Bất động sản

Giá nhà về mốc 7 năm trước, người mua vẫn hững hờ

Cả người bán lẫn người mua trên thị trường bất động sản đang đặt nhiều niềm tin vào một sự chuyển biến đáng kể về thanh khoản khi mà những tháng cuối năm, quãng thời gian được kỳ vọng nhất đang cận kề.

Thị trường bất động sản dường như vẫn chưa thể khởi sắc trở lại bởi tâm lý giằng co và chờ đợi của cả bên bán lẫn bên mua.

Trên thực tế, thời điểm này là cơ hội đối với giới đầu tư bất động sản mua đi bán lại hay những người mua để ở, khi mà nguồn cung và giá nhà đang được cho là “lý tưởng” nhất trong nhiều năm qua. Sự dập dìu của thị trường vào lúc này có chăng cũng chỉ là do người mua đang có quá nhiều sự lựa chọn.

 
Giá giảm 50%, giao dịch vẫn thấp
 
Một báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng về thị trường bất động sản mới đây cho thấy, giá nhà ở đã giảm nhiều so với thời điểm sốt giá giai đoạn 2008-2010, nhiều dự án giá giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm 2006.
 
Đối với các dự án căn hộ cao cấp, nhà thấp tầng, đất nền, các chủ đầu tư đã tích cực chủ động trong việc tiếp thị bán hàng, khuyến mại, điều chỉnh cơ cấu căn hộ, giao sản phẩm căn hộ xây thô để khách hàng tự hoàn thiện... nhằm hạ giá bán để thu hút khách hàng.
 
Hầu hết các dự án đã giảm từ 10 - 30% giá bán, có một số dự án, như dự án SunriseCity của Công ty NoVaLand, dự án Everrich 3 của Công ty Phát Đạt tại Tp.HCM...đã giảm giá tới gần 50% so với giá bán tại thời điểm “nóng” cách đây hơn 2 năm.
 
Thế nhưng, so với thời điểm hơn 2 năm trước, lượng giao dịch trên thị trường nhìn chung vẫn còn thấp. Điểm sáng dễ thấy chỉ là phân khúc căn hộ chung cư có diện tích nhỏ, đã hoàn thiện, giá bán hợp lý vẫn có tính thanh khoản cao, giao dịch có chiều hướng tăng.
 
Điển hình như các dự án nhà ở có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại Hà Nội như dự án nhà ở xã hội tại khu đô thị mới Đặng Xá, dự án chung cư VP5 khu đô thị mới Linh Đàm, dự án chung cư CT11 Kim Văn - Kim Lũ, dự án Đại Thanh, dự án Ehom4 của Công ty Nam Long và một số dự án khác tại Tp.HCM…
 
Theo khảo sát của các đơn vị tư vấn, vài tháng trở lại đây, hàng loạt dự án căn hộ trung cấp đã được chủ đầu tư liên tiếp tung ra thị trường với những lời mời chào hấp dẫn. Điển hình như dự án Văn Phú - Victoria (Hà Đông, Hà Nội), dự án căn hộ trung cấp CT2 Trung Văn Vinaconex3 (Từ Liêm) có giá 19 - 21 triệu đồng/m2; dự án Khu ngoại giao đoàn (Xuân Đỉnh, Từ Liêm) có giá 18 - 19 triệu đồng/m2… Phân khúc căn hộ bình dân cũng có nhiều dự án được mở bán như CT12 Văn Phú, với mức giá 12,7 triệu đồng/m2; Nam Xa La có giá bán 12,2 triệu đồng/m2; CT1B Tân Tây Đô (quốc lộ 32, Hoài Đức) có giá bán 10 triệu đồng/m2…
 
Tại phân khúc căn hộ cao cấp cũng có hàng loạt dự án bung hàng như Hoàng Thành Tower với giá trên 80 triệu đồng/m2; dự án căn hộ cao cấp D' Le Pont D'or Hoàng Cầu của Tân Hoàng Minh có giá 30 - 45 triệu đồng/m2; dự án Chung cư cao cấp Discovery Complex (302 Cầu Giấy) có giá từ 27 triệu đồng/m2 (chưa VAT)…Theo các đơn vị tư vấn bán hàng, mức giá chào bán tại các dự án nói trên đều thấp hơn từ 20 - 40% so với thời kỳ đỉnh điểm.
 
Bất động sản không thể “chết” được
 
Những câu hỏi, băn khoăn không hề mới nhưng luôn mang tính thời sự trên thị trường bất động sản chính là “thị trường đã chạm đáy chưa?”. Câu hỏi này không chỉ xuất phát từ phía khách hàng, những người đang có nhu cầu mua nhà, mà nó cũng là trăn trở của chính các chủ đầu tư.
 
Lãnh đạo một công ty có dự án chung cư khá lớn ngay trung tâm quận Cầu Giấy chia sẻ: “nhà xây xong rồi, giảm giá rồi, khuyến mại, chiết khấu đủ cả nhưng thanh khoản thì vẫn rất tệ”.
 
Theo vị này, lý do chính khiến thị trường vẫn chưa “bật” lên được chính bởi sự ảnh hưởng của tâm lý đám đông vốn tồn tại nhiều năm qua trong suy nghĩ, ý thức của người bán lẫn người mua trên thị trường. Trong khi các chủ đầu tư vẫn tìm mọi cách xoay xở để đối phó với khủng hoảng thì khách hàng dường như lại thờ ơ trước những lời mời chào.
 
Chính vì vậy, khi được tham vấn về diễn tiến của thị trường trong ngắn hạn, hầu hết các doanh nghiệp đều chung nhận định rằng, thị trường sẽ khởi sắc trở lại, song cái mốc đó nằm ở đâu thì không ai dám chắc và vẫn có sự vênh nhau về mặt thời gian.
 
Theo Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội Nguyễn Hữu Cường, thị trường bất động sản khó khăn thật đấy, nhưng “không thể chết được”. Bởi theo ông, nhu cầu nhà của hàng triệu người dân là không ban giờ hết. Hơn nữa, bất động sản là tài sản hữu hình, không như nhiều kênh đầu tư khác và đặc biệt không ít nhà đầu tư, doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm, năng lực, tài chính đã phải trả những cái giá khá đắt cho tham vọng của mình.
 
“Thị trường rồi đây sẽ ổn định, dần đi lên khi mọi nghi ngờ, băn khoăn được trút bỏ”, ông Cường nói.
 
Còn theo khảo sát của VnEconomy, dù rằng xu hướng cải thiện thanh khoản đang ít nhiều được thể hiện trên thị trường ở những phân khúc bình dân, song tỷ lệ tin vào một đợt giảm giá tiếp theo trên thị trường và giá nhà có thể sẽ xuống thấp hơn nữa vẫn chiếm áp đảo trong số những người được tham vấn.
Theo VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo