Bất động sản

Gói 30.000 tỷ đang mắc ở đâu?

(DNVN) - Sau 3 tháng triển khai, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở dành cho người thu nhập thấp vẫn chưa đến được với nhiều người có nhu cầu muốn vay mua nhà và đã có rất nhiều hồ sơ bị loại.

Trong 3 tháng đầu triển khai thực hiện, kết quả dường như không phản ánh được mục tiêu ban đầu. Lần đầu tiên công bố về tiến độ triển khai thực hiện chủ trương này, NH Nhà nước cập nhật số liệu đến hết ngày 31/7 cho thấy cả 5 NH được giao thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP mới cam kết cho vay 219 khách hàng cá nhân với số tiền 65,57 tỉ đồng, trong đó đã giải ngân cho 208 khách hàng với dư nợ 48,92 tỉ đồng.

 
Điều kiện vay phụ thuộc Bộ Xây dựng
 
Lý giải nguyên nhân vì sao người dân rất khó tiếp cận nguồn vốn vay này, ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân Hàng Nhà nước (NHNN), cho rằng mặc dù chính sách mang tính chất hỗ trợ nhưng cơ chế cho vay là cho vay thương mại. Các NH trực tiếp thẩm định và cho vay, thu nợ theo chế độ tín dụng và hoàn toàn chịu trách nhiệm nên điều kiện cho vay rất chặt chẽ để bảo đảm khả năng thu nợ. Ngoài ra, một nguyên nhân khác là do thị trường thiếu nguồn cung nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội.
 
Ông Mạnh cho biết thêm, việc giải ngân gói 30.000 tỷ trong giai đoạn đầu đúng là có hơi chậm do một số thủ tục, điều kiện vẫn còn vướng mắc. Tuy nhiên, gần đây sau khi các bộ ngành đã gỡ bỏ được khó khăn này, tốc độ giải ngân đã được đẩy nhanh rõ rệt.
 
“Trong thời gian tới, muốn nhanh hay chậm hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung nhà thu nhập thấp, nhà xã hội trên thị trường. Còn với NHNN, chúng tôi cam kết tiền, lãi suất và thời hạn vay luôn luôn sẵn sàng, đầy đủ cho chương trình này”, ông Mạnh cho hay.
 
Ảnh minh họa
 
Đối với Ngân hàng Nhà nước đối tượng và điều kiện để vay vốn do Bộ Xây dựng và các bộ, ngành khác quy định.
 
Vụ trưởng Vụ tín dụng nói: “Chúng tôi chỉ sẵn sàng và cam kết các vấn đề khác về vốn, lãi suất, thời hạn cho vay mà thôi. Do đó, để xem xét nới lỏng điều kiện cho vay là trách nhiệm của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành khác”.
 
Các ngân hàng than phiền thủ tục hành chính
 
Theo văn bản hướng dẫn ngày 25/6 của Bộ Xây dựng, khi ngân hàng có yêu cầu khách hàng cá nhân “chứng minh thu nhập để đảm bảo phương án trả nợ” thì phải thực hiện “theo quy định của ngân hàng”. Như vậy, việc khách hàng có vay được tiền từ gói 30.000 tỷ hay không, lệ thuộc rất nhiều vào các quy định mà ngân hàng đưa ra.
 
Đại diện Vietinbank cho biết, đến ngày 31/7, Vietinbank đã giải ngân được 50 hồ sơ cá nhân vay mua nhà và “rất nhiều khách hàng đang trong quá trình hoàn thiện các hồ sơ cuối cùng để được ký hợp đồng và giải ngân”.
 
Hiện nguyên nhân chủ yếu khiến khách hàng cá nhân khó vay tiền từ gói 30.000 tỷ là không xin được xác nhận của UBND phường/đơn vị công tác hoặc nội dung xác nhận không đúng quy định; hợp đồng mua bán nhà ký trao tay, thời gian đóng bảo hiểm không đủ một năm trở lên, chủ đầu tư không ký hợp tác hợp đồng 3 bên về ký tài sản bảo đảm…
 
Ngoài ra, một số cán bộ ngân hàng cho biết, một vướng mắc hiện nay là nếu thu nhập của khách vay quá thấp, sẽ không đủ khả năng trả nợ, nhưng nếu khách đề nghị thế chấp chính căn nhà xã hội đó, ngân hàng cũng ngại ngần vì quy định nhà ở xã hội chỉ có thể bán lại nhà cho chủ đầu tư...
 
Một trong những lý do nữa khiến gói 30.000 tỷ chưa đến được với nhiều người dân là thông tin về chương trình tín dụng này không được chính quyền địa phương phổ biến, giải thích rộng rãi, cụ thể.
 
Ngày 1/8, ông Đỗ Mạnh Cường - Tổ trưởng dân phố ngõ 77, phường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình cho biết: “Chưa từng thấy phường nhắc đến chương trình cho vay ưu đãi này để phổ biến cho bà con khu phố”. Gia đình bà Nguyễn Thị Thảo - tổ dân phố ngõ 77, với 11 người cùng cư trú trong căn hộ 20m2, cũng chỉ biết đến chương trình này khi. Ông Vũ Minh Hưng - Phó Chủ tịch UBND phường Thượng Đình, Thanh Xuân cho biết: “Gia đình nào cần xác nhận tình trạng nhà thì phường xác nhận, chứ quận, phường không có kế hoạch triển khai vấn đề này”.
 
Bộ Xây Dựng nói gì?
 
Ngày 27/8, tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị, nói về tiến độ giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng còn chậm và có nhiều vướng mắc, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: gói tín dụng này không phải để cứu BĐS, mà để tăng cầu về kinh tế, giúp người thu nhập thấp có nhà ở. Do đó, không thể giải ngân nhanh mà phải từ từ, đúng đối tượng, trong năm nay cố gắng giải ngân được 5 nghìn tỷ là đáp ứng yêu cầu.
 
Trước đó, trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời vào giữa tháng 7/2013, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng từng cho biết, gói hỗ trợ 30.000 tỷ chảy về doanh nghiệp cũng tốt.
 
"Nếu nhiều dự án nhà ở xã hội được vay để xây dựng nhà ở xã hội thì tốt vì nếu nhiều doanh nghiệp tham gia sẽ phục vụ cho nhiều người dân". Ông Dũng nói.
 
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, không cần phải lo ngại về nguồn cung nhà ở xã hội có thể dẫn đến một lượng tồn kho kế tiếp vì nhà ở xã hội hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Như Trâm (Tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo