Gặp khó, Vinaxuki viết thư gửi Thủ tướng
Đây là một trích đoạn từ bức thư vừa được ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki), gửi Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, ông Huyên tiếp tục khẳng định tâm huyết với ngành, đề xuất một số giải pháp phát triển và giãi bày những khó khăn mà các doanh nghiệp ôtô trong nước như Vinaxuki đang vấp phải, đặc biệt là câu chuyện về vốn.
Ông Huyên cho rằng, nếu quy hoạch sát thực tế, chính sách hỗ trợ tốt và bản thân các doanh nghiệp đầu tư đúng hướng thì hoàn toàn có thể phát triển được công nghiệp ôtô, xe sản xuất có tỷ lệ nội địa hóa cao mà không cần phải “dựa hơi” các tập đoàn ôtô nước ngoài.
Một trong những vấn đề mà ông Huyên “thiết tha” nhất chính là tháo gỡ tình cảnh đói vốn của các doanh nghiệp tư doanh.
Theo ông Huyên, các doanh nghiệp trong nước chịu một sự thua thiệt đáng kể khi xếp cạnh các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cụ thể trong ngành công nghiệp ôtô là các liên doanh.
“Tôi nghĩ khi các doanh nghiệp FDI sang Việt Nam, họ không phải mang nhiệm vụ giúp đỡ Việt Nam phát triển công nghiệp ôtô, họ tính toán rất chi li, họ mang phụ tùng mà họ sản xuất, hay mua các phụ tùng của các nước đến Việt Nam để lắp ráp, nhờ có thương hiệu mạnh mà họ tiêu thụ được nhiều và lợi nhuận cao”, ông Huyên giãi bày.
Thực tế, có thể tóm gọn sự so sánh kể trên vào một vấn đề, đó là tiềm lực của các tập đoàn mẹ. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu, bởi ngoài sức mạnh thương hiệu vốn có thì khi vào Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài đều sở hữu sẵn công nghệ, thiết bị và đặc biệt là nguồn vốn dồi dào.
Trong khi đó, khi đầu tư vào một ngành siêu công nghiệp như ôtô, các doanh nghiệp “nội” (mà điển hình là Vinaxuki và Trường Hải – PV), vừa phải đầu tư từ đầu, tự học hỏi và bỏ từng đồng vốn ban đầu trong khi yêu cầu đầu tư lại rất lớn.
Từ sự thua thiệt này mà, theo ông Huyên, các doanh nghiệp trong nước luôn phải áp dụng bài toán lấy ngắn nuôi dài, lấy chỗ nọ đập chỗ kia để phát triển dần, qua đó nuôi dưỡng hoài bão sản xuất ôtô thương hiệu Việt. Tuy nhiên, khả năng xoay sở cũng chỉ giới hạn, không đủ để theo kịp quá trình đầu tư thực sự tốn kém cho “chiến lược” phát triển công nghiệp ôtô thực thụ.
Trong thư gửi Thủ tướng, ông Huyên cho biết đến nay Vinaxuki đã đầu tư và hầu như hoàn thiện 10 công trình quan trọng, từ nhà máy luyện và đúc hợp kim, nhà máy thứ hai với nhiều hạng mục quan trọng, dây chuyền chế tạo mẫu đúc, xưởng chế tạo khuôn, xưởng láp ráp xe con và xe tải nhẹ bán tự động công suất 50.000 xe/năm…
Chính sự đầu tư được cho là bài bản và tốn kém này đã góp phần đẩy Vinaxuki rơi vào tình trạng đói vốn trầm trọng.
Ông Huyên cho biết, tổng dư nợ của Vinaxuki tính đến ngày 31/12/2013 là 600 tỷ đồng. Công ty đã đề nghị Vietcombank và BIDV cho vay thêm nhưng không được, vì hiện hai ngân hàng này vẫn chưa thực hiện xong việc tái cơ cấu vốn cho công ty.
“Đến nay, Vinaxuki đang thực sự khó khăn, nhiều ngân hàng muốn cho chúng tôi vay vốn song tài sản của chúng tôi đã được cầm cố tại các ngân hàng của Việt Nam, số tài sản đó nếu bình thường có thể thế chấp vay thêm được 400 tỷ đồng. Chúng tôi phải thế chấp 2.800 tấn khuôn với giá 8.400 đồng/kg như giá sắt vụn… Chúng tôi sau 1,5 năm chờ đợi việc tái cơ cấu vốn của ngân hàng và đến nay đang chào bán và cổ phần hóa một số tài sản để có thêm vốn sản xuất nhưng mọi việc đang còn chậm trễ, do giai đoạn này các công ty Việt Nam chẳng ai mua, còn các công ty nước ngoài lại chờ chiến lược của Chính phủ”.
Những năm đầu sản xuất và có mặt trên thị trường, Vinaxuki và Trường Hải chính là những điển hình của ngành công nghiệp ôtô nội địa với sản lượng bán hàng thường xuyên đạt trên mốc 1.000 xe/tháng. Tuy nhiên, khi nền kinh tế rơi vào khó khăn, thị trường suy giảm mạnh thì với tiềm lực tài chính hạn chế, các doanh nghiệp này cũng theo đó chìm vào khó khăn.
Không phải ngẫu nhiên mà trong năm 2013 vừa qua, Trường Hải đã được Chính phủ đồng ý gia hạn nộp khoản thuế lên đến 1.200 tỷ đồng nhằm tháo gỡ khó khăn.
Cũng trong chính bức thư gửi Thủ tướng, ông Bùi Ngọc Huyên đã đề nghị được tháo gỡ khó khăn bằng việc chuyển khoản nợ (cộng lãi) 630 tỷ đồng từ ngân Vietcombank và BIDV sang Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) để được hưởng mức lãi suất thấp hơn. Kèm theo đó là lời hứa, “những năm tới sẽ mở rộng việc hợp tác trong nước, chuyển giao công nghệ để một số doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể dập và sản xuất một số chi tiết trên cơ sở khuôn mẫu do Vinaxuki chế tạo, với giá thành chỉ bằng 50-80% khuôn mẫu nhập khẩu”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo