Góc nhìn

GDP bình quân đầu người của VN: Quá khó để đạt mức 50 triệu đồng vào 2015

Chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng, GDP bình quân đầu người của VN đang có sự chênh lệch khá lớn so với thu nhập thật, nên để đạt GDP bình quân đầu người lên 2.300 USD (khoảng gần 50 triệu đồng) vào 2015 là không hề đơn giản.

Thưa ông, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và nhiệm vụ của 2 năm tới vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày trước Quốc hội có đặt mục tiêu GDP đầu người bình quân đạt 2.300 USD vào năm 2015. Ông nghĩ như thế nào về mục tiêu này?

- GDP bình quân đầu người tính bằng USD đang có sự chênh lệch khá lớn so với thu nhập thật sự của người dân VN. Theo số liệu của ngành thống kê, năm 2012, GDP bình quân đầu người của VN đạt 1.749 USD.

Năm nay, dự kiến GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái bình quân sẽ đạt khoảng 1.914 USD, tăng 9,4% so với năm 2012. Quy mô nền kinh tế sẽ đạt khoảng 173 tỷ USD. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, nền kinh tế đang suy giảm mạnh thì thu nhập thực sự của người dân so với con số thống kê này thấp hơn nhiều lắm.

Vậy để đạt được 2.300 USD như mục tiêu của Chính phủ đòi hỏi trong 2 năm tới, tăng trưởng kinh tế phải đạt mức tăng bình quân rất cao. Tôi không biết làm cách nào để chúng ta đạt được mục tiêu này.

Hiện nay, kinh tế đang suy giảm, đời sống của đại bộ phận dân cư khó khăn. Chính phủ cần có sự giải thích như thế nào để đạt được các mục tiêu này. Tôi chỉ nêu một ví dụ: Năm ngoái, lạm phát tăng 9,2%, tỷ giá USD-VND làm VNĐ mất giá 3%. Do vậy, GDP đầu người tính bằng USD đã cao hơn so với GDP thực tế của người dân, hay thu nhập của người dân tính bằng đồng VN. Năm 2012, đồng tiền của người dân thu được đã bị mất giá 9,2% do lạm phát nhưng cũng thu nhập ấy của họ tính bằng USD lại tăng do tỷ giá tăng.

Có nghĩa dù GDP bình quân đầu người của chúng ta tăng lên nhưng thực tế, cuộc sống của người dân không sung túc hơn?

- Trong đời sống của người dân những năm gần đây, đồng tiền đã liên tục bị mất giá mà nhu cầu gì của dân cũng cần tiền. Tôi cho rằng, việc thu nhập thật của người dân giảm sút đã chưa được phân tích một cách thấu đáo, lại không được phản ánh. Thực tế này chắc chắn không “hoành tráng” như các con số thống kê về GDP bình quân đầu người của người dân VN được.

GDP đầu người là số trung bình (bình quân) của GDP toàn quốc chia cho dân số. Để so sánh mức sống giữa các quốc gia, GDP đầu người phải được chuyển đổi theo cùng một hệ thống tiền tệ, US Dollar (USD).

Theo Báo cáo phát triển Việt Nam 2009 của Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân đầu người của VN tụt hậu tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore. Liệu đây có phải sự phản ánh đúng GDP bình quân đầu người của VN?

- Tôi cho rằng, đây là những đánh giá rất đáng lưu ý. Thu nhập trung bình của người VN thực tế vẫn còn khoảng cách rất xa so với các nước trong ASEAN và Trung Quốc, dù đã được cải thiện nhiều do đổi mới và mở cửa. GDP bình quân đầu người của ta còn thấp xa so với mức bình quân chung của khu vực, của châu Á và thế giới.

Sau hơn một phần tư thế kỷ đổi mới và mở cửa, VN đã chuyển từ nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm thu nhập trung bình, theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, xét về nhiều mặt, động thái tăng trưởng kinh tế của VN chưa thể hiện rõ quyết tâm và khả năng thoát khỏi nguy cơ tụt hậu.

Vậy theo ông, “động lực cải cách” ở đây là như thế nào để VN có thể cải thiện được thu nhập đầu người của người dân?

- Để tránh tụt hậu, một mặt VN phải đạt được tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn; mặt khác phải ổn định tỷ giá; quan trọng hơn là phải phát triển bền vững, tức là giữ được tốc độ tăng trong dài hạn. Trước mắt VN phải giảm được lạm phát, để tỷ giá VND-USD được thông thương, mất giá thì phải mất tương đương và ngược lại.

Xin cảm ơn ông!

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Không phản ánh bức tranh thực

Thực tế GDP liên tục bị giảm tốc nhưng GDP bình quân đầu người vẫn được tính cao lên. Do vậy, đặt chỉ tiêu 2.300 USD sẽ khó phản ánh giá thực trong đời sống người dân, không phản ánh bức tranh thực và không tạo cho ta một nỗ lực để thay đổi.

Chúng ta không nên đặt ra các mục tiêu GDP bình quân đầu người quá vì nó không có ý nghĩa kinh tế mà cái cần là phải chuyển đổi nền kinh tế sang chất lượng, hiệu quả, cạnh tranh theo chiều sâu. Chưa kể, nhìn cuộc sống người dân bây giờ so cách đây vài năm thôi cũng thấy rõ đang giảm sút.

 

Theo Dân Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo