Phân tích

Giá xăng tăng "khủng" khi gánh 8.000 đồng/lít phí môi trường?

(DNVN) - Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường Bộ Tài chính vừa công bố, dự kiến mặt hàng xăng sẽ phải gánh từ 3.000 - 8.000 đồng thuế bảo vệ môi trường trên mỗi lít.

Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường để lấy ý kiến rộng rãi. Theo Dự thảo, mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu được kiến nghị tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với hiện nay.

Cụ thể, đối với xăng (trừ xăng etanol) mức thuế dự kiến sẽ tăng từ 1.000 - 4.000 đồng/lít lên 3.000 - 8.000 đồng/lít. Riêng xăng E5 và E10 cũng được đề xuất áp mức từ 2.500 - 7.2000 đồng/lít.

Đối với dầu diezel, mức thuế sẽ đánh 3.000-6.000 đồng/lít thay vì 500 - 2.000 đồng như hiện hành. Mỗi kg dầu ma dút cũng có thể sẽ phải chịu thuế tối đa gấp 3 lần hiện nay, tức là tăng 900 - 4.000 đồng, trongg khi đó dầu hỏa sẽ chịu mức thuế từ 300 - 2.000 đồng.

Theo Dự thảo, một loại sản phẩm khác là túi ni lông cũng bị đẩy mức thuế bảo vệ môi trường lên rất cao, từ 30.000 - 50.000 đồng/kg lên mức 40.000 đồng - 80.000 đồng/kg.

Mức thuế được đưa ra trong dự thảo sửa đổi Luật thuế bảo vệ môi trường.

Lý giải cho việc tăng thuế Bộ Tài chính cho biết, qua tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật thuế bảo vệ môi trường cho thấy, thuế bảo vệ môi trường có vai trò định hướng hành vi của chủ thể tiêu dùng, sản xuất và kinh doanh theo hướng giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh các công cụ kinh tế khác, thuế bảo vệ môi trường thúc đẩy các doanh nghiệp ý thức hơn trong việc tìm kiếm các biện pháp nhằm hạn chế tác động bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, quan tâm hơn đến áp dụng các công nghệ sạch, công nghệ sản xuất tiên tiến, nghiên cứu sử dụng nguyên liệu thay thế nguyên liệu hóa thạch để sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, thay thế các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường và kiểm soát ô nhiễm, góp phần sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả...

Bộ Tài chính cũng cho biết, cùng với các chính sách thu hiện hành liên quan đến bảo vệ môi trường (như phí bảo vệ môi trường, phí xăng dầu, thuế TNDN, thuế TTĐB, thuế XNK,..), thuế bảo vệ môi trường đã tạo thêm nguồn thu ổn định cho NSNN, góp một phần chi đầu tư giải quyết các vấn đề môi trường, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho Nhà nước trong việc quản lý và bảo vệ môi trường.

Theo Bộ Tài chính, số thu từ thuế bảo vệ môi trường liên tục tăng ổn định qua các năm từ năm 2012 đến năm 2016 (tổng số thu thuế bảo vệ môi trường năm 2012 là 11.160  tỷ đồng, năm 2013 là 11.512 tỷ đồng, năm 2014 là 11.970 tỷ đồng, năm 2015 là 27.020 tỷ đồng và năm 2016 khoảng 42.393 tỷ đồng ), chiếm tỷ trọng khoảng 1,5% - 4,1% tổng thu ngân sách nhà nước và chiếm tỷ trọng khoảng 0,3% - 0,9% trên GDP hàng năm; trong đó, số thu thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng dầu, than đá chiếm chủ yếu (khoảng 99%) tổng số thu thuế bảo vệ môi trường qua các năm, góp phần chuyển dịch cơ cấu thu NSNN theo hướng bền vững, tăng tỷ trọng thu nội địa từ 59% (giai đoạn 2006-2010) lên 68% (giai đoạn 2011-2015), đến năm 2015 chiếm 74% tổng thu NSNN theo đúng định hướng Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020 là tăng dần tỷ trọng nguồn thu trong nước để bù đắp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu giảm do hội nhập quốc tế.

Đáng chú ý, số thu thuế bảo vệ môi trường từ năm 2015 tăng lên đáng kể so với số thu năm 2014 (đưa tỷ lệ thu thuế bảo vệ môi trường/tổng thu nội địa chiếm 3,65%) là do từ tháng 5/2015 thực hiện điều chỉnh tăng thuế suất đối với xăng dầu tại Nghị quyết số 888a/2015/UBTVQH13. Như vậy, số thu từ thuế bảo vệ môi trường tăng liên tục qua các năm đã góp phần ổn định nguồn thu thuế nội địa trong giai đoạn thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, góp phần bù đắp một phần giảm thu NSNN do cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế.

 

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo