Giá vàng thế giới tăng trở lại nhờ đôla mất giá
Từ cuối tháng 12/2015, khi Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất, chấm dứt thời kỳ lãi suất thấp kỷ lục và kéo dài trong lịch sử, giá vàng thế giới bắt đầu có xu hướng tăng dần và đạt kết quả ấn tượng trong quý I/2016.
Theo ghi nhận của thị trường, sau khi chạm đỉnh 1.287,8 USD/oz vào ngày 11/3, giá vàng thế giới tạm lắng, nhưng vẫn ở mức cao. Trong tuần cuối tháng 3/2016, giá vàng kỳ hạn trên sàn Comex tại New York ổn định ở mức 1.223,5 USD/oz, giá vàng trên sàn Kitco duy trì ở mức 1.221,90 USD/oz. Tính đến cuối quý I/2016, giá vàng thế giới đã tăng tổng cộng 17%, mức tăng ấn tượng nhất kể từ năm 1986.
Giá vàng phục hồi cũng là động lực khuyến khích hoạt động đầu cơ, các quỹ đầu tư vàng (ETF) tiếp tục gom vàng. Tính đến ngày 24/3/2016, lượng vàng nắm giữ của quỹ tín thác đầu tư lớn nhất thế giới (SPDR) đạt 26,48 triệu ounce, mức cao nhất kể từ tháng 12/2013. Theo số liệu của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Kỳ hạn Mỹ (CFTC), trong tuần cuối tháng 3, riêng các quỹ dự phòng đã tăng vị thế mua ròng vàng thêm 2,1% lên 164.946 hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng quyền chọn.
Trong bối cảnh thị trường tài chính biến động và kinh tế toàn cầu giảm tốc, giá dầu và nhiều loại hàng hóa đầu vào giảm sâu, nhiều nhà đầu tư có xu hướng tìm đến những kênh đầu tư khác nhau, trong đó có vàng. Hãng nghiên cứu Metals Focus có trụ sở tại London dự đoán, các nhà đầu tư sẽ rót thêm tiền vào vàng khi các nhà hoạch định chính sách tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong đó, mối quan tâm của các nhà đầu tư tập trung vào động thái chính sách của Fed do Mỹ là nền kinh tế duy nhất đã phục hồi vững chắc trong những năm gần đây, trong khi hầu hết các nền kinh tế khác trên thế giới tiếp tục chìm vào suy thoái hoặc phải chấp nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm dần.
Trên thực tế, các chương trình kích thích định lượng với lãi suất gần bằng không đã giúp nền kinh tế Mỹ nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng và bắt đầu phục hồi từ cuối năm 2010. Khi kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi bền vững, thị trường kỳ vọng Fed sẽ chấm dứt thời kỳ lãi suất thấp. Tuy nhiên, Fed vẫn trì hoãn tăng lãi suất cho đến cuối năm 2015, và động thái thận trọng này của Fed đã đẩy USD tăng giá quá mức.
Do giá vàng thế giới được tính theo USD, nên giá vàng thường vận động ngược chiều với giá USD. Sau khi Fed quyết định tăng lãi suất vào cuối năm 2015, USD bắt đầu giảm giá trở lại. Trong quý I/2016, USD giảm tổng cộng 17% so với 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới, đổi lại với mức tăng khoảng 16% của giá vàng.
Trong những ngày đầu tháng 4, nhất là sau một loạt bình luận của các quan chức Fed về khả năng Fed sẽ chưa tăng lãi suất trước tháng 6 tới đây, thị trường vàng lại có xu hướng sôi động trở lại, khi USD suy yếu so với yên Nhật và một số đồng tiền chủ chốt khác.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/4, USD giảm 1,3% so với yên Nhật xuống 108,34 JPY, đà giảm này đang đẩy USD giảm gần 10% so với yên Nhật kể từ đầu năm đến nay. Ngày 6/4, lượng vàng nắm giữ của SPDR tăng 0,51% lên 819,6 USD/oz, ghi nhận lần đầu tiên mua vào trong gần 2 tuần qua. Chốt phiên giao dịch ngày 0/4/2016, giá vàng giao tháng 6 trên sàn Comex 13,7 USD lên 1.237,50 USD/oz, tăng 1,5% trong tuần 04-08/4/2016.
End of content
Không có tin nào tiếp theo