Góc nhìn

Giá bán thấp, “sát thủ” thuốc lá càng tung hoành

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đang được trình Chính phủ xem xét để trình Quốc hội, thuế thuốc lá chỉ tăng từ 65% lên 75% vào năm 2015 và lên mức 85% từ năm 2018

Con số này vừa đưa ra, ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối khá gay gắt của các chuyên gia Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới.

Tăng 10% chỉ là “muối bỏ bể”

Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc nhiều nhất thế giới, trong đó tỷ lệ người trẻ, thanh thiếu niên hút thuốc ngày càng đông - bà Phan Thị Hải, Phó Chánh văn phòng Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia (Vinacosh) cho biết. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng đáng buồn này là giá bán thuốc lá đang quá thấp, thậm chí là thấp hơn giá thuốc ở các nước ở châu Phi và các nước đang phát triển. Giá thuốc rẻ một phần vì thuế thuốc lá ở Việt Nam rất thấp (hiện nay là 65%), chỉ cao hơn Lào và Campuchia.

 Giá bán quá thấp khiến người Việt Nam mua và sử dụng thuốc lá  một cách dễ dàng

Từ thực tế tại nhiều quốc gia, Ngân hàng thế giới đã khuyến cáo, ngay cả khi có buôn lậu thì tăng thuế thuốc lá vẫn làm tăng ngân sách và giảm tiêu dùng, có thể đạt được mức 50%. Vì vậy, nhiều chuyên gia đã kỳ vọng, ở lần sửa đổi dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt lần này, Bộ Tài chính sẽ đưa ra những con số quyết liệt hơn. “Nếu chỉ dừng lại ở 10% như lần tăng gần đây nhất, năm 2008 thì chỉ là muối bỏ bể, những tác động đến tiêu dùng và tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ có, nhưng không thấm tháp vào đâu chỉ khiến giá bán lẻ thực tế sẽ tăng khoảng 2,9% vào năm 2016 và 2,8% vào năm 2019; trong khi thu nhập bình quân đầu người của chúng ta đang tăng gần 5%/năm. “Như vậy mức tăng thuế chưa theo kịp mức tăng thu nhập bình quân đầu người”.

Và như vậy, tính chung giai đoạn tới, tiêu dùng thuốc lá vẫn trong xu thế tăng. Điều này đồng nghĩa với việc tỷ lệ hút thuốc ở nam giới hầu như không giảm, giữ nguyên ở mức 47,4% giai đoạn 2014 - 2020 trong khi mục tiêu của chiến lược quốc gia là phải giảm về 39% vào năm 2020. “Cơ quan điều hành có thể tăng giá xăng dầu, giá điện... rất nhiều lần trong năm cho dù đây là những sản phẩm thiết yếu cho sản xuất và đời sống hàng ngày của người dân. Nhưng với thuốc lá thì quá khó khăn” - Ths. BS Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức Nhịp cầu sức khoẻ Canada tại Việt Nam (HealthBridge Canada) nói.

Cần có mức tăng “sốc”

“Chúng ta đang đứng trước cơ hội vàng để tăng thuế thuốc lá. Nếu bỏ lỡ cơ hội này để đến 2-3 năm sau mới thực hiện thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới giới trẻ” - bà Phan Thị Hải cho biết. Theo tính toán của Vinacosh, để đạt mục tiêu Chính phủ đề ra và trên cơ sở thuế suất tăng thêm 10% sẽ làm tiêu dùng giảm 5%. Đại diện của Vinacosh tính toán thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá phải tăng từ 65% lên 105% vào năm 2015 và tăng lên 145% vào năm 2018, hoặc có thể tăng theo phương án 15% mỗi năm, từ nay tới năm 2020. Điều này sẽ giúp thu ngân sách tăng thêm 9.000 tỷ đồng vào năm 2015 và 24.000 tỷ đồng vào năm 2018, thay cho mức 1.400 và 7.700 tỷ đồng theo tính toán của Bộ Tài chính đưa ra trong dự thảo.

So sánh những con số được Vinacosh đưa ra với thực tế tăng thuế với thuốc lá dè dặt ở mức 10% thì đây quả là con số sốc. Điều này có thể khiến cho kiến nghị trên khó có tính khả thi. Trao đổi về băn khoăn này, bà Phan Thị Hải quả quyết: Hiện nay tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ thuốc lá tại VN mới đạt 41,6% trong khi khuyến cáo của Ngân hàng thế giới thì con số này phải ở mức 66 – 80%. Mức tăng chúng tôi kiến nghị mới dừng lại ở con số 50%, chưa bằng con số tối thiểu của Ngân hàng thế giới đưa ra. Nhìn sang các nước trong khu vực thôi, con số này đều từ 50 – 81%.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới, ông Nguyễn Tuấn Lâm đưa ra bằng chứng quốc tế để chứng minh hiệu quả từ việc tăng thuế sẽ dẫn đến 2 lợi ích kép: giảm tiêu dùng và tăng thu ngân sách. Đó là tại Thái Lan, với 12 lần tăng thuế trong thời gian qua, thu ngân sách từ thuế thuốc lá đã tăng 300% sau 20 năm, đạt khoảng 1,9 tỷ USD mỗi năm và làm giảm tỷ lệ hút thuốc khoảng 2% một năm.

 Mỗi năm, 40.000 người Việt tử vong vì thuốc lá
 
Tại bệnh viện K, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc chiếm 96,8%. Xét trên gánh nặng kinh tế, năm 2012, người Việt Nam đã bỏ ra tới 22.000 tỷ đồng cho tiêu dùng thuốc lá. Tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử  vong sớm do 5 nhóm bệnh liên quan đến thuốc lá gây ra lên tới 23.000 tỷ đồng. Trong khi đó, ngành công nghiệp thuốc lá chỉ nộp thuế khoảng 16.000 tỷ đồng

Theo Phụ nữ Thủ đô
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo