FTA Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu: Ngành nào lợi thế nhất?
Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) vừa thông báo, Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) sẽ có hiệu lực vào ngày 5/10 tới đây.
Hiệp định thương mại tự do giữa một bên là Việt Nam và bên kia là Liên minh Kinh tế Á – Âu và các quốc gia thành viên (VN - EAEU FTA, bao gồm Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan) đã được hai Bên khởi động từ tháng 3/2013.
Qua 2 năm đàm phán với 8 phiên chính thức và nhiều phiên họp giữa kỳ, ngày 29/5/2015 Thủ tướng Chính phủ các nước đã thay mặt Nhà nước chính thức ký Hiệp định này tại Burabay, Kazakhstan.
Mới đây, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có văn bản thông báo việc hai Bên đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn và Hiệp định VN-EAEU FTA chính thức có hiệu lực từ ngày 05/10/2016.
Sau khi VN – EAEU FTA có hiệu lực, hai Bên sẽ thành lập Ủy ban hỗn hợp, Ủy ban về Thương mại hàng hóa, Tiểu ban về Quy tắc xuất xứ để phối hợp triển khai hiệu quả, đồng thời giám sát việc thực thi Hiệp định.
Theo đánh giá, Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu là Hiệp định thương mại tự do mang tính lịch sử, không chỉ vì Việt Nam là đối tác đầu tiên ký kết hiệp định này với liên minh kinh tế Á-Âu mà còn đem đến cơ hội vàng xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ và một số sản phẩm chế biến.
Một nội dung quan trọng của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á-Âu là các nước thành viên sẽ áp dụng mức thuế suất 0% cho tất cả các mặt hàng thủy sản của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Liên quan đến các mức thuế khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam có nhiều thuận lợi vì các nước thuộc liên minh này đều đã có quan hệ thương mại với Việt Nam. Các ngành có lợi thế nhất khi tham gia hiệp định này bao gồm thủy sản, dệt may, và da giày.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo, ngay sau Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch hàng dệt may giữa hai bên sẽ tăng trưởng 50% ngay trong năm đầu tiên và tăng trung bình 20%/năm trong 5 năm tiếp theo. Giá trị kim ngạch tăng từ 700 triệu USD hiện nay lên 1 tỷ USD trong 1-2 năm tới và Việt Nam sẽ từ vị trí nhà cung cấp hàng dệt may thứ 8 tiến lên vị trí thứ 4 tại thị trường này.
Đánh giá về vấn đề này, ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu cho biết, dệt may là ngành đang rất tiềm năng với thị trường tiêu thụ lớn như EAEU và không quá “khó tính”. Nhưng nếu nói tăng ngay 50% trong năm đầu tiên chỉ nhờ tác dụng về thuế thì hơi chủ quan, chúng ta phải tìm hiểu thị trường này thật kĩ càng mới hy vọng đạt con số như mong muốn.
Theo ông Hải, mặc dù chúng ta đang rất thuận lợi về xuất xứ (theo nội dung Hiệp định, áp dụng quy tắc xuất xứ một công đoạn, tức là chỉ có 1 công đoạn cắt và may) nhưng cái khó là mặt hàng này phụ thuộc vào thói quen của người tiêu dùng. Không phải có thuận lợi về thuế, về giá là chiếm lĩnh được ngay thị trường.
Trước các ý kiến cho rằng, mặt hàng thủy sản và thủy sản chế biến được coi là hưởng lợi nhiều nhất trong Hiệp định này, ông Hải cho biết, đối với mặt hàng thủy sản và thủy sản chế biến, EAEU mở cửa có lộ trình với 95% tổng số dòng thuế, tối đa trong 10 năm (trong đó hơn 71% dòng thuế được xoá bỏ hoàn toàn ngay sau khi Hiệp định này có hiệu lực, tương đương 100% tổng kim ngạch xuất khẩu trung bình trong 3 năm từ 2010-2012 của Việt Nam vào EAEU), 5% dòng thuế còn lại là các mặt hàng Việt Nam không có thế mạnh xuất khẩu.
Thị trường EAEU từ trước đã nhập khẩu nhiều mặt hàng thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, trước khi có FTA Việt Nam-EAEU thì mức thuế của mặt hàng này vào khoảng 35%, nay về bằng 0%. Tất cả những mặt hàng được cắt, giảm thuế ở mức cao đều là những mặt hàng mà Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao và có bề dày xuất khẩu. Với những ưu đãi đó, đây là cơ hội vàng cho DN Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu và chiếm lĩnh thị trường EAEU.
End of content
Không có tin nào tiếp theo