Doanh nhân

Đường Thái Lan 8.000 đồng/kg, đường Việt Nam tới 12.400 đồng/kg, sản xuất không hiệu quả như vậy có nên “dẹp” luôn đi?

Ngành mía đường Việt Nam đang phải chống chọi với 2 đối thủ nặng ký là đường Thái Lan và Lào với giá thành rẻ, sản lượng lớn và thâm nhập thị trường trong nước từ chính ngạch tới nhập lậu.

Có ý kiến cho rằng nếu không thể giảm giá thành, ngành mía đường nên chuyển sang sản xuất nước mía đóng chai thay vì luyện đường. Vì có thể trong tương lai gần người tiêu dùng sẽ chỉ còn lựa chọn ăn đường Thái hay đường Lào.

Trên thực tế, hầu như tất cả những chủ cửa hàng cà phê, nước giải khát, sinh tố trái cây... ở Sài Gòn đều đến một nơi để mua đường pha chế là khu đường Lê Tấn Kế (thuộc chợ Bình Tây) ở quận 6. Giá một “cây” đường đóng trong bao giấy 12 kg vào khoảng 180.000 - 190.000 đồng tùy loại, tính ra 1 kg tương đương 15.000 - 16.000 đồng.

Đường Thái Lan

So với đường đóng bao 1 kg do các công ty trong nước sản xuất hiện đang bày bán trong chợ, siêu thị, tiệm tạp hóa thì rẻ hơn từ 2.000 – 2.500 đồng/kg. Tất nhiên, giá rẻ có thể là do mua sỉ số lượng nhiều nhưng cũng có những người am hiểu thì cho biết phần lớn trong số đó là đường Thái Lan nhập lậu từ biên giới.

Những ngày đầu tháng 7 này, thông tin về việc “vua đường” Vi Ngươn Thạnh (còn gọi là Tỷ đường) cùng đồng phạm ra hầu tòa đã làm nức lòng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đường chân chính. Trước khi xộ khám, Tỷ đường thao túng đến 35% tổng số đường lậu nhập vào Việt Nam. Và theo số liệu được Hiệp hội Mía đường Việt Nam tham khảo từ Tổ chức Đường quốc tế thì hàng năm có khoảng 400.000 – 500.000 tấn đường nhập lậu vào nước ta.

Đường Thái Lan

Sau khi “vua đường” sa lưới, tưởng chừng hoạt động buôn lậu đường sẽ giảm đi nhưng thực tế thì đã không như vậy. Theo thông tin trên báo Hải Quan, từ đầu năm đến nay hàng ngàn tấn đường lậu đã bị bắt giữ. Nguyên nhân là do khi đường dây "khủng" của Tỷ đường bị chặt đứt cũng là lúc các đường dây nhỏ hơn bắt đầu “trỗi dậy” vì nhu cầu tiêu thụ đường trong nước tăng cao và khan hiếm hàng.

Trước khi Tỷ đường bị bắt, địa bàn Tây Ninh, Long An hầu như không có đường lậu hoạt động. Tuy nhiên sau đó, hoạt động buôn lậu đường đã vươn vòi sang địa bàn này kèm với thủ đoạn phức tạp không kém An Giang. Điều thuận lợi hơn là hai tỉnh này giáp với TP.HCM - thị trường tiêu dùng lớn nhất phía Nam.

“Việc ngăn chặn chỉ là một trong nhiều biện pháp để đẩy lùi đường lậu. Trong khi đó, biện pháp căn cơ nhất để chấm dứt là đường nội địa phải chiến thắng ngay trên sân nhà thì vẫn chưa làm được!”, báo Hải Quan đưa ra nhận định.

Ngoài đường lậu, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, năm nay ngành đường Việt Nam còn phải lo chống đỡ với 85.000 tấn đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan WTO. Mức thuế nhập khẩu là 5% từ các nước ASEAN; và 25% đối với đường thô, 40% đối với đường trắng nếu nhập khẩu từ các nước ngoài ASEAN.

Cùng với đó, sẽ có một lượng đường do Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào được nhập khẩu với thuế suất 0% nhờ ưu đãi theo Hiệp định thương mại biên giới Việt – Lào. Theo Hiệp hội Mía đường thì đây là sự ưu đãi quá mức so với sản xuất trong nước đối với mặt hàng đường, góp phần gây nên khó khăn cho sản xuất trong nước trong khi điều kiện sản xuất trong nước không được lợi thế như sản xuất tại Lào. Tổng lượng đường nhập khẩu đã được Bộ Công Thương chấp thuận đến thời điểm này là 185.000 tấn.

Trong một bài viết đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương hồi năm 2015, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú từng chỉ ra rằng sức cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam đang có vấn đề xuất phát từ việc năng suất và chất lượng mía của Việt Nam rất thấp, kỹ thuật canh tác lạc hậu, giá thành cao, hệ thống phân phối yếu, liên kết giữa các doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với nông dân còn lỏng lẻo… Theo ông Nguyễn Cẩm Tú, có thực trạng là doanh nghiệp mía đường còn thụ động, dựa vào bảo hộ và không tích cực chuẩn bị cho hội nhập.

Theo các nghiên cứu, Việt Nam hiện đứng trong nhóm 10 nước có diện tích trồng mía lớn nhất thế giới, nhưng trong nhóm đó, năng suất mía của Việt Nam (64,7 tấn/ha) chỉ cao hơn năng suất của Pakistan và Indonesia. Còn lại, năng suất mía nước ta đang thấp hơn nhiều so với nhiều nước khác như Mỹ (75,41 tấn/ha), Brazil (74,3 tấn/ha), Thái Lan (74,23 tấn/ha).

“Đường của Thái Lan chở tới biên giới nước ta chỉ 8.000 đồng/kg nhưng đường của Việt Nam từ nhà máy ra đã lên tới 12.400 đồng/kg. 1 tấn mía ở Thái Lan chỉ có 30 USD, của Hoàng Anh Gia Lai ở Lào chỉ từ 25 - 30 USD/tấn nhưng ở Việt Nam từ 45 - 55 USD/tấn.

Nếu ta tiếp tục bảo hộ thì sự yếu kém này tiếp tục duy trì. Vậy làm sao cạnh tranh được khi thực hiện cam kết mở cửa?”, GS.TS Võ Tòng Xuân - một chuyên gia nông nghiệp nhiều kinh nghiệm đã từng chia sẻ quan điểm về thực trạng của ngành đường Việt Nam như trên.

Bên cạnh đó, hiện 2 chuỗi bán lẻ Metro Cash & Carry và Big C đã được các tỷ phú trong ngành bán lẻ Thái Lan thâu tóm. Với giá thành đường Thái Lan rẻ như vậy, không có lý do gì để các nhà bán lẻ Thái không tìm cách đưa mặt hàng này lên kệ hàng siêu thị nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.

Cafebiz/Trí thức trẻ

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo