Góc nhìn

Gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới năm 2030

Đến năm 2030, gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm. Phấn đấu đến năm 2030, đạt 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản.

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về “Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” với mục tiêu chính là sẽ đưa gạo Việt Nam thành thương hiệu hàng đầu thế giới.

 

Thiếu sự đồng đều về chất lượng

 

Việt Nam hiện đứng vị trí thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo, trong đó 90% lượng xuất khẩu từ đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng mức độ tiếp cận và khả năng cạnh tranh với sản phẩm gạo Thái Lan, đặc biệt là gạo thơm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… còn rất hạn chế do tại các thị trường yêu cầu chất lượng cao.

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hàng năm Việt Nam sản xuất tới 45 triệu tấn lúa tương đương 26-27 triệu tấn gạo, xuất khẩu từ 6-7 triệu tấn gạo, mặc dù vậy trên thực tế con số thương hiệu mang tên gạo Việt lại rất ít trên phạm vi toàn cầu.
 
Trong báo cáo nêu ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ rõ điểm yếu của sản phẩm gạo Việt Nam là sự thiếu đồng đều về chất lượng, chủ yếu phân loại theo tỷ lệ tấm như 5%, 10%, 15% và 25%. Tuy nhiên, Việt Nam lại có ưu thế trên phân khúc thị trường gạo trắng, hạt dài, ở các nước như: Nam và Đông Nam Á, Trung Đông và các nước châu Phi, châu Mỹ La tinh không có loại gạo này.

 

Không cần thương hiệu quốc gia?

 
Theo “Đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030” sẽ được triển khai trên cả nước, tập trung ưu tiên vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đề án sẽ cụ thể hóa các dự án ưu tiên nhằm phát triển thương hiệu gạo Việt Nam ở 3 cấp độ: Quốc gia, vùng/địa phương và doanh nghiệp/sản phẩm.
 
Thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam được xây dựng và thể hiện qua việc đăng ký nhãn hiệu chứng nhận trên cơ sở được xác định bởi một hệ thống các tiêu chí về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, về giống lúa, về quy trình sản xuất, chế biến, về an toàn thực phẩm.
 
Thương hiệu vùng được xây dựng trên cơ sở đăng ký nhãn hiệu chứng nhận hoặc hình thức khác đối với các sản phẩm đặc trưng của vùng.
 
Thương hiệu địa phương chỉ xây dựng đối với các sản phẩm gạo đặc sản, đặc trưng cho điều kiện sản xuất của địa phương theo hình thức đăng ký: Chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể…
 
Trong ngắn hạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung ưu tiên xây dựng thương hiệu quốc gia dựa trên các giống lúa có lợi thế tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
 
 
Mục tiêu là đến năm 2020, thương hiệu gạo Việt Nam được quảng bá, giới thiệu đến ít nhất 20 thị trường xuất khẩu; đảm bảo đạt 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam và tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu.
 
 
 
T. Hiền
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo