Phân tích

Giá cả dịp Tết Ất Mùi – 2015: Sẽ không tăng đột biến

Chiều tối 30.1, Bộ Tài chính đã có kết quả sơ bộ về việc kiểm tra công tác quản lý, bình ổn giá tại một số địa phương trong dịp Tết Ất Mùi - 2015. Việc giá xăng, dầu giảm liên tục trong thời qua, nhưng cước vận tải đường bộ bằng xe ôtô ở nhiều địa phương chưa giảm hoặc các doanh nghiệp chây ì chưa kê khai giảm giá cước là những vấn đề nóng được chú trọng kiểm tra trong dịp này.

Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo chặt việc giảm giá cước vận tải trong dịp Tết Ất Mùi.

 

Giá cước vận tải đã giảm từ 4-16%

Tại Hà Nội, tính đến ngày 20.1.2015, có 71 doanh nghiệp đã điều chỉnh giảm giá cước và gửi hồ sơ kê khai.  Trong đó có 17 hồ sơ kê khai giá cước vận tải hành khách tuyến cố định, giảm từ 4-16,67%; 2 hồ sơ kê khai giá cước vận tải hàng hóa bằng container, mức giá điều chỉnh giảm 3-4%; 55 hồ sơ kê khai giá cước vận tải hành khách bằng taxi của 52 doanh nghiệp, mức giảm từ 4-9% so với mức giá kê khai gần nhất.

 

Hiện trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 34/115 đầu tuyến cố định của 11/23 doanh nghiệp kê khai giảm giá từ 4-20%. Một số doanh nghiệp chưa kê khai giảm giá với lý do các chi phí đầu vào tăng cùng với các khó khăn về nhu cầu hành khách giảm trên các đầu tuyến địa phương.

 

Còn tại tỉnh Sơn La, có 22/22 doanh nghiệp nộp hồ sơ kê khai giảm giá cước với mức giảm 5-10%. Tỉ lệ giảm này được rà soát theo lần kê khai giá gần nhất từ tháng 8.2013 và vì thế, mức giảm này là hợp lý với tình hình biến động giá xăng, dầu. Tại tỉnh Điện Biên, các doanh nghiệp vận tải đã kê khai giá cước với mức giảm trung bình 4.8%.

 

Theo báo cáo của Sở Tài chính Vĩnh Phúc, hiện chỉ có 4/10 doanh nghiệp vận tải hành khách của tỉnh này đã kê khai giảm giá cước vào tháng 11.2014 với mức từ 7-12%. Tại tỉnh Bắc Ninh, chưa kể 2 đơn vị kinh doanh vận tải xe buýt, thì 18 đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định và taxi đều đã kê khai giảm giá cước (vận tải tuyến cố định giảm bình quân 5.000 đồng/hành khách, taxi giảm khoảng 3-10% so với thời điểm tháng 6.2014).

 

Tính đến ngày 20.1.2015, Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng đã nhận được 32/40 hồ sơ kê khai giảm giá cước của các đơn vị kinh doanh vận tải (trong đó chỉ 30 đơn vị giảm giá cước). Còn tại tỉnh Bình Thuận, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều đã kê khai giảm giá cước từ 8% - 10%. Tại tỉnh Ninh Thuận, có 10/11 doanh nghiệp vận tải hành khách và 1/3 doanh nghiệp taxi thực hiện việc kê khai lại giá cước. Ở tỉnh Khánh Hóa, có 50/64 đơn vị kinh doanh vận tải đã thực hiện kê khai giảm cước: Tuyến cố định giảm từ 2,1% - 10%, cước taxi giảm từ 3% - 10%, cước vận tải hàng hóa từ 5% - 25%.

 

Bộ Tài chính cũng cho biết, qua công tác kiểm tra, các đoàn công tác cũng đã kịp thời báo cáo trình Bộ Tài chính ban hành một số công văn chỉ đạo kịp thời đối với các địa phương trong triển khai công tác quản lý, kê khai giảm giá cước vận tải ôtô, đồng thời đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn nghiêm túc thực hiện việc kê khai giảm giá cước.

 

Giá hàng hóa tiếp tục bình ổn

 

Cũng theo tổng hợp báo cáo của các đoàn kiểm tra, nhiều địa phương đã thực hiện chương trình dự trữ để bình ổn giá thị trường, qua đó bình ổn giá cả bằng cách kết nối doanh nghiệp với ngân hàng, tạm ứng từ nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của các địa phương cho doanh nghiệp vay không lãi suất hoặc hỗ trợ lãi suất cho vay.

 

Việc cân đối cung cầu hàng hóa trong dịp Tết nhìn chung được đảm bảo, hàng hóa dồi dào, dự kiến giá cả về cơ bản được ổn định hoặc chỉ biến động nhẹ trong những ngày sát Tết hoặc ngay sau Tết, sẽ không xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến.

Theo báo Lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo