Phân tích

EVFTA sẽ tạo ra "cú hích" thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU

(DNVN) - Đây là nhận định được Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đưa ra tại Hội thảo “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) - Cơ hội đối với doanh nghiệp” diễn ra ngày 31/5, tại Hà Nội.

Báo cáo tại Hội thảo cho biết, trong hơn một thập kỷ vừa qua, quan hệ thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và EU đã có những bước phát triển vượt bậc. Giá trị thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đã tăng gần 7 lần từ khoảng 6,3 tỷ USD vào năm 2003 lên 41,2 tỷ USD vào năm 2015, đưa EU trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. 

Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt gần 31 tỷ USD và nhập khẩu từ EU vào Việt Nam đạt hơn 10 tỷ USD. Đặc điểm quan trọng trong cơ cấu xuất nhập khẩu của hai bên là tính bổ trợ nhiều hơn là cạnh tranh, đối đầu trực tiếp. Về đầu tư, EU cũng là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam với có 1.809 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 23,16 tỷ USD, chiếm 8,7% số dự án và chiếm 8% tổng vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam.

EVFTA sẽ tạo ra "cú hích" thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU.

Trong bối cảnh đó, việc Việt Nam và EU kết thúc đàm phán Hiệp định EVFTA vào tháng 12 năm 2015 vừa qua là một bước tiến quan trọng trong lộ trình tăng cường quan hệ song phương toàn diện và sâu sắc, đặc biệt là quan hệ thương mại, đầu tư. Với mức độ cam kết đạt được, EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời Hiệp định được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ thương mại và đầu tư giữa hai bên. 

Bên cạnh đó, với tính bổ sung mạnh mẽ trong cơ cấu xuất nhập khẩu, Việt Nam và EU cũng mong muốn Hiệp định EVFTA sẽ mang lại tác động tích cực cho cả hai bên, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giúp tiếp tục ổn định an sinh-xã hội... tại mỗi bên. Để hiện thực hóa lợi ích của Hiệp định EVFTA, Việt Nam và EU đã thống nhất sẽ nỗ lực hoàn tất quá trình phê chuẩn để Hiệp định có hiệu lực vào năm 2018.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Quốc Khánh khẳng định, cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam và EU có tính bổ trợ cho nhau, Việt Nam xuất khẩu sang EU các mặt hàng dệt may, giày dép, điện thoại và linh kiện, máy tính, nông sản, thủy sản, đồ gỗ... trong khi nhập khẩu từ EU dược phẩm, các loại máy móc thiết bị, phương tiện vận tải và phụ tùng...

Tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng xuất khẩu sang EU. Trên thực tế, xuất khẩu của Việt Nam sang EU mới đạt khoảng 0,75% tổng giá trị nhập khẩu của EU. Mặt khác, EU cũng là một nhà đầu tư quan trọng ở Việt Nam nhưng với số dự án đầu tư chiếm 8,7% tổng số dự án đầu tư và 8% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký ở Việt Nam, tiềm năng đầu tư của các doanh nghiệp EU ở Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, Hiệp định EVFTA được dự kiến sẽ tạo ra "cú hích" đối với thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU. 
Bởi vì, thứ nhất, về thuế nhập khẩu, chỉ khoảng 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% và còn phụ thuộc vào cơ chế GSP, Hiệp định EVFTA có thể giúp tỷ lệ này tăng lên một cách bền vững trên 90% sau một lộ trình ổn đinh, tức là 28 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu sang EU trong tương lai sẽ được miễn thuế. 

 

Thứ hai, Hiệp định EVFTA có các quy định, cơ chế rõ ràng và hiệu quả, liên quan đến thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, SPS, TBT, minh bạch hóa, sở hữu trí tuệ, bao gồm cả chỉ dẫn địa lý, hợp tác xây dựng năng lực, thương mại và phát triển bền vững...

Thứ ba, với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, mua sắm công và cam kết về chính sách đầu tư, doanh nghiệp nhà nước, minh bạch hóa chính sách, Thứ trưởng Bộ Công Thương tin tưởng Hiệp định này sẽ thức đẩy luồng vốn đầu tư chất lượng cao của EU vào Việt Nam.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo