Nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội SIB
Tóm tắt: Những năm qua, mô hình tổ chức tạo tác động xã hội đang ngày càng phát triển tại Việt Nam. Qua đó việc thực thi và hoàn thiện chính sách hỗ trợ các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội (SIB) đang trở thành một trong những ưu tiên quan trọng tại Việt Nam, trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận thức rõ ràng hơn về vai trò của mình trong việc giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường. Trong quá trình này, việc tập trung vào nâng cao năng lực quản trị của SIB không chỉ góp phần tăng cường tính bền vững của các doanh nghiệp này, mà còn tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ tích cực cho sự phát triển toàn diện của kinh tế và xã hội tại Việt Nam. Bài viết nghiên cứu các chính sách hỗ trợ SIB hiện nay của trung ương và địa phương đồng thời đề xuất một số giải pháp để việc thực thi các chính sách hỗ trợ SIB tại Việt Nam trong thời gian tới.
Từ khóa: chính sách; hỗ trợ; năng lực quản trị; doanh nghiệp tạo tác động xã hội; Việt Nam.
I. Đặt vấn đề
Trong những năm gần đây, mô hình tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội đang ngày càng phát triển và có xu hướng tăng lên theo từng năm. Điều này đang tạo ra một làn sóng làm thay đổi nhiều khía cạnh cuộc sống và triết lý kinh doanh của các tổ chức kinh doanh truyền thống. Song song với lợi ích kinh tế, ngày càng có nhiều tổ chức kinh doanh mong muốn mang lại tác động tích cực cho xã hội và môi trường. Các tổ chức kinh doanh TTĐXH đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm và cung cấp dịch vụ thiết yếu cho các nhóm yếu thế như người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em gái và người dân tộc thiểu số.
Nhận thức được vai trò của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội, thời gian qua các cơ quan có thẩm quyền đã phối hợp với nhiều các tổ chức quốc tế uy tín hỗ trợ cho các tổ chức kinh doanh TTĐXH hướng tới giải quyết những vấn đề về xã hội, đồng thời thực thi và hoàn thiện chính sách hỗ trợ tổ chức kinh doanh tạo tác động tại Việt Nam góp phần nâng cao năng lực quản trị các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội, cuối cùng góp phần vào sự phát triển bền vững và phúc lợi xã hội.
II. Khái quát chung về tổ chức tạo tác động xã hội
Theo Sách trắng Tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội tại Việt Nam 2023, “Tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội (tiếng Anh là Social Impact Business - viết tắt là SIB) là “tổ chức đăng ký thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, có mô hình kinh doanh thể hiện mục tiêu kép về kinh doanh và tạo tác động tích cực đến xã hội, môi trường, hướng tới phát triển bền vững”
Có thể hiểu đơn giản, các doanh nghiệp tác động xã hội là các tổ chức ưu tiên thực hiện công việc phục vụ hoặc cố gắng giải quyết nhu cầu của cộng đồng địa phương hoặc toàn cầu một cách có ý thức, có hệ thống và bền vững. Các doanh nghiệp tạo tác động xã hội hoạt động thương mại là chính yếu, cân bằng giữa việc giải quyết vấn đề xã hội.
Về hình thái pháp lý, theo báo cáo này, SIB có thể là các tổ chức phi lợi nhuận có hoạt động thương mại, hợp tác xã, các trường học và doanh nghiệp. Tổ chức kinh doanh TTĐXH có mô hình quản trị đa dạng, bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể và các tổ chức, cơ sở hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.
III. Thực thi và hoàn thiện chính sách hỗ trợ trợ tổ chức kinh doanh tạo tác động tại Việt Nam, hướng tới nâng cao năng lực quản trị hỗ trợ các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội (SIB)
1. Chính sách hỗ trợ SIB tại trung ương
Hiện nay, pháp luật chưa có quy định thống nhất về chính sách hỗ trợ dành riêng cho các SIB, do vậy các SIB sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ chung đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các chương trình hỗ trợ tài chính như quỹ đầu tư, tín dụng ưu đãi, và các chính sách giảm thuế… đã giúp các SIB tiếp cận được nguồn vốn dễ dàng hơn.
Hình 1: Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, văn bản quy định các chính sách áp dụng cho SMEs, trong đó bao gồm SIB
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, pháp luật hiện hành cũng có một số chính sách hỗ trợ đối với nhóm doanh nghiệp đặc thù như doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động khuyết tật, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, trong đó có các doanh nghiệp SIB. Cụ thể doanh nghiệp sử dụng từ 10 người khuyết tật làm việc ổn định được hưởng chính sách ưu đãi quy định tại Điểm a và Điểm c Khoản 1 Điều 9 Nghị định 28/2012/NĐ-CP. Điều 9 Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật theo quy định tại Điều 34 Luật Người khuyết tật được hưởng các chính sách ưu đãi gồm: hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế; Vay vốn ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội; ưu tiên cho thuê đất, …
Đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ thì khoản 2 Điều 83 Nghị định 145/2020/NĐ-CP đã quy định. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ giảm thuế và cho phép tính chi phí liên quan đến lao động nữ, bình đẳng giới, phòng chống quấy rối vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ sẽ được giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Các khoản chi thêm cho lao động nữ, đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc theo quy định tại Nghị định này, được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Bộ Tài chính căn cứ vào Điều 21 của Thông tư 78/2014/TT-BTC.
Nhà nước cũng hỗ trợ thông tin, tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia xã hội hóa các dịch vụ công và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có thể kể đến như:
Chính phủ đã ban hành Nghị định 59/2014/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 69/2008/NĐ-CP Theo đó các doanh nghiệp này sẽ được hưởng những ưu đãi về cơ sở hạ tầng, đất đai, ưu đãi thuế và sẽ được tham gia cung cấp các dịch vụ công do nhà nước tài trợ, đặt hàng; tham gia đấu thầu nhận các hợp đồng, dự án sử dụng nguồn vốn trong và ngoài nước phù hợp với chức năng nhiệm vụ hoạt động theo quy định của pháp luật.
2. Những chính sách hỗ
Mặc dù tiếp nhận các chính sách hỗ trợ SIB từ trung ương, nhưng tại địa phương, cách tiếp cận các chính sách này có sự khác biệt. Tùy theo đặc điểm từng địa phương, việc áp dụng các chính sách hỗ trợ SIB từ trung ương và chính sách hỗ trợ riêng của địa phương sẽ có sự điều chỉnh phù hợp. Nhìn chung, các địa phương đều có những chính sách để giúp tạo ra việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế địa phương và giải quyết các vấn đề về xã hội và môi trường.
Chính sách hỗ trợ SIB tại tỉnh Cao Bằng
Điển hình tại tỉnh Cao Bằng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB) được triển khai nhằm thúc đẩy sự phát triển du lịch cộng đồng, phát triển bền vững và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương, đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các SIB. Các chính sách hỗ trợ cho SIB mà chính quyền tỉnh Cao Bằng triển khai có thể kể đến như:
UBND tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ các SIB trong việc xin cấp giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, và các giấy tờ cần thiết khác. Đồng thời cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý và hướng dẫn doanh nghiệp xã hội về các quy định và chính sách hiện hành. Bên cạnh đó tỉnh cũng đã ban hành những nghị quyết nhằm thúc đẩy hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng cũng như hỗ trợ nâng cao thu nhập cho người dân. Cụ thể, Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến năm 2025 đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành, nhằm thúc đẩy và hỗ trợ phát triển lĩnh vực trọng điểm này trên địa bàn đến năm 2025.
UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Kế hoạch Triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, trong đó có các SIB. Theo đó, mục tiêu cụ thể là nâng cao nhận thức của cộng đồng thông qua truyền thông và giáo dục về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ xây dựng, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp về khoa học, công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cũng như thu hút vốn đầu tư từ tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư trong và ngoài nước cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Các tổ chức phát triển, nhà tài trợ quốc tế cũng đã có những hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho nhóm các tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội, trong đó nổi bật là Dự án “Hỗ trợ Hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam ứng phó với Covid-19” (Dự án ISEE-COVID). Đây là một dự án được tài trợ bởi Bộ Các vấn đề Toàn cầu Canada (GAC), đồng thực hiện bởi Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ Dự án ISEE-COVID, các hoạt động kết nối hệ sinh thái hỗ trợ SIB tại địa phương với sự hợp tác giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Cao Bằng đã được tổ chức. Lực lượng chuyên gia hỗ trợ SIB tại địa phương cũng bước đầu được xây dựng và sẽ tiếp tục lan tỏa, giúp các SIB có thể tiếp cận với những hỗ trợ kỹ thuật chất lượng dễ dàng hơn.
Hình 2: Sự kiện Kết nối Hệ sinh thái SIB tại Cao Bằng, đồng phối hợp tổ chức bởi Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Khoa học Công nghệ tỉnh.
Hình 3: Các chuyên gia cố vấn địa phương được vinh danh sau những nỗ lực hỗ trợ SIB
Tỉnh cũng tổ chức các khóa đào tạo về quản lý doanh nghiệp, kỹ năng lãnh đạo, và phát triển sản phẩm cho các doanh nghiệp xã hội, cung cấp tư vấn chuyên sâu về xây dựng mô hình kinh doanh bền vững và có tác động xã hội để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xã hội tiếp cận với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp thông qua các sự kiện kết nối và diễn đàn đầu tư.
Hình 4: Sở Kế hoạch và Đầu tư Cao Bằng phối hợp tổ chức đào tạo nâng cao năng lực về du lịch cộng đồng cho các SIB trên địa bàn
Chính sách hỗ trợ SIB tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Tại Thừa Thiên Huế, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tác động xã hội đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ SIB từ trung ương, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng hỗ trợ doanh nghiệp xã hội trong việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cấp giấy phép kinh doanh và các giấy tờ cần thiết khác. Đồng thời cung cấp về các quy định và chính sách liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp xã hội, giúp các doanh nghiệp hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Tỉnh cũng có các chương trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, bao gồm cả SIB, điển hình như Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021, đây là hoạt động trong khuôn khổ Đề án Cố đô Khởi nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2021-2025 nhằm khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên, học sinh, sinh viên, giảng viên, nhà khoa học, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh, tạo sự lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng.
Các hoạt động của Dự án ISEE COVID tại Thừa Thiên Huế nhằm thí điểm chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tạo tác động xã hội, trong đó bao gồm việc đánh giá tiềm năng và hỗ trợ xây dựng kế hoạch thúc đẩy sự phát triển của SIB trong nhóm ngành du lịch bền vững tại địa phương, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp tạo tác động trong lĩnh vực du lịch và các hướng dẫn viên, thúc đẩy truyền thông tại hai điểm du lịch là Vùng Đệm bàng Phò Trạch và Làng cổ Phước Tích. Gần đây nhất, Hội đồng nhân dân huyện Phong Điền đã chính thức thông qua kế hoạch phát triển SIB ngành du lịch bền vững tại Phong Điền. Từ đó, các Sở ngành của Thừa Thiên Huế đã nỗ lực huy động đa dạng các nguồn lực công, tư, nguồn lực quốc tế để thực hiện Kế hoạch này. Song song cùng các hoạt động chính sách, các hỗ trợ đồng hành cùng SIB vượt qua khó khăn sau COVID-19, và kiến tạo các chuyên gia hỗ trợ SIB tại Thừa Thiên Huế, nhiều doanh nghiệp tại địa phương đã có cơ hội tiếp cận và được hỗ trợ về việc nâng cao năng lực kinh doanh và đạt được những thành tựu nhất định.
Hình 5: Ông Phan Quốc Sơn - Phó giám đốc Sở KH&ĐT Thừa Thiên Huế phát biểu khai mạc Khóa đào tạo kỹ năng nghiệp vụ hướng dẫn du lịch tại Phước Tích
Các chính sách hỗ trợ SIB tại trung ương đã góp phần củng cố cho các SIB trong nhiều mặt, tuy nhiên vẫn còn tồn đọng một số những thách thức nhất định. Mặc dù đã có các quy định của pháp luật nhưng hiệu quả thực thi vẫn còn nhiều hạn chế. Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp dành cho các SIB - một trong những chính sách nổi bật vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Nhiều doanh nghiệp vẫn phản ánh khó khăn trong việc tận dụng những chính sách ưu đãi thuế này do sự chậm trễ trong việc triển khai thực tế, cũng như thủ tục phức tạp.
Trong khuôn khổ Nghị định 34/2018/NĐ-CP, các doanh nghiệp SIB có thể tiếp cận với Quỹ bảo lãnh tín dụng và các chương trình hỗ trợ tài chính từ Ngân hàng Nhà nước. Để ứng phó với những thách thức kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chính sách lãi suất, đồng thời cung cấp các gói tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp sử dụng lao động yếu thế, bao gồm phụ nữ và người khuyết tật. Tuy nhiên, trên thực tế, Quỹ bảo lãnh tín dụng vẫn hoạt động không hiệu quả, gây khó khăn lớn cho các SIB trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Một trong những chính sách quan trọng nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động yếu thế là những ưu đãi về thuế và tài chính quy định trong Nghị định 28/2012/NĐ-CP và Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Theo đó, các doanh nghiệp sử dụng từ 30% tổng số lao động là người khuyết tật sẽ được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ tài chính khác, bao gồm việc miễn hoặc giảm tiền thuê đất, mặt bằng sản xuất, và vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Mặc dù các chính sách này đã được ban hành từ lâu, nhưng đến nay việc triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn.
Tại địa phương, mặc dù hệ thống pháp lý đã tạo ra một nền tảng vững chắc cho việc hỗ trợ SIB, nhưng việc thực thi chính sách trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Tính không đồng đều trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ giữa các địa phương là một trong những vấn đề lớn nhất. Trong khi một số địa phương đã có những bước tiến trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ, nhiều tỉnh thành vẫn chưa chú trọng đầy đủ đến việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các SIB. Tại Cao Bằng, các chính sách hỗ trợ tập trung vào phát triển du lịch cộng đồng với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tại đây vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ quỹ bảo lãnh tín dụng và các ưu đãi tài chính khác do thủ tục phức tạp và quy mô các khoản hỗ trợ chưa đủ lớn. Tại Thừa Thiên Huế, nhờ vào sự chủ động của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, các dự án hỗ trợ từ UNDP và Dự án ISEE-COVID, các SIB đã được hỗ trợ nâng cao năng lực về kỹ năng quản trị và phát triển kinh doanh, cũng như nhận vốn hạt giống để thực hiện kế hoạch phục hồi sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, cũng giống như tại Cao Bằng, các SIB tại Huế vẫn chưa tận dụng hết các chính sách ưu đãi về thuế và tài chính do các quy định pháp lý còn chưa rõ ràng và thủ tục xét duyệt kéo dài.
3. Định hướng hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tạo tác động xã hội
Việt Nam đã và đang phát triển một hệ sinh thái khá vững mạnh cho các doanh nghiệp tạo tác động xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu các chính sách và đề án cụ thể, cùng với sự tham gia chưa sâu của khu vực thương mại trong việc hỗ trợ lĩnh vực này. Để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của chính sách, từ đó nâng cao năng lực quản trị cho các SIB, có thể tập trung vào các khía cạnh sau:
Một là, xây dựng một khung pháp lý chi tiết được quy định trong Luật hoặc Nghị định, xác định rõ khái niệm, đặc trưng, địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của SIB. Điều này bao gồm quy trình đăng ký thành lập, cùng các chính sách khuyến khích phát triển phù hợp với vai trò và sứ mệnh của SIB.
Hai là, ban hành các chính sách ưu đãi đặc thù về đầu tư, thuế, quỹ đất, tài chính và nhân lực cho SIB, từ khởi nghiệp đến phát triển. Điều này cần bao gồm việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, và các loại thuế khác, nhằm giảm gánh nặng tài chính và khuyến khích hoạt động kinh doanh của SIB.
Ba là, thúc đẩy các chương trình đào tạo và nâng cao năng lực quản trị, kỹ năng kinh doanh và chiến lược dài hạn cho SIB. Tổ chức các tọa đàm, hội thảo và hội nghị để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm tốt nhất trong việc điều hành và phát triển doanh nghiệp tạo tác động xã hội.
Bốn là, xây dựng các dự án kết nối và tạo lập mạng lưới hoặc hiệp hội đại diện cho các SIB. Các nền tảng kết nối giữa SIB, nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ và cơ quan chính phủ sẽ thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao hiệu quả trong việc xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ.
Năm là, tăng cường các đề án giúp SIB nâng cao khả năng quản lý và đo lường tác động xã hội. Nhờ đó, các SIB sẽ có khả năng quản lý hiệu quả hơn, đo lường và báo cáo được rõ ràng các tác động xã hội của mình, từ đó xây dựng một nền tảng vững chắc để phát triển bền vững.
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021), Quyết định số 1400/QĐ-BKHĐT ngày 18/10/2021 về việc phê duyệt Dự án “Hỗ trợ hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động tại Việt Nam ứng phó với Covid-19 (Dự án ISEE-COVID)” do Cơ quan Phát triển quốc tế Canada (DFATD) tài trợ thông qua Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) viện trợ không hoàn lại.
2. Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), Sách trắng Tổ chức kinh doanh tạo tác động xã hội Việt Nam 2023.
3. Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 9/2021, Báo cáo khảo sát thực trạng tiếp cận tài chính và tái cơ cấu nợ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.
4. Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo tình hình triển khai Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023.
ThS. Luật sư Lê Anh Văn
Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực,
Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
End of content
Không có tin nào tiếp theo