Giá dầu thô giảm, giải pháp nào để đảm bảo ngân sách?
Trả lời phỏng vấn trên Thời Báo Ngân Hàng về tác động của việc giá dầu thô giảm tới thu chi ngân sách Nhà nước và nền kinh tế nói chung, ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính) cho biết, việc giá dầu thô giảm sẽ làm giảm chi phí đầu vào và giảm áp lực lên lạm phát, qua đó tác động tích cực đến sự phát triển của hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống nhân dân, góp phần thực hiện tốt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô kiểm soát lạm phát, đồng thời tạo thêm nguồn thu cho NSNN. Tuy nhiên, giá dầu thô giảm cũng tác động làm giảm các khoản thu NSNN liên quan đến dầu thô, nhất là khoản thu trực tiếp từ tiền bán dầu.
Theo ông Tân, do tỷ trọng các khoản thu liên quan đến dầu thô trong tỷ trọng thu NSNN không lớn (chỉ xấp xỉ 10%) nên nếu có các giải pháp phù hợp thì số giảm thu do giá dầu thô giảm có thể bù đắp được từ số phấn đấu tăng thu nội địa và XNK. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm điều hành năm 2015 cho thấy, rất cần có sự quyết tâm phấn đấu cao của các ngành, các cấp, sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và nỗ lực vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra.
Đưa ra kịch bản ngân sách năm 2016 với tác động của giá dầu thế giới, ông Tân cho biết, trên cơ sở theo dõi chặt chẽ tình hình, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng các kịch bản về tác động của diễn biến giá dầu thô thế giới đến NSNN, kể cả với mức giá dưới 30 USD/thùng.
Dựa trên các kịch bản này và dự báo diễn biến giá dầu trong tương lai, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp xử lý cụ thể nhằm giảm thiểu tác động bất lợi do giá dầu thô giảm đến hoạt động sản xuất-kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng trong nước, cũng như NSNN. Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng là cần tận dụng tối đa tác động tích cực của việc giá dầu giảm, thúc đẩy phát triển SX-KD, tạo thêm nguồn thu cho NSNN.
Đồng thời, cần tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, quyết liệt xử lý nợ đọng, phấn đấu tăng thu nội địa và XNK đến mức cao nhất để bù đắp số giảm thu từ dầu thô.
Đưa ra các giải pháp để đảm bảo ngân sách Nhà nước trong điều kiện giá dầu thế giới giảm sâu, ông Tân cho biết chúng ta cần tiếp tục tranh thủ sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp vào cuộc của các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương; tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thúc đẩy phát triển kinh tế, làm tiền đề phấn đấu tăng thu nội địa và XNK để bù đắp số giảm thu từ dầu thô.
Đồng thời, sẽ không ban hành chính sách làm giảm thu ngân sách, đồng thời, phải quyết liệt triển khai công tác quản lý thu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế.
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính; quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN ngay từ khâu phân bổ và trong quá trình điều hành. Cắt giảm mạnh và công khai các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; hạn chế mua sắm ô tô công và trang thiết bị đắt tiền; từng bước thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công đối với một số chức danh và địa bàn phù hợp.
Ông Tân cũng tiết lộ, theo phân công của Chính phủ, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2016; trong đó, có những biện pháp bổ sung quan trọng để đảm bảo giữ vững cân đối NSNN các cấp, không ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi không có nguồn đảm bảo, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, công khai, minh bạch trong việc quản lý, sử dụng NSNN.
End of content
Không có tin nào tiếp theo