Giảm giá sữa: Khó!
Để đảm bảo lợi nhuận của mình, doanh nghiệp có cách đưa ra cấu trúc giá mới để nếu bị siết theo quy định thì mức giá mới không thấp hơn giá cũ bao nhiêu.
Nghị định 100/2014 quy định cấm doanh nghiệp (DN) quảng cáo khuyến mãi sữa dành cho trẻ dưới hai tuổi với mọi hình thức. Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu từ ngày 15-4 các DN phải đăng ký lại giá sữa dành cho trẻ dưới hai tuổi sau khi loại chi phí quảng cáo ra khỏi cơ cấu giá. Tuy nhiên, đến hôm nay thị trường chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá sữa cho trẻ dưới hai tuổi sẽ giảm, các cửa hàng cũng chưa nhận thông tin nào liên quan đến việc giảm giá từ các DN. Ngược lại, một số DN còn bất ngờ thông báo tăng giá.
Lách để tăng giá hợp pháp?
Trước đây thị trường có các sản phẩm sữa dành cho trẻ 1-3 tuổi, 3-6 tuổi… nên vừa qua các DN phải sắp xếp lại sản phẩm theo độ tuổi cho đúng quy định.
Anh Nguyễn Văn Lương, chủ cửa hàng sữa (quận Tân Bình), cho biết Cô gái Hà Lan tung ra một số sản phẩm Gold mới, nhân viên cho biết các sản phẩm mới này sẽ dần thay thế dòng Dutch Lady Gold 123 (cho trẻ 1-3 tuổi), Dutch Lady Gold 456 (cho trẻ từ ba tuổi trở lên) và các dòng Dutch Lady Khám phá… Theo đó giá Dutch Lady 456 Gold (cho trẻ từ ba tuổi trở lên) 227.000 đồng/900 g, Dutch Lady sản phẩm mới Dutch Lady Sáng tạo Gold (4-6 tuổi) giá 277.000 đồng/900g…
Một số cửa hàng khác chỉ ra sau khi sắp xếp lại các dòng cho phù hợp với lứa tuổi, sữa Enfagrow không thay đổi giá. Chỉ có dòng Enfagrow A+4 dành cho trẻ từ ba tuổi trở lên giá 650.000 đồng/1,5 kg, khi ra sản phẩm mới Enfagrow A+4 dành cho trẻ từ hai tuổi trở lên giá 685.000 đồng/1,5 kg…
Các cửa hàng đều cho biết trước khi có nghị định cấm quảng cáo sữa cho trẻ dưới hai tuổi và trước khi thực hiện áp giá trần thì khi nào DN sữa ra sản phẩm mới, giá đều cao hơn sản phẩm cũ. Trong các sản phẩm mới, thường tỉ lệ các dưỡng chất DHA, ARA, canxi calcium, vitamin D3… trên mỗi 100 g sẽ cao hơn trong sản phẩm cũ (hoặc có bổ sung thêm các chất mới).
Chuyên gia thương hiệu Phạm Việt Anh phân tích mục đích kinh doanh của DN là tìm kiếm lợi nhuận. Việc DN lách (nhưng không vi phạm luật) bằng cách tung ra sản phẩm mới có giá cao hơn sản phẩm cũ là điều hợp pháp. Không riêng gì sữa mà các ngành hàng khác đều được DN lách để gia tăng lợi nhuận. Chẳng hạn một chiếc xe đời mới khác nhau con tem cũng là mới nên giá cao hơn…
Còn theo chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến, để̉ đảm bảo lợi nhuận của mình, DN có cách để đưa ra cấu trúc giá mới để kể cả siết theo quy định thì mức giá mới không thấp hơn giá cũ bao nhiêu.
Khó đòi giảm giá sữa
Ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, phân tích không dễ để xác minh là DN có hưởng lợi nhuận cho dù chi phí quảng cáo không được tính vào giá thành sữa. Theo cung-cầu thị trường, quảng cáo sẽ tạo sự chú ý của người tiêu dùng (NTD) nhiều hơn nhằm tăng sức cầu và theo đó nguồn cung sẽ được chuẩn bị với số lượng lớn hơn để đáp ứng nhu cầu tăng thêm nhờ quảng cáo. Kết quả là doanh thu sẽ tăng lên và khi trừ đi chi phí quảng cáo rồi DN vẫn bảo đảm lợi nhuận khá hơn so với không quảng cáo. Nay quảng cáo không được phép nữa, sức cầu sẽ giảm kéo theo doanh thu cũng giảm tương ứng. Để bảo đảm mức lợi nhuận như cũ, giá bán của DN khó có thể điều chỉnh giảm xuống. DN có thể dùng nguồn lực quảng cáo này để đầu tư vào các hoạt động sinh lợi nhuận khác tùy theo các cơ hội kinh doanh tiềm năng mà họ có thể tìm thấy. Và điều đó vẫn thường xảy ra trong thế giới kinh doanh ở mọi nơi trên thế giới.
Cùng nhận định trên, ông Chiến cho rằng với cách làm theo kiểu ra văn bản yêu cầu DN giải trình… thì DN cũng có cách phân bổ để đưa ra giá khác nhau. Vì thực tế khi DN thực hiện quảng cáo, sản lượng hàng hóa bán ra thị trường tăng, khi cấm quảng cáo sản lượng bán ra giảm hẳn. Phần chi phí đó được DN dùng các giải pháp khác để bán được hàng nhằm gia tăng lợi nhuận. Do đó quy định mang tính hành chính sẽ không giải quyết được vấn đề. Bản chất giá sản phẩm chi phối cung-cầu. Về lâu dài khi DN điều chỉnh cấu trúc sản phẩm, giá cũng đi về theo giá thị trường cung-cầu. Nhà nước cần quản lý bằng những cơ chế chính sách đảm bảo được sự cạnh tranh công bằng.
Một số chuyên gia khác cho rằng Nhà nước đừng can thiệp quá sâu vào nội bộ bên trong DN, cần điều tiết để hạn chế phần nào đó sự tăng giá bất hợp lý.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng nhận định, nên để thị trường cạnh tranh tự do, nếu bóc tách từng sản phẩm thì sẽ khó quản lý vì DN sẽ tìm cách lách hợp lý. Vẫn biết một số chính sách nhà nước tạo ra nhằm đảm bảo có lợi cho số đông NTD nhưng điều đó phải phù hợp với lợi ích của DN.
DN đã tính mức lợi nhuận cần thiết cho mình
Khi DN cho ra dòng sản phẩm cho trẻ 1-2 tuổi để phù hợp với quy định thì trước đó DN đã thực hiện việc thăm dò thị trường về một mức giá phù hợp mà vẫn có được mức lợi nhuận cần thiết. Trường hợp tất cả DN sữa đều ngầm thỏa thuận cùng tăng giá, Nhà nước phải can thiệp sớm dựa trên việc xác định giá thành sản phẩm và mức lợi nhuận hợp lý của công ty thống lĩnh thị trường để bảo vệ NTD.Ông TRẦN QUANG THẮNG, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCMĐại diện Siêu thị Lotte Mart cho biết đã nhận được thông báo đề nghị của nhà cung cấp Nam Dương là từ ngày 25-4 thay đổi giá sữa I Am Mother Kid, Mom và Majesty XO Care. Theo đó giá bán mới đối với sản phẩm I Am Mother Kid (cho trẻ 2-15 tuổi) là 328.000 đồng/hộp 400 g (giá cũ 290.000 đồng), 635.000 đồng/hộp 800 g (giá cũ 527.000 đồng). Công ty 3A cũng gửi thông báo đề nghị thay đổi giá vào ngày 16-4 cho sản phẩm Similac IQ 3 (cho trẻ 1-3 tuổi). Nguyên nhân tăng giá có phải là do thay đổi mẫu mã mới? “Hiện tại chưa có thay đổi về bao bì sản phẩm, tuy nhiên có thông tin cho biết sẽ thay đổi bao bì, nhãn mác trong thời gian sắp tới” - đại diện Lotte Mart nói thêm.Một DN ngành sữa cho biết 15% là sự sụt giảm sản lượng sữa ra thị trường của các DN từ khi áp giá trần sữa đến nay. Tồn kho lên đến vài chục triệu USD và mất hàng trăm tỉ đồng để tiêu hủy sữa.
Theo Pháp luật TPHCM
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo