Phân tích

Giúp nông dân làm giàu từ hạt Mắc ca

Ngày 24/01, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Tây Bắc, Viện nghiên cứu và phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây và Công ty cổ phần Thương mại, Đầu tư và Phát triển công nghệ quốc tế (IDT International) phối hợp tổ chức sự kiện lớn “Festival Macadamia 2015” với gần 2000 lượt khách tham dự.

 Quả Mắc ca được trưng bày tại Festival Macadamia 2015

Macadamia (Mắc ca) được mênh danh là hoàng hậu quả khô bởi giá trị dinh dưỡng vượt trội cũng như mùi vị rất đặc trưng. Theo thống kê của Hiệp hội quả hạch và hoa quả sấy thế giới (INC), năm 2012, tổng sản lượng mắc ca toàn thế giới đạt trên 145.000 tấn (hạt nguyên vỏ) về lượng và đạt khoảng 728 triệu USD về giá trị. Tốc độ tăng trưởng của thị trường từ năm 2006 đến nay trung bình từ 10-15%/năm. 

 
Đặc biệt năm 2014 đã có sự đổi ngôi của Nam Phi vượt lên thay thế Úc (là nước đang dẫn đầu về sản xuất mắc ca trong 40 năm qua) để trở thành quốc gia sản xuất mắc ca lớn nhất thế giới. Đây là một thành tích đáng nể của Nam Phi sau 20 năm kiên trì phát triển ngành mắc ca. 
 
Thị trường mắc ca tại châu Á hiện đang tăng trưởng rất mạnh. Năm 2014 đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể của thị trường Trung Quốc và Đài Loan. Theo thống kê chưa đầy đủ thì năm 2014, Trung Quốc đã nhập khẩu 36% lượng mắc ca trên thế giới. Bên cạnh đó, còn rất nhiều thị trường lớn chưa được khai thác như thị trường Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Đông và Việt Nam... 
 
Theo con số thống kê thì thị trường toàn thế giới đến năm 2020 cần khoảng 220.000 tấn nhân (tương đương 650.000 tấn hạt). So với nhu cầu thì nguồn cung đến năm 2020 mới chỉ đáp ứng khoảng 25 – 30% lượng cầu. Từ đó, thấy rằng nhu cầu của sản phẩm mắc ca là rất lớn, nên việc phát triển nếu được quy hoạch, lựa chọn vùng thích hợp tốt thì hoàn toàn có triển vọng.
 
Đối với thị trường Việt Nam, mắc ca đã được nghiên cứu và trồng thử nghiệm trong hơn 10 năm trở lại đây. Hiện nay, thị trường mắc ca Việt Nam bắt đầu sôi động với sự tham gia của cả nông dân; các nhà khoa học; doanh nghiệp trồng, chế biến và xuất nhập khẩu; các nhà đầu tư; người tiêu dùng và được Chính phủ đặc biệt quan tâm. 
 
Trong năm 2014, IDT International, Viện nghiên cứu và phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây đã tổ chức diễn đàn tại Hà Nội với chủ đề “Phát triển cây mắc ca vì mục tiêu làm giàu của nông dân Tây Bắc và Tây Nguyên” và tại TP. Hồ Chí Minh với chủ đề “Phát triển cây mắc ca - cơ hội hợp tác và làm giàu”. Hai diễn đàn lớn đã góp phần tạo nên một thị trường mắc ca sôi động, mang đến nhiều cơ hội kinh doanh cho các hộ nông dân trồng cây mắc ca và các đơn vị nhập khẩu, chế biến các sản phẩm từ mắc ca
 
Festival Macadamia 2015 diễn ra ngày 24/01 được tổ chức với mong muốn giới thiệu tới cộng đồng người tiêu dùng các sản phẩm chế biến từ mắc ca và những cơ hội đầu tư có khả năng cho lợi nhuận cao và bền vững đồng thời tạo một diễn đàn để thông qua đó tìm thêm các giải pháp phát triển và nhân rộng cây mắc ca cũng như chế biến các sản phẩm từ mắc ca. Sự kiện Festival Macadamia 2015 này cũng là dịp để lãnh đạo các Bộ, ban, ngành trung ương, địa phương và các nhà khoa học, các doanh nghiệp, nhà đầu tư …. gặp nhau để cùng thảo luận tìm ra những giải pháp, hướng đi phát triển mắc ca một cách toàn diện. 
 
Về vấn đề tiêu dùng mắc ca, hiện nay thị trường tại Việt Nam dù cung vẫn chưa đủ cầu nhưng một số doanh nghiệp đã đầu tư bài bản và bắt đầu phân phối sản phẩm thông qua hệ thống siêu thị hoặc các cửa hàng bán lẻ uy tín. Do giá thành tương đối cao nên sản phẩm này hướng tới đối tượng khách hàng có thu nhập trung bình và cao, để tiêu dùng cá nhân hoặc làm quà tặng. Mặc dù các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, Anh, Úc chiếm đa số nhưng cũng có một sự cạnh tranh đa dạng từ Đức và Thái Lan. Giá cả hạt mắc ca rang và có hương vị của Thái Lan thường thấp, trong khi giá cả của Mỹ và Úc thường đắt hơn. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, mắc ca Úc vẫn là loại có tiêu chuẩn chất lượng số 1 thế giới. Về lâu dài, việc tự trồng được loại cây quý này ở trong nước sẽ giúp hạ giá thành và việc thâm nhập thị trường tốt hơn.
 
PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo