Giá cước không thể im lặng
Xăng hôm qua đã giảm hơn 2.000 đồng/lít, đưa giá bán lẻ xuống mức thấp nhất trong 4 năm nay. Có thể nói, đây là cơ hội cực lớn để vực dậy sản xuất nếu chúng ta quyết liệt buộc giá cước vận tải, giá hàng hóa tiêu dùng phải giảm sòng phẳng theo xăng.
Với lần giảm này, các hãng vận tải, taxi không còn lý do gì để biện hộ cũng như chần chừ hơn nữa. Bởi xăng đã giảm tới lần thứ 13 trong khi giá cước mới chỉ giảm có 1 lần. Nếu tính về tỷ lệ, xăng đã giảm khoảng 30%, tương đương với 7.769 đồng một lít xăng A92 trong khi giá cước mới chỉ giảm ở mức 3 - 8%, tương đương từ 200 - 800 đồng/km. Không cần phân tích sâu xa, chỉ nhìn vào con số cũng thấy rõ sự chây ì của giá cước so với việc giảm liên tiếp của giá xăng.
Vì vậy, đây là lúc cơ quan có thẩm quyền phải vào cuộc để buộc các hãng vận tải, taxi, máy bay... giảm giá cước tương xứng với mức giảm của xăng. Việc này rất quan trọng để kéo mặt bằng giá trên thị trường xuống một mức mới thấp hơn, phù hợp với diễn biến kinh tế trong nước và thế giới, cũng như phù hợp thu nhập của người dân. Mặt bằng giá thấp cũng là giải pháp hiệu quả và duy nhất để vực dậy sức mua vốn đã bị kiệt quệ bởi khó khăn kinh tế kéo dài nhiều năm nay.
Không chỉ thế, việc giảm thiếu sòng phẳng của giá cả trong nước lúc này có thể sẽ khiến năng lực cạnh tranh của hàng hóa VN tụt hạng hơn nữa so với khu vực và thế giới. Tính đến cuối tuần qua, giá xăng tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 5 năm, chỉ còn khoảng 14.000 đồng/lít do dầu thô giảm giá và mức giảm này sẽ tiếp tục "nhìn" giá dầu thô để điều chỉnh.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), giá dầu giảm sẽ có lợi cho nhiều quốc gia nhập khẩu nhiên liệu trong khu vực châu Á tận dụng cơ hội này để phát triển sản xuất. Nói những chuyện này để thấy, các nước đang tận dụng tối đa việc giá xăng dầu giảm để kích thích nền sản xuất trong nước.
Nếu chúng ta không tạo được sự lan tỏa tương ứng từ việc giảm giá xăng cho nền kinh tế, không chỉ người tiêu dùng trong nước bị thiệt thòi mà hàng hóa Việt cũng khó có thể cạnh tranh với hàng hóa ngoại nhập ngay tại thị trường nội địa cũng như khi đi ra thế giới. Nên nhớ, xuất khẩu trong mấy năm nay vẫn là cứu cánh cho kinh tế và đây cũng là nguồn thu chính của ngân sách bên cạnh nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô.
Ngay khi xăng giảm hơn 2.000 đồng/lít vào ngày hôm qua, trên nhiều diễn đàn mạng nhiều người đã lên tiếng tẩy chay các hãng taxi, các loại hàng hóa, dịch vụ cố tình chây ì không giảm theo xăng. Sự chịu đựng nào cũng có giới hạn và có lẽ đây cũng là việc làm cần thiết nếu các nhà xe vẫn tiếp tục bài im lặng như những lần xăng giảm giá trước.
Người dân không quan tâm đến lý do, họ chỉ biết xăng đã giảm gần 8.000 đồng/lít thì giá gạo, giá thịt, giá rau quả, giá tô hủ tiếu, tô phở... phải giảm so với lúc giá xăng ở mức đỉnh là 25.640 đồng/lít. Và đó chính là trách nhiệm của tất cả các cơ quan có thẩm quyền liên quan trong việc đưa mặt bằng giá trên thị trường giảm xuống theo xăng.
Theo Thanh Niên
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo