Doanh nghiệp

Gặp “kỳ nữ” sim Măng Đen

Những đồi sim trải dài tít tắp tự bao đời đã thân thuộc với đồng bào phía bắc Tây Nguyên. Nhưng sim chưa bao giờ được xem là đặc sản của miền đất này, cho tới khi một “kỳ nữ” đồng bằng quyết chế cho được loại vang sim rừng tuyệt hảo, giúp người dân các buôn làng Xê Đăng nâng cao mức sống.

Sơn nữ gùi sim về làng


Phố vắng trong sương


Ai bõ công vượt đèo, dù từ Kon Tum lên qua đèo Măng Đen quanh co, hay từ Quảng Ngãi lên qua đèo Vi Ô Lắc gấp khúc cũng đều nhận được một phần thưởng xứng đáng: Đặt chân lên xứ lạnh Kon Plông.

Chỉ sau hơn một giờ di chuyển, từ độ cao 500m so với mặt biển với nhiệt độ trung bình 240C sáng cuối đông từ thành phố Kon Tum, chúng tôi đã lên tới bình độ trên 1.800m của đô thị Măng Đen sương giăng mịt mờ, nhiệt kế chỉ 140C, phố rộng thấp thoáng vài bóng người co ro trong áo dày, khăn ấm.

Tiếng Mơ Nâm - một trong các sắc tộc Xê Đăng, T’măng Deeng có nghĩa là vùng đất bằng phẳng rộng lớn. Không ít du khách lần đầu đến Măng Đen, nơi rừng chiếm đến 82% diện tích tự nhiên, độ che phủ cao nhất nước, đã ngỡ mình được chiêm ngưỡng tận mắt một Đà Lạt nguyên sơ trăm năm trước.

Măng Đen mới được chọn làm khu du lịch sinh thái cấp quốc gia, quy mô bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên huyện Kon Plông từ năm 2013, nhưng gần chục năm qua nhiều nhà đầu tư đã rót cả nghìn tỷ đồng lên đây mua đất xây nhà.

Tính đến đầu năm 2015, dọc trục quốc lộ xuyên qua Măng Đen và quanh hồ Đắk Ke đã mọc lên hai trăm tòa biệt thự rợp bóng thông xanh.

Tuy nhiên, do tỉnh Kon Tum không có sân bay, nguồn ngân sách trung ương chuẩn bị rót về xây dựng hạ tầng cho Măng Đen đang gặp trở ngại, khí hậu buốt giá, định kiến “ruồi vàng, bọ chó, gió Măng Đen” chưa thôi ám ảnh.

Thêm vào đó, trên 90% dân huyện Kon Plông là đồng bào các dân tộc thiểu số, 100% số xã thuộc diện nghèo đặc biệt khó khăn… Bấy nhiêu trở ngại khiến mục tiêu biến đô thị này thành vùng trọng điểm kinh tế ở cực bắc Tây Nguyên vẫn đang dang dở.

Trong bối cảnh đó, chị Nhiệm vẫn quyết chí rời đồng bằng lên miền cao lạnh lẽo này.

“Kỳ nữ” xứ sim

Ấn tượng sau lần đầu tiên được thưởng thức loại vang sim rừng ngon đến bất ngờ, đã giục tôi đi tìm tác giả của nó. Gặp rồi, chuyện còn hay hơn là… uống rượu.


 
Chị Nhiệm trong phòng ủ rượu sim



Chủ nhân của hàng vạn chai vang sim rừng Măng Đen xuất xưởng mỗi năm là một phụ nữ lặng lẽ, giản dị trạc ngưỡng tứ tuần. Chị đón khách giữa ngổn ngang chai lọ của một phòng kiểm nghiệm chật chội, khuất sau ngách kho chứa la liệt hàng trăm téc ủ nước trái sim rừng đang lên men, thuê lại của một trường dạy nghề xây xong chưa sử dụng đến. Mở chai vang sim thơm nồng rót rất khéo, chị ngập ngừng chia sẻ vì sao đành lòng xa gia đình mấy năm nay, ngày càng gắn bó với chốn này.

Từ nghề kinh doanh chế biến nông-lâm sản, kỹ sư Công nghệ thực phẩm Nguyễn Thị Nhiệm- Giám đốc Cty TNHH MTV Sim Thiên Sơn (tiền thân là Cty TNHH ESF) có vài lần lên Kon Plông trao quà cứu trợ. Các chuyến đi để lại trong chị nỗi day dứt về cảnh sống nghèo khó của đồng bào vùng cao. Cảnh đồi sim chín mọng bạt ngàn nối liền từ xã này qua xã khác càng thôi thúc chị phải làm điều gì đó hiệu quả hơn là việc cứu trợ, trao quà.

Năm 2010, Nhiệm trở lại trường Đại học Cần Thơ, cậy thầy cũ kết nối với các chuyên gia Pháp vùng rượu Bordeaux nổi tiếng, đặt hàng nghiên cứu chế tạo rượu vang từ trái sim rừng Măng Đen. Chị đưa công nghệ ứng dụng men vi sinh vào thực tế chiết xuất trái sim rừng, miệt mài thử nghiệm.

Từ 2012 những lứa rượu vang sim rừng như ý mới ra đời. Khí hậu cao nguyên quanh năm mát lạnh như bộ máy điều hòa khổng lồ, nguyên liệu từ hàng nghìn hecta sim rừng mọc hoàn toàn tự nhiên là điều kiện lý tưởng để vang sim rừng Măng Đen thơm ngon đậm đà hơn bất kỳ loại vang ngâm ủ ở nơi nào khác.

Dự án xây nhà máy vang sim đã được duyệt, nhưng khu công nghiệp của huyện còn chờ vốn xây dựng cơ sở hạ tầng. Cty phải thuê tạm mặt bằng của trường dạy nghề làm nơi sản xuất trong khi chờ đợi, trả lương hằng tháng cho hơn chục công nhân.

Gần 5 năm qua, chị vẫn một mình xuôi ngược, tiếp tục điều hành việc kinh doanh ở TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đắk Lắk, dùng nguồn lãi đó đầu tư ngược lên Măng Đen.

Quà tặng của đại ngàn!


Khác với sim đồng bằng chín vào dịp Tết Nguyên đán, sim rừng Măng Đen chín từ giữa hè sang thu. Suốt mùa sim, đồng bào khắp huyện rủ nhau đi hái sim về bán cho Cty Sim Thiên Sơn. Ở Kon Plông, hái sim nhẹ nhàng khéo léo để quả sim không bị dập vỡ là việc của nữ giới.

Vài giờ mỗi ngày, một sơn nữ có thể hái một gùi đầy khoảng 20 ký sim. Với giá thu mua từ 12-15 nghìn/ký. Mùa sim chín kéo dài hơn 3 tháng giúp hàng nghìn hộ dân Xê Đăng nghèo có thêm nguồn thu nhập đáng kể.

Trò chuyện với phóng viên, anh Hoàng Thanh Hải- Chủ tịch UBND xã Hiếu cười tươi: Xã có 3 thôn sim rừng mọc dày nhất là Tu Cần, Vi Choang, Kon Klùng. Mùa sim chín, cả 280 hộ của 3 thôn đều lên rừng hái sim, tiếng cười rộn khắp đồi, vui lắm. Nghe tin Cty sẽ xây nhà máy chế biến rượu sim ở xã này, ai cũng phấn khởi. Trước đây có lúc Cty mua trái sim không kịp, xã phải mở chợ phiên giúp đồng bào bán hết lượng trái sim đã lỡ hái cho tư thương.

Xã Đắk Long sim rừng lại mọc trải dài khắp cả 9 thôn. Chủ tịch xã Trương Ngọc Tuyền khiêm tốn nhận sim rừng xã Đắk Long nhiều mà không sai quả, bóng đẹp bằng sim rừng xã Pờ Ê giáp ranh với tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng chỉ cần giá mua sim ổn định, tiêu thụ được hết, là đồng bào no đủ hơn xưa, nên hộ nào cũng ý thức bảo vệ, chăm sóc.

Quanh bếp lửa hồng đượm, vợ chồng anh A Dron đang sưởi ấm cùng cậu con út. A Dron thật thà kể, nhà anh ít người, mùa sim rừng cũng là mùa lúa chín, vợ chồng phải chia nhau giữ lúa khỏi bị phá bởi những đàn chim manh manh. Những hộ có công đi hái sim mới có nhiều tiền sắm Tết...

Nồng nàn thương hiệu Măng Đen


Ở nước ta, sim mọc khắp trên rừng và triền đồi sát biển. Trái sim, hoa sim đi vào thơ ca nhạc họa, dùng bào chế các loại thuốc chữa bệnh trong đông y, nam dược. Nhiều nơi, người dân từ lâu đã làm rượu sim rừng bằng cách ngâm sim vào rượu. Còn sản xuất rượu vang sim rừng từ công nghệ chiết xuất men vi sinh đạt các tiêu chí chất lượng và công nghệ hiện đại, thì mới có ở Măng Đen.

Sau gần 3 năm thâm nhập thị trường, vang sim rừng Măng Đen bắt đầu được giới tiêu dùng yêu thích. Từ cuối năm 2014, đặc sản này bắt đầu có mặt trên một số quầy hàng của siêu thị Co.opmart và các siêu thị nhỏ khác trong cả nước.

Chị Nhiệm dự kiến trong năm 2015, riêng hệ thống siêu thị đã có thể tiêu thụ vài chục ngàn chai vang sim rừng Măng Đen. Tính thêm các đơn đặt hàng từ đảo sim Phú Quốc và hệ thống đại lý của Cty, mùa sim tới Cty cần thu mua đến 80-90 tấn trái sim tươi nguyên liệu để tinh chế ra khoảng 50-60 ngàn chai vang sim thượng hạng, loại 750ml.

Trân trọng nhiệt huyết của chị Nhiệm, lãnh đạo tỉnh Kon Tum và huyện Kon Plông đã giao hẳn cho chị bảo tồn diện tích hơn 467 ha sim rừng và điều hành siêu thị mà huyện vừa đầu tư hơn 5 tỷ đồng xây mới, để chị có chỗ thu mua, giới thiệu đủ loại đặc sản Măng Đen.

Nhắc tới “kỳ nữ xứ sim” một cách trìu mến, ông Nguyễn Đức Tuy, phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum khẳng định: Phải rất nghị lực, bền lòng, chị Nhiệm mới đơn thân bám trụ nổi trên xứ lạnh để làm được nhiều việc ý nghĩa như thế cho huyện Kon Plông.

Tỉnh đã giao cho Sở Công Thương hỗ trợ chị xây dựng thành công các thương hiệu sản phẩm Măng Đen, trước hết là sản phẩm rượu sim rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các xã phía bắc tỉnh Kon Tum.

 

 “Tôi từng lên Măng Đen, tận mắt thấy các rừng sim bạt ngàn trên đó hoàn toàn không cần dùng phân vô cơ hay thuốc trừ sâu để chăm sóc, là đặc điểm khác biệt với hầu hết các vùng nguyên liệu rượu vang khác. Khí hậu nơi này dao động quanh mức 180C, là nhiệt độ lên men vi sinh cực kỳ lý tưởng.

 Hai thế mạnh quý hiếm này là điều kiện cơ bản để có thể làm ra được loại vang uống không nhức đầu, hương vị đặc trưng thơm ngon, bổ dưỡng của vùng cao nguyên”.

TS Công nghệ thực phẩm Đỗ Việt Hà  - Phó Ban Quản lý khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM

 

Tiền phong
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo