Doanh nhân

Giám đốc doanh nghiệp lận đận tìm việc

Từng đứng đầu các doanh nghiệp hoặc giữ chức trưởng phòng, nhiều người đang gặp khó khăn khi tìm kiếm công việc mới.

Anh Dương (43 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) từng làm giám đốc một công ty xây dựng. Cuối năm 2012, bất động sản khủng hoảng, kinh doanh thua lỗ, anh làm thủ tục giải thể doanh nghiệp. Ba thành viên góp vốn, từng giữ chức giám đốc và phó giám đốc công ty theo nhau nộp hồ sơ xin việc mới.

Giữa lúc kinh tế còn khó khăn, nhờ có mối quen biết nên anh Dương tính xin vào làm ở một công ty cổ phần. Được một thời gian, doanh nghiệp cơ cấu lại nhân sự và anh buộc phải xuống làm nhân viên với mức lương 4 triệu đồng. Trước Tết Nguyên đán, công ty nợ lượng mấy tháng liền nên anh quyết định nghỉ việc và đi nộp hồ sơ nhưng đến nay vẫn ngồi chờ đợi. 

Nhiều người từng làm lãnh đạo doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn trong tìm việc. Ảnh: Bạch Hường

Anh Minh (Gia Lâm) được thuê làm phó giám đốc công ty tư vấn tài chính quy mô nhỏ từ năm 2004. Hơn một năm qua, công ty thua lỗ và không thể gượng được nữa nên chủ doanh nghiệp làm thủ tục giải thể. Anh trở thành người thất nghiệp. Hơn 3 tháng nay, anh nộp hồ sơ khắp nơi nhưng chưa tìm được công việc mới.

"Những vị trí mình ứng tuyển chủ yếu từ quản lý cấp phòng, số lượng ứng viên rất đông. Doanh nghiệp cũng đòi hỏi nhiều kỹ năng nên đi phỏng vấn khoảng 10 nơi nhưng vẫn về tay không", anh Minh cho hay.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh  - Giám đốc điều hành Công ty Tuyển dụng Nhân sự cấp cao Navigos Search cho biết một số lãnh đạo hoặc nhân sự cao cấp của các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ sau khi phá sản phải đi tìm việc khác và nhưng không dễ tìm được vị trí phù hợp. 

Nguyên nhân của tình trạng này là kinh tế khó khăn nên các cơ hội việc làm tốt không phải là nhiều. Doanh nghiệp cũng kỹ tính hơn trong tuyển dụng, đặc biệt đối với những vị trí quản lí.

"Dễ nhất là họ có thể tìm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc tư nhân khác. Tuy nhiên, các đơn vị này cũng có những khó khăn nhất định. Vào làm cho doanh nghiệp nhà nước cũng không dễ, còn xin tuyển vào khối FDI thì buộc phải đáp ứng được rất nhiều yêu cầu khác", bà Vân Anh cho hay. 

Không phải là lãnh đạo doanh nghiệp nhưng anh Lượng (Hai Bà Trưng) cũng có tới 6 năm giữ các vị trí trưởng phòng kinh doanh của một số chi nhánh hoặc doanh nghiệp lớn. Năm 2012, công ty đóng cửa một số đơn vị và muốn chuyển anh xuống làm nhân viên ở chi nhánh khác với mức lương bằng ba phần tư. Không đồng ý anh xin nghỉ ở nhà để tìm công việc mới. 

Sau đó, anh nộp hồ sơ xin việc nhiều nơi nhưng được một thời gian lại nghỉ. "Lương thấp không đủ nuôi chính bản thân là lý do tôi xin nghỉ. Từ đó đến nay tôi đang nộp đơn xin việc lại nhưng đến giờ vẫn chưa được. Thời gian tới, tôi tính mở mặt hàng gì đó để kinh doanh nếu không có tiến triển. Tuy nhiên, kinh doanh gì vào lúc này cũng không dễ dàng", anh Lượng chia sẻ.

Theo bà Vân Anh kỳ vọng vào mức lương cao, so sánh với thu nhập trong quá khứ là một trong những lý do khiến các ứng viên này khó tìm được công việc mới. Trong khi, đang ở giai đoạn khó khăn nên các doanh nghiệp đều cân nhắc rất kỹ về các khoản chi phí.

Chuyên gia này cho biết, nhà tuyển dụng thường e ngại với những ứng viên như vậy.  "Họ từng là lãnh đạo nên liệu có sẵn sàng thích nghi với một công việc, một môi trường mới khi ở đó họ không phải là người đưa ra quyết định cuối cùng. Thay đổi vị thế từ một doanh nhân sang một người làm thuê, không phải ai cũng làm được", lãnh đạo Navigos nhận định. 

Một lý do nữa, theo bà Vân Anh đó là tuổi tác. Đa số những doanh nhân này không còn trẻ và có thể đã qua thời kỳ đỉnh cao. "Đây cũng là một e ngại của các nhà tuyển dụng. Những người này có kinh nghiệm, có trải nghiệm, đặc biệt họ biết vì sao họ thành công cũng như thất bại. Điều này rất quý. Tuy nhiên, liệu họ còn nhiệt huyết, đam mê hay không?", chuyên gia này nhận định. 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo