Giáo sư người Việt tại Hàn Quốc bàn chuyện Hà Nội chặt hạ cây xanh
Những ngày qua, sự việc đốn chặt cây xanh ở Hà Nội được người dân hết sức quan tâm. Là một Việt kiều đang sinh sống tại Hàn Quốc, Giáo sư Trần Hải Linh, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc cũng rất quan tâm đến vấn đề này. GS Trần Hải Linh cho biết, ông sinh sống ở Hàn Quốc khoảng 10 năm, nhưng ông chưa từng nhìn thấy hiện tượng chặt cây ồ ạt như ở Hà Nội vừa qua.
Ở Hàn, cây không phù hợp có chặt không?
GS Trần Hải Linh cho biết, Hàn Quốc khá coi trọng đến hệ thống các cây xanh, không những ở trong đô thị mà ở các khu nông thôn. Nếu nói trong các khu đô thị thì ngoài các cây xanh ở ngoài các tuyến đường, thường mỗi khu chung cư hay khu dân cư ở đều có một khu công viên nhỏ có cây xanh, các loại hoa và giữa là khu vui chơi, tập thể dục để người dân có thể hưởng được một không khí trong lành.
Ở Hàn Quốc, việc bảo vệ cây xanh đô thị được chính quyền và nhân dân hết sức coi trọng, các cây đã được trồng thường được kiểm tra và duy tu theo từng mùa, thường là vào đầu mùa xuân, trước mùa đông. Người nào tự ý chặt cây hay vi phạm quy chế bảo vệ không gian cây xanh tại các khu vực công cộng sẽ bị xử phạt tùy theo các mức độ tương ứng.
Các loại cây xanh được trồng ở Hàn cũng khá hợp lý, ví dụ như cây hoa anh đào đến mùa xuân sẽ nở rất đẹp, sau mùa xuân hoa rụng thì cây sẽ mọc lên các lá xanh và duy trì như vậy cho đến rụng lá khi mùa đông giá lạnh đến.
“Đối với các cây xanh đang khỏe mạnh nhưng không phù hợp với cảnh quan hiện tại hoặc vì lý do xây dựng cơ sở hạ tầng, họ có xe và thiết bị chuyên dụng đến bưng cả gốc lẫn rễ, di chuyển trồng lại ở khu vực khác thích hợp hơn”- GS Linh nói.
Theo GS Linh, đã có nhiều nước trên thế giới cũng có những cách làm như vậy để bảo toàn cây xanh mà không mất nhiều thời gian để cây phát triển lại từ đầu. Về cơ bản, ở Hàn họ đã cố gắng làm sao để duy trì tốt và phát triển các “không gian xanh” trên các khu vực.
Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng giao cho các trường đại học có những nghiên cứu chương trình cấp quốc gia để giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường và từ đó tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Ví dụ, chương trình nghiên cứu cấp quốc gia được tiến hành trong 10 năm liên tục do Chính phủ Hàn giao cho trường Đại học Inha là sử dụng vi tảo (thực vật nổi) hấp thụ khí thải CO2 từ các nhà máy nhiệt điện hoặc từ không khí để sử dụng trong quá trình quang tự dưỡng của chúng và tế bào vi tảo sẽ sản sinh ra nhiều sản phẩm sinh học có giá trị như dầu sinh học (biodiesel), bioethanol để sử dụng như năng lượng tái tạo, hoặc tạo ra các chất có hoạt tính sinh học như chất chống ô xy hóa, chống ung thư, kháng viêm, dược phẩm, mỹ phẩm…
“Lá phổi xanh” Hà Nội đang bị quá tải lượng khí CO2
GS Linh cho rằng, việc duy trì bảo trì cây xanh, chặt các cây mục ruỗng, chặt các cây to lớn mà có bộ rễ nông, khó bám tốt vào đất để đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản khác trước mùa mưa bão là điều nên làm, nhưng điều đó không có nghĩa là chặt toàn bộ các cây đang khỏe mạnh cùng trên một tuyến đường hay trên nhiều tuyến đường khác nhau. Còn nếu lý do là chặt cây để mở đường, xây dựng cơ sở hạ tầng thì chắc cũng đã phải có bản quy hoạch theo sự phát triển của thành phố, những chỗ nào sẽ phải chặt và những chỗ nào có thể giữ.
GS Linh cũng đặt câu hỏi rằng tất cả các cây đã bị chặt này đều mục rỗng, gây mất cảnh quan hay đều nằm trong quy hoạch mở đường, xây dựng cơ sở hạ tầng của thành phố?
Theo GS Trần Hải Linh, tuy chưa có một số liệu thống kê đầy đủ nhưng theo số liệu ước tính thì tính trung bình lượng khí thải CO2 (khí gây hiệu ứng nhà kính) phát thải vào môi trường của Việt Nam khoảng 200 triệu tấn/năm(1) và theo số liệu của Trung tâm cơ sở thống kê -Tổng cục thống kê Việt Nam thì Hà Nội có tổng diện tích là 3324,3 km2, chiếm 1% tổng diện tích của cả nước(2), do vậy ước lượng trung bình phát thải khí CO2 của Hà Nội vào không khí khoảng 2 triệu tấn/năm.
Theo số liệu bài báo của nhóm tác giả quốc tế trên tạp chí Dữ liệu Khoa học hệ thống Trái đất (số 5, trang 1107-1157, xuất bản năm 2012) thống kê dữ liệu từ năm 2002 – 2011 thì khoảng 28% lượng khí thải CO2 đã được hấp thu thông qua thực vật (cây xanh, thực vật lớn, thực vật nổi, vi tảo)(3). Nghĩa là cần “thực vật” để hấp thụ cho khoảng 560.000 tấn lượng khí phát thải CO2 của Hà Nội. Và theo một nghiên cứu của trường Nông nghiệp và Khoa học sự sống, Đại học NC State của Mỹ thì 1 cây xanh hoàn toàn khỏe mạnh có thể hấp thụ tối đa khoảng 25kg khí CO2 trong 1 năm(4), như vậy nhân lên với tổng số lượng cây xanh trong nội thành Hà Nội là khoảng 30.000 cây thì nếu cho tất cả cây đều khỏe mạnh thì tổng lượng hấp thụ tối đa khí CO2 của cây xanh nội thành Hà Nội chỉ vào khoảng 750 tấn.
“Dù trên đây đều là các con số ước lượng và có thể chưa chính xác hoàn toàn nhưng phải nói là chúng ta đang cần, rất cần thêm nhiều và nhiều cây xanh, nhiều thực vật “xanh” hơn nữa để hấp thu khí CO2, làm sạch không khí và cung cấp khí oxy cho người dân chúng ta”- GS Linh nói.
Cây vàng tâm có chịu được thời tiết của Hà Nội?
Theo GS Linh, không chỉ người Việt Nam mà nhiều người nước ngoài khi nhớ đến Hà Nội không chỉ bởi những nét ẩm thực Hà Nội, không chỉ là những gánh hoa bán dạo trên đường mà còn là những “mùa” cây xanh trên từng con phố. Cứ tới tháng ba hàng năm, khi hoa đào đã phai màu thì Hà Nội lại được đón một loài hoa đặc trưng khác, đó là hoa sưa. Những bông sưa trắng muốt, kết thành chùm xao động trên cây.
Cây sưa có nhiều nhất trên phố Phan Đình Phùng, đầu phố Hoàng Hoa Thám, quanh hồ Hoàn Kiếm,Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh và những phố cũ khác. Góc phố già dường như trẻ lại, và lúc đó Hà Nội lại khoác lên mình chiếc áo mới, tinh khiết mà lung linh. Hoặc những hàng cây sấu già lặng lẽ đứng bên đường lại gợi về một Hà Nội rêu phong, cũ kỹ, một Hà Nội phồn hoa nhưng vẫn giữ được những điều giản đơn và thân thuộc nhất.
“Nếu ai đã từng ghé qua phố Trần Phú, Phan Đình Phùng chắc cũng khó có thể quên được. Không thể không kể đến hương hoa sữa ngọt ngào vào mùa thu Hà Nội và cây bàng lá đỏ như thắp lên ngọn lửa giữa trời đông Hà Nội. Những hàng cây chính là nguồn cảm xúc của bao bài ca tiếng hát khi nói về Hà Nội thân thương và quen thuộc. Và không quá khi nói đó chính là một nét văn hóa đặc trưng hay là “di sản” của thủ đô. Tôi hy vọng rằng, mỗi lần chúng tôi quay trở về quê hương không chỉ nhìn thấy Hà Nội đang phát triển từng ngày, mà còn là được nhìn lại những điều hết sức giản đơn và quen thuộc ấy”- GS Linh chia sẻ.
Theo GS Linh, nếu TP Hà Nội có kế hoạch thay thế những cây không theo “đúng chủng loại phát triển đô thị” thì cần phải tính toán chi tiết hơn, phải chọn loại cây nào phù hợp hơn với môi trường, cảnh quan Hà Nội. “Tôi có biết thông tin là dự kiến sẽ thay thế bằng cây vàng tâm. Theo hiểu biết của tôi, dù cây này có giá trị cao, nhưng lại là loại ưa nhiệt trung bình chỉ khoảng dưới 30 độ C, và loại này thích ứng với độ ẩm cao, nhưng không được ngập úng. Vậy với khí hậu Hà Nội mùa hè thường trên 30 độ C, ngập úng hay xảy ra trên địa bàn thành phố khi mùa mưa đến, do vậy cần phải chọn lựa cây thật kỹ càng và cần có sự tham khảo từ các khoa học. Mặt khác phải thay từ từ, xen kẽ có hệ thống để cây đủ lớn sẽ chuyển vào cây cần thay thế, cây cần thay thế sẽ được bứng chuyển đến một nơi khác phù hợp hơn. Như vậy lượng cây xanh của Hà Nội sẽ không mất đi, mà chỉ tăng thêm lên, giúp cho “buồng phổi xanh” của thành phố ngày một tốt hơn, và lúc đó tôi tin rằng người dân sẽ hoàn toàn ủng hộ thành phố. Tôi hy vọng các cơ quan chức năng của TP Hà Nội có liên quan cần có sự trả lời rõ ràng hơn cho người dân, cho báo chí và các phương tiện truyền thông để từ đó đưa thông tin rõ ràng đến từng người dân, dám nhận trách nhiệm, dám sửa những điều chưa đúng và thực hiện điều mình sẽ làm được tốt hơn nữa, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, thì người dân sẽ càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của chính quyền thành phố” – GS Linh nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo