Góc nhìn

Giá xăng: Không thể cạnh tranh khi vẫn kinh doanh độc quyền

GS TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội phân tích, cạnh tranh sẽ làm giá của thị trường giảm xuống nhưng thực tế xăng dầu không làm được mà duy trì hình thức kinh doanh độc quyền nên bao giờ giá cũng cao.

TS Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) nêu quan điểm về quyết định việc điều hành giá xăng dầu sẽ được chuyển về Bộ Công thương thay vì Bộ Tài chính như trước đây.

Vẫn theo quy định của Chính phủ
 
TS Nguyễn Đức Độ cho biết, Bộ Tài chính hay Bộ Công thương quản lý giá về bản chất chỉ là thay mặt Nhà nước thực hiện Nghị định 84, tất cả vẫn theo quy định quy định của Chính phủ.
 
Về việc, Bộ Công thương trực tiếp điều chỉnh giá trong khi Bộ Công thương quản Petrolimex, Petrolimex chiếm khoảng 50% thị phần, dư luận lo lo ngại các doanh nghiệp ngoài Petrolimex không có cơ hội để tham gia vào thị trường, TS Nguyễn Đức Độ nêu quan điểm, hiện tại tất cả các doanh nghiệp đều có quyền tham gia, vấn đề là Petrolimex quá lớn nên khi các doanh nghiệp khác làm gì đều phải nhìn vào Petrolimex.
 
"Về cơ bản mấu chốt nằm ở chỗ để theo giá thị trường, thị trường phải là thị trường cạnh tranh đồng nghĩa, không thể có doanh nghiệp quá lớn trên thị trường còn nếu vẫn còn doanh nghiệp chiếm thị phần quá lớn thì nhà nước phải can thiệp định giá", TS Nguyễn Đức Độ nói.
 
Theo TS Nguyễn Đức Độ, để khắc phục điều trên là tách Petrolimex ra, nhà nước không cần định giá còn nếu như tình trạng hiện nay nhà nước phải định giá và khi định giá sẽ mang tính chủ quan của Bộ ngành, mỗi bộ có ảnh hưởng nhất định.
 
Song TS Nguyễn Đức Độ cũng thẳng thắn: "Thật sự cuối cùng hai bộ Công thương, Tài chính vẫn thuộc Chính phủ nên theo tôi, bản chất việc tăng giá, điều chỉnh giá xăng dầu không khác nhau nhiều".
 
TS Nguyễn Đức Độ nêu ra một ưu điểm khi Bộ Tài chính không trực tiếp điều hành giá, Bộ Tài chính độc lập hơn trong vấn đề thuế.
 
Giá xăng dầu thời gian tới, theo TS Nguyễn Đức Độ sẽ vẫn phụ thuộc vào giá thế giới, giá thế giới tăng mà trong nước không tăng, ngân sách sẽ phải lấy tiền ra để bù.
 
Cũng theo TS Nguyễn Đức Độ, giá xăng dầu tăng theo và giảm theo thế giới nhưng sẽ có giảm chậm, tăng nhanh xảy ra trong giai đoạn ngắn do quá trình điều hành quỹ bình ổn giá và trong quá trình làm cũng không ngoại trừ trường hợp doanh nghiệp gian lận, muốn che cái nọ, đậy cái kia.
 
Không thể minh bạch
 
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, GS TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội cho biết, Bộ Công thương là đơn vị quản lý nhà nước, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex lại trực thuộc Bộ Công thương thì Nghị định 199 về hạch toán kinh doanh, trích lập quỹ lại sinh ra lợi ích nhóm.
 
"Thật ra, xăng dầu là mặt hành kinh doanh có điều kiện nên quản lý nhà nước, điều tiết của nhà nước là cần thiết nhưng thị trường phải có sự cạnh tranh", GS TS Đặng Đình Đào nói.
 
GS TS Đặng Đình Đào phân tích, cạnh tranh sẽ làm giá của thị trường giảm xuống nhưng thực tế xăng dầu không làm được mà duy trì hình thức kinh doanh độc quyền nên bao giờ giá cũng cao.
 
Việc cạnh tranh cũng buộc các doanh nghiệp phải tối ưu hóa đầu vào, giảm thiểu chi phí, nâng cao chất lượng. "Song điều này chỉ diễn ra ở những doanh nghiệp ngoài quốc doanh dùng tiền do chính họ bỏ ra còn nếu vẫn dùng ngân sách của nhà nước thì không thể thay đổi được", GS TS Đặng Đình Đào nhấn mạnh.
 
Biện pháp đưa ra, theo GS TS Đặng Đình Đào là phải sắp xếp để giảm dần các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả. Cũng theo GS TS Đặng Đình Đào, cạnh tranh sẽ sắp xếp, đào thải những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả trên thị trường.
 
Bình luận về kết quả kinh doanh của Petrolimex lợi nhuận sau thuế là 1.578 tỷ đồng, nếu tính trên tổng nguồn vốn là 59.928 tỷ đồng thì tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn đạt 2,63%, trong khi việc kinh doanh trong năm vừa qua của Petrolimex có 11 lần điều chỉnh giá, với 5 lần tăng, 6 lần giảm nhưng tổng tăng cao hơn, trong bối cảnh Petrolimex muốn tăng giá kêu lỗ, GS TS Đặng Đình Đào cho biết, đã đến lúc phải có sự nghiên cứu khảo sát tỉ mỉ khách quan cách các nước như Malaysia, Singapore, Thái Lan kinh doanh xăng dầu như thế nào. Còn nếu cứ loay hoay mãi thì không thể minh bạch và theo giá thị trường được.
 
"Nếu muốn các nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường thì kinh doanh phải theo nguyên tắc thị trường, lợi nhuận được tạo ra bằng chính doanh thu bù đắp vào chi phí để có lãi chứ không thể bằng con đường gian lận, điều chỉnh giá", GS TS Đặng Đình Đào nói.
 
Cụ thể, quy tắc thị trường là các doanh nghiệp hoạt động có lãi khi bản thân doanh nghiệp có được doanh thu từ bán hàng, từ cung ứng dịch vụ trên thị trường, bù đắp được chi phí trong quá trình kinh doanh chứ không thể, lợi nhuận được tạo ra từ việc tăng giá, cho thuê một số tài sản nhàn rỗi của doanh nghiệp hoặc là từ chụp giật.
 
Ngoài ra, GS TS Đặng Đình Đào cũng cho biết, để tình trạng trên diễn ra, một mặt do các doanh nghiệp làm ăn theo kiểu chụp giật mặt khác là do hệ thống pháp luật lỏng lẻo nên đã bị lợi dụng những kẽ hở.

 

Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo