Gia nhập TPP, nông dân Việt "muôn vàn nỗi lo"
Tin tức trên báo Dân việt, TS Trần Công Thắng- Phó Viện trưởng Ipsard, tác giả của bản báo cáo “Nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập và chính sách hỗ trợ nông dân” cho biết, khi gia nhập TPP, Việt Nam sẽ có cơ hội thay đổi cơ cấu sản xuất, phát huy lợi thế so sánh của các ngành hàng; Tăng cường thu hút hợp tác đầu tư trong nông nghiệp; Thay đổi tư duy và hệ thống quản lý bằng cách mở cửa thị trường và chấp nhận cạnh tranh; Thay đổi hệ thống luật pháp, tiêu chuẩn chất lượng…
Tuy nhiên, theo bản báo cáo này, quá trình nghiên cứu cho thấy, người nông dân Việt Nam có tới 7 điểm bất lợi trước khi tham gia TPP, đó là: Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; Chịu rủi ro cao; Khả năng chống đỡ cú sốc kém; Tiếp cận thông tin yếu; Tỷ lệ thương mại thấp; Chưa liên kết vào chuỗi giá trị; Chưa bắt kịp tiến trình hội nhập cả về tiêu chuẩn và chất lượng.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết trên báo Người lao động, đối với ngành nông nghiệp, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đem lại nhiều cơ hội lẫn thách thức.
“Hiện nay, nhiều ngành hàng gia tăng nhập khẩu nguyên liệu thô để chế biến. Nếu không lo ngay từ bây giờ, khi hàng nước ngoài tràn vào sẽ “đánh sập” vùng nguyên liệu trong nước và nông dân sẽ là đối tượng chịu thiệt hại nặng nhất.
Do vậy, cần tập trung tổ chức lại sản xuất, quy hoạch vùng trồng để bảo đảm có nguyên liệu sạch cho doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu. Đây là vấn đề đáng lo hơn nhiều so với việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN hay năng lực quản lý của nhà nước” - ông Nam nhận xét.
Ngay thị trường tiêu dùng trong nước, dù TPP chưa có hiệu lực nhưng thịt từ các nước TPP, đặc biệt là gà Mỹ, đang khiến ngành chăn nuôi gà trắng điêu đứng. Ông Nguyễn Thanh Phi Long, đại diện Công ty TNHH Chăn nuôi Long Bình, cho biết trước giờ, ức gà nội được đưa vào cơ sở chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, khi đùi gà góc tư của Mỹ giá bán quá rẻ, các cơ sở chế biến mua về lóc thịt chế biến khiến ức gà nội tồn kho hàng đống.
Không thể phủ nhận những cơ hội của nông nghiệp Việt Nam khi gia nhập TPP. Trong đó, TPP mở cho Việt Nam một thị trường xuất khẩu rộng lớn với nhiều mặt hàng nông nghiệp chủ lực được hưởng mức thuế ưu đãi.
Một cơ hội khác lớn hơn là vấn đề đầu tư xuyên quốc gia đi kèm khoa học công nghệ tiên tiến và nâng cao trình độ kỹ năng lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao quy mô phát triển sản xuất, đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cho rằng TPP là cơ hội để ngành thay đổi những vấn đề nội tại. Trong đó, việc chưa sản xuất theo chuỗi, chưa kiểm soát được chất lượng là vấn đề hàng đầu. “Nhà nước cần hỗ trợ thực hiện liên kết ngang, giữa người trồng với nhau thành các HTX để DN có đầu mối liên kết, tạo nên những vùng trồng lớn” - bà Oanh đề nghị.
TS Thắng cho biết, trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp như hiện nay, việc hỗ trợ sẽ giúp hộ nông dân chủ động tham gia vào quá trình hội nhập. Tuy nhiên, nên tránh hỗ trợ trực tiếp, mà cần tạo điều kiện nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp cận, áp dụng khoa học - công nghệ, sản xuất theo tiêu chuẩn, xúc tiến thương mại, đầu tư... cho nông dân.
End of content
Không có tin nào tiếp theo