Giá xăng dầu càng điều chỉnh càng “lạc nhịp”
Doanh nghiệp lợi dụng tăng giá liên tục
Trong dự thảo về Nghị định kinh doanh xăng dầu được Bộ Công thương xây dựng, hoàn thiện, thay đổi chu kỳ tính giá cơ sở từ 30 ngày lên 15 ngày. Theo ông, việc rút ngắn thời gian như vậy thì tình trạng “lệch pha” giữa giá trong nước, thế giới sẽ chấm dứt?
Tôi cho là không những không chấm dứt tình trạng lệch pha giữa giá trong nước và thế giới như lâu nay, mà còn khiến sự lệch pha này nới rộng hơn.
Theo quan điểm của tôi chu kỳ tính giá cơ sở chỉ nên để 10 ngày, vì giá xăng dầu liên tục thay đổi. Song trong bối cảnh hiện nay, cơ quan quản lý đưa ra phương án tính giá 15 ngày cũng có thể chấp nhận được. Nhưng tính ở thời điểm nào để tránh được sự lệch pha lớn nhất, phù hợp nhất với giá thế giới, thì phải tính toán lại.
Còn với phương án dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu được Bộ Công thương chấp bút, thì “chu kỳ tính giá cơ sở thực hiện theo phương án giá cơ sở được tính bình quân của 15 ngày đầu của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc”. Như thế nếu khoảng cách giữa lần thay đổi giá thứ nhất và thứ 2 là 40 ngày, theo quy định giá sẽ chỉ được tính dựa vào diễn biến giá của 15 ngày đầu chu kỳ, còn lại giá trong 25 ngày tiếp theo sẽ “bỏ tất”.
Quy định như vậy, rõ ràng độ trễ thời gian sẽ càng lớn hơn trước. Khi giá thế giới tăng, trong nước lại giảm và ngược lại. Giá trong nước và thế giới ngược chiều nhau ở chỗ đó.
Còn điểm điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo ba “nấc”: dưới 2%, từ trên 2 – dưới 7% và trên 7%. Trong đó, nếu biên độ dưới 2% doanh nghiệp sẽ được quyền tự quyết định giá. Ông đánh giá ra sao về sự thay đổi này?
So với Nghị định 84 cũ thì biên độ điều chỉnh giá được chia theo 3 “nấc” đã giảm xuống, từ 7% xuống còn 2% trong trường hợp doanh nghiệp tự quyết định điều chỉnh giá. Thế nhưng, tôi cho rằng vẫn duy trì những tỷ lệ trên thì bản chất trong cơ chế điều hành giá không thay đổi. Chiếc vỏ bình được thay mới, nhưng ruột thì vẫn là rượu cũ.
Theo quy định của Luật Giá thì trong trường hợp thị trường cạnh tranh yếu, còn tồn tại độc quyền nhóm thì Nhà nước vẫn phải định giá sàn hoặc trần. Xăng dầu vẫn là mặt hàng độc quyền nhóm, còn doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, thì đáng lý Nhà nước phải sử dụng cơ chế định giá trần.
Trước đây cứ mỗi lần điều chỉnh tăng giá chỉ 500 đồng/lít thì người dân đã kêu rồi. Nay nếu vẫn để cách định giá theo kiểu lưỡng tính, doanh nghiệp sẽ lợi dụng việc tự định giá để tăng giá liên tục. Giá xăng tăng 2%, tức khoảng 400 – 500 đồng/lít là cả vấn đề, phần thiệt vẫn thuộc về người dân.
Giá xăng dầu minh bạch hay chỉ “rối thêm”?
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa chấp thuận đề xuất của Bộ Tài chính, chuyển quyền điều hành giá xăng dầu sang Bộ Công thương. Theo ông, trả quyền điều hành giá bán lẻ xăng dầu cho Bộ Công Thương liệu có thỏa mãn được mong muốn của người dân về một cơ chế quản lý, giám sát để giá xăng dầu minh bạch, không còn chuyện “lệch pha” với giá thế giới?
Đây là đề xuất của Bộ Tài chính và đã được chấp thuận. Hiện nay cải cách thể chế thì cải cách bộ máy hành chính cực kỳ quan trọng. Mỗi bộ, ngành được giao giữ một chức năng quản lý riêng, chuyên sâu để không chồng chéo nhau. Vì thế đưa mặt hàng về một bộ phụ trách tránh chồng chéo trong hoàn cảnh này có thể coi là giải pháp tình thế.
Song có mấy điểm tôi băn khoăn. Trước hết, Bộ Tài chính trước nay vẫn được giao quyền chức năng quản lý giá, nhưng khi có khó khăn, hoặc không “quản” được thì lại muốn “chối”, đùn đẩy sang đơn vị quản lý khác để thoái thác trách nhiệm?
Điều chỉnh tính giá cơ sở xuống còn 15 ngày nhưng khoảng cách lệch pha với giá thế giới lại nới rộng
Thứ 2, chuyển quyền điều hành giá mặt hàng xăng dầu sang Bộ Công thương, trong khi bộ này nắm trong tay hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn, có doanh nghiệp chiếm tới trên 50% thị phần xăng dầu cả nước như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), thì sẽ khó thoát khỏi việc ưu ái cho đơn vị “con” của mình.
Xem ra hy vọng giá xăng dầu minh bạch của người dân khó có thể đạt được, thưa ông?
Trong một gia đình, quyền quản lý những đứa con chung không thuộc bố thì thuộc mẹ, nên bản chất ai quản thì không khác gì nhau. Đối với mặt hàng xăng dầu cũng thế thôi, bộ nào quản cũng thế nhưng cơ chế này đòi hỏi phải công khai minh bạch, đặc biệt với mặt hàng mang tính độc quyền thì càng phải chú ý tới sự minh bạch.
Vì mặt hàng xăng dầu hiện nay vẫn là độc quyền nhóm. Liệu chuyển sang Bộ Công thương quản lý mặt hàng này có hiệu quả hay không, khách quan, và đảm bảo lợi ích hài hòa 3 bên (Nhà nước, doanh nghiệp và người dân) không? Hay mỗi khi doanh nghiệp “than thở” khó khăn, giá thế giới vừa tăng chút, họ muốn tăng là bộ lại “thương”, lại đồng ý ngay?
Chúng ta đã nói nhiều tới việc minh bạch thông tin nhưng quan trọng hiện nay là minh bạch như thế nào, phải cụ thể hóa rõ ràng chứ trong điều kiện kinh doanh xăng dầu của ta hiện nay có nhiều yếu tố rất khó kiểm soát như tiền chi hoa hồng đại lý chẳng hạn, dù anh có công bố thì cũng không thể nào rõ được. Tất cả phải được lượng hóa cụ thể, chi tiết thì người dân mới có lòng tin vào chính sách điều hành của các cơ quan quản lý được.
Trước khi nhận quyền điều hành giá xăng dầu, Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị 11 về minh bạch giá điện, xăng dầu trong thời gian tới. Đây phải chăng là “bước đệm” để cơ quan này “nắn gân” những đơn vị kinh doanh trực thuộc?
Cũng có thể coi đây là động thái tốt mà Bộ Công thương đưa ra trước để “dọn đường” cho việc quản lý sau này của mình đỡ “tiếng” nếu có ưu ái quá cho doanh nghiệp trực thuộc. Nhưng Chỉ thị 11 buộc các doanh nghiệp xăng dầu phải công khai báo cáo tài chính, lương, thưởng của toàn bộ nhân sự… cũng chỉ mang ý nghĩa một phần.
Cái chính, thời gian qua trong quản lý kinh doanh xăng dầu vẫn “cộm” lên chuyện giá cả gây bức xúc trong người dân. Từ thiếu minh bạch, thiếu công khai, thiếu giám sát đến chuyện giá tăng nhanh, giảm nhỏ giọt và ngược chiều với giá thế giới…. Khi về một tay quản lý của Bộ Công thương những “điểm trừ” này có khắc phục được, hay chỉ làm rối thêm?
End of content
Không có tin nào tiếp theo