Góc nhìn

Gian lận hàng đóng gói có thể bị phạt tiền tỷ

“Ngoài chuyện định lượng không đảm bảo như tuyên bố, khi lượng hàng hóa nhiều mà sai số trung bình vượt quá lượng trung bình cho phép thì lúc đó sẽ theo giá trị thu lời để phạt. Ví dụ thu lời đến 10 triệu thì bị phạt 5-10 triệu, nếu thu lời đến trên 200 triệu thì bị phạt 1-2 lần số lời, nhưng đến 500 triệu thì bị phạt gấp 5 lần số lời đó. Càng lợi bao nhiêu thì càng bị phạt nặng bấy nhiêu” – ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ.

Ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ.

PV: Ông đánh giá thế nào trước con số 50% sản phẩm đóng gói trên thị trường hiện nay không đảm bảo về khối lượng ghi trên bao bì theo công bố thống kê gần đây của Tổng cục đo lường chất lượng Việt Nam?

Ông Trần Minh Dũng: Thực ra mỗi cách thống kê có con số khác nhau. Năm 2009 Bộ Khoa học Công nghệ cũng có tổ chức thanh tra diện rộng trên phạm vi toàn quốc về hàng đóng gói sẵn, thì kết quả có 30% hàng đóng gói không đủ định lượng. Và hiện nay con số vi phạm cũng khoảng 30%.

Trước hết chúng ta phải nói rằng khi nền văn minh thương mại phát triển thì hàng đóng gói sẵn theo định lượng cũng phát triển theo để đảm bảo phục vụ nhu cầu và sự tiện lợi của người tiêu dùng. Nó có thuận lợi ở chỗ người tiêu dùng có thể mua bao nhiêu cũng được, hàng được đóng gói sẵn rồi. Tuy nhiên có vấn đề thiệt thòi cho người tiêu dùng là họ không giám sát được sự cân đong giữa người mua và người bán.

Ví dụ chúng ta ra chợ mua cam, thấy cân đủ hay cân thiếu, có thể nói ngay với người bán là "cân tươi lên", nhưng với hàng đóng gói, ví dụ 1 gói đường ghi là 1kg, gói mì chính ghi là 500 gram, đơn giản là gói mì tôm ghi là 750 gram, biết là thế nhưng chúng ta đâu có về cân lại là bao nhiêu.

PV: Theo ông, nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này? Liệu có phải do quy định về hàng thực phẩm đóng gói chưa cụ thể nên doanh nghiệp, các nhà sản xuất lợi dụng sơ hở để lách luật, trục lợi?

Ông Trần Minh Dũng: Thực ra không phải không cụ thể, quy định về kỹ thuật rất chặt chẽ. Ví dụ trong một lô hàng sẽ lấy xác suất 100 sản phẩm hay 50 sản phẩm, tính cân đủ trong số sản phẩm đấy, và loại cân dùng để cân cũng phải tính sai số, cân bao xi măng 50kg thì sai số bao nhiêu, cân 1kg đường dưới 1kg sai số bao nhiêu, mang cân đó kiểm tra hàng hóa đó, thống kê lại bao nhiêu, sau đó tính giá trị trung bình ra. Gọi là danh định, sau đó so sánh mức cho phép, hoặc là nếu chỉ có 1,2 sản phẩm vượt mức cho phép là tối đa thì lô hàng đó bị xử lý luôn.

Chẳng qua là lượng hàng đóng gói sẵn phát triển rất mạnh. Người ta quan tâm đến lĩnh vực này hay lĩnh vực khác trong quá trình thanh kiểm tra thôi. Tôi cho rằng giai đoạn từ 2009 Nghị định 54 chưa đủ răn đe, người ta nghĩ rằng thôi cứ vi phạm, có bắt thì mức phạt cũng thấp. Cao nhất chỉ phạt 7 triệu trong sản xuất, trong kinh doanh chỉ bị phạt 2 triệu.

Mặc dù có mức phạt bổ sung hoặc khắc phục hậu quả là buộc phải đóng gói lại mới được lưu thông. Nhưng khi mở ra đóng lại thì sẽ rất tốn kém, không phải đơn giản.

PV: Vậy theo ông, chế tài nào để xử lý nghiêm khắc tình trạng gian lận này?

Ông Trần Minh Dũng: Thực sự khi nền văn minh thương mại càng phát triển thì đòi hỏi sự giám sát của Nhà nước ngày càng chặt chẽ. Vì Nhà nước có tạo điều kiện cho phát triển văn minh thương mại, thì phải thay mặt người tiêu dùng giám sát cơ sở sản xuất kinh doanh để sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng được đảm bảo định lượng.

Đó là một trong những nội dung quy định chặt chẽ của Luật đo lường. Trong Nghị định 80 của Chính phủ ban hành vào ngày 19/7 vừa qua cũng có điều khoản tăng nặng rất nhiều để xử lý các hành vi định lượng không đảm bảo tiêu chuẩn, không đảm bảo như tuyên bố. Tôi cho rằng đó là những quy định khá chặt chẽ để cơ quan Nhà nước đủ cơ sở pháp lý để quản lý.

Trong đo lường, muốn xác định sai số trung bình cho phép, phải lấy lượng hàng hóa đủ để cân để tính lượng trung bình, cộng với công thức so phép, số K…sau đó mới tính ra sai số của trung bình đấy. Nếu sai số trung bình vượt quá lượng trung bình cho phép thì bị xử phạt.

Mức độ xử phạt rất nghiêm khắc: Đó là sẽ đánh vào lợi nhuận, theo giá trị thu lời bất chính do hành vi gian lận đó mà có. Nói đơn giản thôi, một người tiêu dùng có thể mất 0,01 hoặc 1gram đường thì không là vấn đề gì, nhưng khi cả hàng nghìn, hàng triệu người tiêu dùng mua sản phẩm đó,  1.000 người đã được 1kg, hàng triệu người thì lên tới hàng tấn, tạ…rõ ràng nhà sản xuất thu lời rất nhiều.

Ngoài chuyện ghi không đúng, khi lượng hàng hóa nhiều, tính lượng trung bình, vượt quá cho phép, thì lúc đó theo giá trị thu lời đấy để phạt. Ví dụ thu lời đến 10 triệu thì bị phạt 5-10 triệu, nếu thu lời đến trên 200 triệu thì bị phạt 1-2 lần số lời,  nhưng đến 500 triệu thì bị phạt gấp 5 lần số lời đó. Càng lợi bao nhiêu thì càng bị phạt nặng bấy nhiêu.

Trong quá trình những văn bản hướng dẫn quản lý của Bộ KH&CN (thông qua Tổng cục). Văn bản hướng dẫn của Tổng cục cũng sẽ được cụ thể hơn vào năm 2014. Hiện nay Tổng cục đang giúp Bộ triển khai Thông tư hướng dẫn cụ thể hơn việc quản lý trong lĩnh vực hàng đóng gói sẵn, với những điều khoản cụ thể hơn của Nghị định và của Luật Đo lường.

Trân trọng cảm ơn ông!

 

Nghị định 80 quy định hành vi chi tiết hơn, chẻ nhỏ ra, đối tượng vi phạm, chủ thể hành vi vi phạm là ai để xử lý. Tổ chức thì chịu trách nhiệm lớn hơn về hành chính, bị phạt gấp đôi, còn cá nhânbị một nửa. Hay với đối tượng sản xuất, nhập khẩu là người cung cấp hàng hóa, thì phải chịu mức xử phạt đối với hành vi sản xuất và cung cấp, mức phạt lớn hơn. Còn hành vi buôn bán, ví dụ như siêu thị tuy chỉ mua lại, không chủ động đóng gói nhưng cũng phải quy trách nhiệm. Nghị định mới quét tất cả, đối tượng nào cũng bị xử lý, đúng theo quy mô và tính chất vi phạm, đảm bảo sao cho tính răn đe, cũng như tính giáo dục rất cao trong việc xử phạt này. 


 

Thảo Nguyên (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo