Doanh nhân

Giới trẻ đua nhau kinh doanh đồ đặc sản Tết trên mạng

Với sự am hiểu sản phẩm quê hương, cùng với niềm yêu thích kinh doanh, nhiều bạn trẻ năm nay đã hào hứng kinh doanh đặc sản online trong dịp Tết.

Facebook là kênh bán hàng chủ yếu của người trẻ dịp Tết này. Họ lập fanpage riêng, tạo các sự kiện bán hàng nổi bật hoặc đánh dấu tên bạn bè vào phần rao bán của mình nhằm gây chú ý.

Sản phẩm rao bán là đặc sản của quê hương nên rất đa dạng: nem chua Thanh Hóa, rượu cần Hòa Bình, bánh đậu xanh và thịt bò khô Hải Dương, hương trầm Nghệ An, rượu Kim Sơn (Ninh Bình)…

Đặc sản chè Tân Cương được bạn trẻ chào bán trên mạng dịp Tết.

Bùi Mai (trường ĐH Điện lực Hà Nội) đã bắt đầu bán rượu quê Kim Sơn được một thời gian, và khi thấy thị trường Tết sôi động nên đã nhập từ quê lên với số lượng lớn hơn 200 – 300 lít.

Mai chia sẻ: “Vì nhà nấu nên mình muốn giúp mọi người có rượu sạch, đảm bảo sức khỏe. Giờ Mai thấy rượu giả, kém chất lượng, đặc biệt pha chế nhiều chất độc hại. Chứ mình chuyển đồ từ quê lên, phí vận chuyển dịp Tết khá cao nên lãi không nhiều”.

“Tuy nhiên bù lại là niềm vui khi mình mang lại lợi ích cho mọi người, đồng thời giúp cho gia đình ở nhà có thêm công việc, bản thân cũng kiếm được một khoản riêng”, Mai nói.

Bạn cũng vài lần bị lừa khi khách đặt hàng với số lượng lớn nhưng lại không gọi được khi mang đến theo địa chỉ họ đã cho. Bởi vậy, qua vài lần, Mai phải yêu cầu gặp mặt hoặc đặt tiền cọc trước khi giao hàng.

Bạn bày tỏ: “Có lần mình đã dở khóc, dở cười khi đem rượu đến nhà khách thì chỉ gặp vợ ở nhà, do không biết nên không nhận hàng. Mình phải giải thích và gọi điện cho người chồng. Sau khi ông ấy về, hai vợ chồng không thống nhất nên lại phải ngồi mất cả 1 giờ đồng hồ để tư vấn”.

Còn Trịnh Mạnh Hùng (cựu SV trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết: “Thời điểm cuối năm, mọi người nhộn nhịp các vụ liên hoan, tất niên, quà tặng cho người thân nên nhu cầu món nhậu như nem cũng tăng.

Đặc biệt, mâm cỗ ngày Tết tiếp khách cũng rất ưa chuộng sản phẩm nem chua Thanh Hóa đã nổi tiếng từ lâu. Bên cạnh đó, mình muốn nâng tầm hình ảnh quê nhà trong mắt người dân khắp nơi”.

Cũng như Mai, Hùng đã lập một fanpage riêng để tiện việc quảng bá sản phẩm của mình, đăng những hình ảnh “bắt mắt”, hấp dẫn về nem chua. Hiện nay Hùng cung cấp 2 loại chính: nem truyền thống quen thuộc của tỉnh và nem lá ổi để nướng (đặc sản của riêng huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa).

Giá cả phụ thuộc vào số lượng đặt hàng, thời gian giao hàng và thời điểm, dao động ở mức 3.000 – 3.500 đồng/chiếc. Chỉ trong một thời gian ngắn trước Tết, Hùng đã bán được vài trăm nem lá ổi và hàng nghìn chiếc nem chua truyền thống. Loại nem này được đặt làm tại cơ sở sản xuất quen biết và uy tín.

“Mình nghĩ kể cả khi mở quán, marketing online vẫn là một phần quan trọng của công việc kinh doanh này. Đây là thời buổi hội nhập, nên thương hiệu chính là chìa khóa để đi đến thành công”, Hùng nói.

Không ít bạn trẻ tận dụng tối đa lợi thế của mạng xã hội để kiếm thêm thu nhập dịp Tết.

Lê Đức Luận (trường ĐH Ngoại thương Hà Nội) quê ở Hải Dương nên bán 2 đặc sản nổi tiếng của mảnh đất này là: bánh đậu xanh và thịt bò khô.

“Đợt vừa rồi về quê, lâu rồi mình mới lại ăn bánh đậu xanh và có thắc mắc lý do loại bánh này rất ngon mà ở Hà Nội không bán phổ biến. Trong khi đó, nhiều loại bánh kém chất lượng hơn lại bày trong siêu thị.

Nhắc đến Hải Dương, mọi người chỉ nghĩ có bánh đậu xanh ngon chứ không quan tâm đến nhãn hiệu. Tuy nhiên, hiện nay hàng nhái rất nhiều. Về nhãn mác, bao bì giống nhau nhưng điểm khác biệt là hàng nhái ăn bở, thỏi bánh không chắc, vị ngọt hắc và hơi ướt.

Đối với thịt bò khô, do bạn gái thích ăn nên mình nắm được nhiều mối ngon, rẻ. Bản thân là người rất thích kinh doanh, lại gần Tết, mọi người thường mua về làm quà hay dùng cho tiếp khách nên mình nghĩ ra việc kinh doanh.

Bởi vậy, ngoài đam mê, muốn thử sức, học hỏi kinh nghiệm trong kinh doanh và thu được lợi nhuận, điều quan trọng hơn với mình là giúp người dân quê hương có thể bán được nhiều hàng hóa”.

Luận bắt đầu bán online trên Facebook được gần hai tuần nhưng lượng khách khá đông. Ngoài chất lượng, bạn cũng rất chú trọng vào mẫu mã của sản phẩm, phù hợp với dịp Tết. Để bán hàng cho những khách hàng đi làm, đến ngày 29, 30, Luận mới về quê ăn Tết cùng gia đình.

Trong quá trình giao hàng, bạn cũng trải nghiệm nhiều kỷ niệm khó quên. Có lần Luận giao hàng chậm cho khách nên họ đòi trừ tiền hoặc trả lại hàng nên bạn rất lo lắng. “Mình thuyết phục một hồi không được nên bắt đầu lúng túng. Khách thấy vậy nên không trêu nữa.

Từ đó mình rút ra bài học phải đúng hẹn, vừa tạo được uy tín, khách cũng vui vẻ hơn. Bán hàng đặc sản quê hương, mình hiểu rõ hàng hóa nên dễ quảng cáo. Facebook có số lượng người dùng đông, nên đây là kênh bán hàng hiệu quả”.

Ngoài kênh bán hàng Facebook, nhiều bạn còn bán cả trên các trang web. Vì bán hàng “thời vụ” nên đa phần là những rao hàng ở các diễn đàn chứ không mở website riêng.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo