật Bản, ODA của Trung Quốc thì tổng thầu cũng tương tự.... .

Khi hiệp thương với các nước về ODA nó đã có những khoản ràng buộc như vậy, đó là những hạn chế.Cho nên những người quản lý dự án phải tỉnh táo trong việc thực hiện những quy định đó sao cho tốt nhất.

Nên tôi nhắc lại có thể chấp nhận đường sắt đô thị là mới, kỹ thuật công nghệ là mới, VN chưa bao giờ làm, nhưng về quản lý dự án dù là đường sắt không phải VN không biết và không làm được.

PV:- Có ý kiến cho rằng, việc đưa ra tổng mức đầu tư thấp thực chất là thủ thuật để dự án được phê duyệt. Ông đồng tình ở mức nào với ý kiến trên? Liệu đây có phải là một ý kiến cần được xem xét nghiêm túc khi mà gần như tất cả các dự án đường sắt đô thị đều bị đội vốn như hiện nay?

PGS.TS Nguyễn Đình Thám:- Cái này thì tôi không dám khẳng định, nhưng có chuyện coi nhẹ việc điều chỉnh giá. Bởi có truyền thống cứ làm nếu có gì thì điều chỉnh cũng được, quan họ coi nhẹ vấn đề điều chỉnh giá của dự án, vì họ cho kế hoạch nhà nước cũng có thể điều chỉnh được mà.

Từ trước đến nay vẫn vậy nên đã thành thông lệ tất cả các dự án đều có thể điều chỉnh giá, mặc dù sai nguyên tắc.

Tôi cũng đã nói, không chỉ riêng đường sắt đô thị mà tất cả các gói thầu khác đều đội vốn như thế cả, không riêng dự án nào, ngành nào, và bỗng nhiên trở thành thông lệ, thường lệ.

Còn chẳng qua ở đây, cứ chạm đến cái gì thì mới phát hiện ra, chứ còn nhiều dự án khác “chìm” trong bóng tối chưa được đưa ra nên không ai biết.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông bị đội vốn hơn 300 triệu USD.

Chậm bao nhiêu thiệt hại bấy nhiêu

PV:- Trên thực tế, hầu hết các dự án đường sắt đô thị đang được thực hiện hiện nay đều từ nguồn vốn ODA (kèm theo những thỏa thuận cứng về công nghệ, đơn vị thi công…). Nếu xảy ra đội vốn mà chưa thể giải quyết dẫn tới chậm tiến độ, lãi tiền vay trả từng ngày, chậm khai thác hiệu quả của dự án…

Liệu có thể hiểu, Việt Nam bị rơi vào thế buộc phải chấp nhận và phải giải quyết đội vốn nhanh nếu không muốn nhận phần thiệt hại lớn hơn hay không? Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm liệu có phải chỉ ở khâu “nghiên cứu chưa thấu đáo, chuẩn bị đầu tư sơ sài” hay không thưa ông? Cụ thể phải xem xét trách nhiệm về việc này như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Đình Thám:- Dĩ nhiên là nếu dự án chậm 1 ngày, thì một là lãi vay phải chịu sẽ tăng lên, hai là, không khai thác được thì lượng vốn ứ đọng lại, gây thiệt hại cho chủ đầu tư, thiệt hại cho nhà nước là điều đương nhiên. Càng chậm bao nhiêu thì càng thiệt hại bấy nhiêu.

Nhưng thực trạng này không chỉ có riêng VN, mà tất cả những ai không quản lý chặt chẽ đều rơi vào tình trạng như thế.

Bởi quy luật kinh tế là quy luật chung của thế giới không của riêng ai, người nào thận trọng trong vấn đề quản lý, đề phòng thì nó sẽ không xảy ra, người nào coi thường, coi nhẹ và thậm chí không quan tâm thì đương nhiên phải rơi vào cái bẫy như thế. Vấn đề ở đây cần nhìn nhận thấu đáo, đó chính là phải tìm hiểu được nguyên nhân tại sao lại nghiên cứu không thấu đáo, sơ sài, người quản lý ,những người nghiên cứu, viết dự án không nghiêm túc làm việc là tại sao?

Chúng ta đều nhận thấy rằng, quân thua thì chém tướng, chứ không phải đem quân ra chém. Lịch sử từ trước đến nay đều như thế, người đứng đầu là người quyết định mọi vấn đề, anh để quân lơ là, thì ông tướng phải bị nghiêm trị trước. Cụ thể ở đây, trưởng ban quản lý dự án phải chịu trách nhiệm đầu tiên, có như thế thì dưới mới nghiêm được.

Từ đó suy ra trách nhiệm này sẽ thuộc về trưởng ban, nên xử lý nghiêm khắc để làm gương, tôi cam đoan nếu thực hiện nghiêm túc được thì khi đó sẽ vào nề nếp, mới mong có kết quả tốt hơn. Nút thắt phải cởi từ đầu mới tìm được lối đi của vấn đề.

PV:- Phải thừa nhận rằng, việc Bộ trưởng Thăng đã thẳng thắn vạch rõ nguyên nhân xảy ra đội vốn cũng là một tín hiệu đáng mừng. Nếu được tư vấn cho Bộ trưởng, theo ông, bước tiếp theo chúng ta cần làm gì, để giải quyết được triệt để vấn nạn này, tránh việc “cái gì cũng đúng quy trình” nhưng kết quả lại ngược với kỳ vọng?

PGS.TS Nguyễn Đình Thám:- Bước tiếp theo của Bộ trưởng theo tôi là phải chọn được người có tâm, có tài, để làm người thực thi ý đồ, người đó sẽ chịu trách nhiệm và cam kết trước Bộ trưởng.

Đương nhiên, đã có trách nhiệm thì phải đi song hành với quyền lực, không có quyền mà điều hành thì cũng bằng không.

Nên chúng ta phải làm chủ những thỏa thuận, làm chủ trong điều kiện, chứ không phải dựa vào điều kiện mà mình thỏa hiệp. Giả dụ ưu tiên những nhà thầu của TQ, thì cũng phải yêu cầu điều kiện nhà thầu phải đáp ứng theo tiêu chuẩn của chúng ta. Nên phải đấu thầu rộng rãi, phải có nhiều nhà thầu TQ nộp hồ sơ, từ đó chọn ra nhà thầu có năng lực, nghiêm chỉnh, quan trọng mình có biện pháp không, có kiên định với nguyên tắc quản lý dự án theo pháp luật của chính phủ đã ban hành không?

Còn nếu các nhà thầu TQ không đáp ứng được tiêu chuẩn của mình thì có thể kháng nghị không chọn được và đề nghị đối tác cho ý kiến, chứ có phải cho cái gì là ta phải nhận cái đó.bảo sao ta làm vậy. Cái gì cũng có nguyên tắc của nó. Khi đã ký hợp đồng cũng phải có nguyên tắc, mà đã ký phải thực hiện đúng nội dung chứ không phải ký hợp đồng xong mà muốn làm thế nào cũng được.

Người đứng ra ký hợp đồng phải chặt chẽ chỗ đó. Các điều khoản trong hợp đồng phải thực hiện đúng, còn không thì phải chịu trách nhiệm như hỏng phải làm lại,không đủ năng lực thi đình chỉ, lám sai thì phải bồi thường, luật ở đâu chẳng thế sao ta phải nhượng bộ?.

Về nguyên tắc tài chính trong hợp đồng cũng phải chặt chẽ, dứt khoát, không có sẽ thỏa thuận, sẽ xem xét. Thường là cứ ký hợp đồng không đến đầu, đến cuối, mới dẫn đến chuyện để lại nhiều lỗ hổng, lợi dụng lỗ hổng đó họ khoét vào mình, người quản lý tốt sẽ không bao giờ để lỗ hổng đó cho người ta lợi dụng mình. - Xin cảm ơn PGS.TS đã chia sẻ!

Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo