Doanh nhân

Giá ô tô Việt Nam ngất ngưởng vì đặc quyền “ông lớn”

Với tầng tầng lớp lớp đặc quyền, các "ông lớn" thống lĩnh thị trường ô tô trong thời gian dài và đẩy giá ô tô VN lên hàng cao nhất thế giới.

Xuất phát từ cuối thế kỷ 19, tango là một thể loại âm nhạc và khiêu vũ kết hợp có nguồn gốc từ Argentina và Uruguay, đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Là một điệu nhảy thu hút và gợi tình, nhưng ở VN, mối lương duyên giữa tango và giá cả đôi khi còn bay bổng hơn nhiều. 

Giá lên: Ai người hưởng lợi? 

Lâu nay, sự lên xuống của giá vẫn là câu chuyện "khó lường". Cơ quan chủ quản luôn gửi đi những thông điệp để khẳng định tính công khai, minh bạch trong việc điều hành nhưng giá thì vẫn nhảy trên những nốt nhạc xoay tít mù và lượn vòng quanh. 

Nếu theo dõi, dễ dàng nhận thấy giá xăng dầu thường giảm trước mỗi kỳ họp QH và tranh thủ thời cơ "tăng bù" ngay sau đó. Dù "quân tử phòng thân" nhưng thật lòng, đây không phải là cách hành xử của người quân tử cho lắm. 

Hoặc lợi dụng cơn sốt "running man", xăng dầu cũng âm thầm tăng giá. Vậy nên cứ như trên mây với running man đi, nhưng hãy mau chóng rớt xuống mặt đường để tham gia giao thông, vì cuộc sống không chỉ có "run" (chạy), mà còn có "ride" (đạp xe), và cả "drive" (lái xe) nữa. 

Về ô tô, sau 20 năm với bao nhiêu quyết sách và dự án, "nền công nghiệp ô tô trong nước" vẫn dậm chân bước đều một-hai-một với tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt 2-10%, một mức quá thấp so với kỳ vọng 30-40%. Thật dễ hiểu, với tầng tầng lớp lớp đặc quyền đã và đang được hưởng, các "ông lớn" (chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - FDI) đã thống lĩnh thị trường ô tô trong một thời gian dài và đẩy giá ô tô VN lên hàng cao nhất thế giới. 

Còn vấn đề giá thuốc, khi vụ Zuellig Pharma Vietnam (ZPV) bị phanh phui năm 2005, người ta vẫn không hiểu bằng cách nào ZPV có thể trở thành công ty duy nhất được "trực tiếp phân phối thuốc nhập khẩu". Rồi từ đó, họ mặc sức đạo diễn giá thuốc, thậm chí có loại tăng tới 60%/năm như vậy. Cứ cho là BQL các KCN và chế xuất HN "kém trình" nên cấp Giấy phép đầu tư sai thẩm quyền, nhưng sao mãi khi sự việc vỡ lỡ, Bộ Y tế mới lên tiếng. Và ngay cả khi không còn sự độc quyền của ZPV, thị trường thuốc VN đến giờ vẫn đang có sự vận hành hết sức khó hiểu.

Trong nhiều năm, chúng ta đã chứng kiến cơn phi nước đại của giá nhà đất, trong khi GDP bình quân vẫn như chú vịt con lạch bạch chạy theo chàng tuấn mã. Sự bất bình thường càng được đẩy lên cao khi Bộ Xây dựng ban hành thông tư 16/2010/TT-BXD. Nhiều ý kiến cho rằng vì hướng dẫn sai luật, Bộ đã giúp thu về cho các chủ đầu tư hàng ngàn tỷ đồng và khiến bùng nổ tranh chấp khi xác định diện tích căn hộ. Bộ thì cho rằng mình không sai, nhưng đầu năm nay vẫn âm thầm ban hành thông tư 03/2014/TT-BXD sau nhiều lần chỉ đạo, đôn đốc của Phó Thủ tướng. Công luận lại đặt câu hỏi: không sai, sao phải sửa? 

Nóng bỏng nhất có lẽ là câu chuyện giá sữa đang ngập tràn các mặt báo. Khi bảng giá nhập khẩu và giá bán lẻ trên thị trường được công bố, chúng ta chỉ còn biết chua chát lắc đầu. Dường như có một sự tỷ lệ nghịch giữa giá sữa và chiều cao vì theo thống kê, nam thanh niên VN cao trung bình 1,644 m, thấp hơn nhiều so với Nhật Bản (1,715 m) hay Hàn Quốc (1,739 m). Người VN chỉ cao thêm 1 cm trong mỗi 10 năm, khi ở Thái Lan và Trung Quốc con số này là hơn 2 cm. Để tiếp tục trấn an, các Bộ đang dọa áp giá trần cho sữa, nhưng có khi nào đó cũng chỉ là động thái "rung cây" mà thôi? 

Chính sách là công cụ để điều tiết nền kinh tế. Khi các chính sách được thông qua, luôn có những nhóm người bị ảnh hưởng theo hướng hoặc có lợi hoặc bất lợi. Được trao nhiều "đặc ân" cùng với sự "giúp sức" của "trọng tài", rất dễ dàng để các doanh nghiệp có thể làm chủ cuộc chơi. Nhưng với việc điều hành của các cơ quan chủ quản như hiện nay, người ít hồ nghi nhất cũng không khỏi băn khoăn: trong những trường hợp này, phải chăng, chỉ các doanh nghiệp hưởng lợi?
 

 

Ai người bảo vệ? 

Giá cả luôn là mối quan tâm hàng đầu, đặc biệt đối với đa phần người dân lao động. Nhưng ngay cả cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn tỏ ra "bất lực", thì dân chúng còn biết trông chờ vào ai? 

Việc tăng giá có thể không hề hấn gì đến tầng lớp những người có thu nhập cao, nhưng nó có ảnh hưởng rõ rệt tới đời sống của đại bộ phận dân chúng, đặc biệt là người nghèo. Công bằng mà nói, nghèo không phải là một đặc ân để cần được bảo vệ hơn những người khác trong xã hội. Nhưng rõ ràng, với mức thu nhập thấp và cuộc sống tương đối bấp bênh, họ là những đối tượng đáng được quan tâm, trợ giúp bởi chính sách an sinh và tính nhân văn của một chế độ. 

Có chứng kiến những người mẹ đắn đo bên những hộp sữa đắt đỏ của con, những người nghèo phải vay mua nhà từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ của Chính phủ mà vẫn bị tính "cơi nới" diện tích, mới thấy hết sự bất nhẫn của những phi đội "làm giá" như thế nào. 

Mỗi khi giá tăng, cơ quan chủ quản lại tổ chức họp báo, ghi nhận, giải trình. Cái điệp khúc ấy cứ lặp đi lặp lại như một giáo án quen thuộc và được áp dụng cho mọi hoàn cảnh. Để rồi sau tất cả những ồn ào, chất vấn, thì "đoàn người cứ đi". 

Chúng ta vẫn có Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), rồi Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương). Nhưng hiệu quả của các cục này tới đâu? 

Chúng ta cũng có Luật giá, nhưng điều trớ trêu nhất là các mặt hàng thuộc diện thực hiện bình ổn giá được quy định trong luật như xăng dầu, thuốc chữa bệnh, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi... lại là những mặt hàng liên tục... tăng giá. 

Trong khi đó, Luật cạnh tranh cũng quy định các hành vi gây hạn chế cạnh tranh bị cấm như: thỏa thuận ấn định giá, phân chia thị trường lạm dụng vị thế độc quyền, vị trí thống lĩnh thị trường (chiếm trên 30% thị phần)... để áp đặt giá mua, bán bất hợp lý. Tuy nhiên, những "liên minh làm giá" này vẫn bình an vô sự. 

Giá thì cứ mặc sức nhảy múa trên lưng thu nhập của người dân, còn văn bản pháp luật và cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì cứ thản nhiên "dự khán". 

Nếu ở nhiều quốc gia trên thế giới, lobby chính sách là một hoạt động được pháp luật bảo hộ thì tại VN, chưa công nhận và cũng chưa có thể chế cho vấn đề này. Bộ trưởng Bộ Tư pháp - cơ quan "gác cổng" và "thổi còi" việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng từng bày tỏ: có nghe, xong "chưa dám kết luận". Nhưng nhìn vào thực tế thì rõ ràng, các "nhóm lợi ích" dường như vẫn đang có tác động rất lớn lên chính sách trong khi hầu như chưa có sự tham gia và ghi nhận tiếng nói của các bên có liên quan khác như các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp, đại diện người tiêu dùng... để làm lực đối trọng. 

Một khi, sự vận động ấy chưa công khai, dân chủ và chưa có sự phản biện công bằng thì chính sách vẫn sẽ bị "mang tiếng" là làm lợi cho kẻ mạnh và việc móc túi người tiêu dùng một cách hợp pháp, về bản chất, liệu có gì khác biệt so với các vụ việc "chôm chỉa" hàng hóa diễn ra gần đây?

 

 

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo