Gói 30.000 tỷ: Đề xuất thời gian cho vay tăng lên 20 năm
Trong khi Bộ Xây dựng đang kiến nghị lên Thủ tướng kéo dài thời gian cho vay gói 30.000 tỷ từ 10 năm lên 15 năm đối với hộ gia đình, cá nhân thì lại có ý kiến đề xuất "nới" thời gian lên 20 năm mới hợp lý...
Tính đến đến ngày 31/3 đã có hơn 3.500 khách hàng được tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỉ đồng với tổng số tiền được giải ngân hơn 3.100 tỉ đồng, chiếm 10,4%.
Trao đổi bên lề buổi Tọa đàm thị trường bất động sản năm 2014: Cơ hội từ chính sách sáng 23/4, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội, kiêm Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Đức cho rằng: Với mức lương của công chức, viên chức đang rất thấp thì thời gian cho vay nếu được kéo dài lên 15 năm thì vẫn hạn chế, chưa hợp lý.
“Theo tôi phải cho vay 20 năm thì công chức, viên chức và nhiều đối tượng mới có đủ điều kiện để tiếp cận được gói 30.000 tỷ. Nếu cho vay 15 năm, bình quân mua một căn nhà 700 triệu thì vẫn phải trả 3-4 triệu đồng/tháng, chưa khả thi lắm. Vì thế, vừa phải “nới” thời gian cho vay cũng vừa phải cho thế chấp dễ dàng hơn trong gói tín dụng này”, ông Điệp đề xuất.
Trước đó, để “thúc” tiến độ giải ngân, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng mở rộng đối tượng vay vốn đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân mua nhà ở thương mại riêng lẻ có tổng giá trị hợp đồng cả nhà và đất không quá 1,05 tỷ đồng (không khống chế về diện tích và đơn giá). Đồng thời, kéo dài thời hạn trả nợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân từ 10 năm lên 15 năm.
Tuy nhiên, khi nói đến việc giải ngân gói 30.000 tỷ chậm, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội cho rằng chúng ta phải tách bạch rõ ràng lý do giải ngân chậm có đồng nghĩ với thất bại hay không.
Ngoài ra, ông Cường cho tằng nếu không có sự hỗ trợ của chính phủ, thị trường bất động sản không thể khởi sắc, thị trường không thể có phân khúc nhà ở trên dưới 20 triệu đồng/m2 để bán. Đặc biệt, gói 30.000 tỷ nếu không được thực hiện, không đưa ra đúng lúc thì không chỉ có 61.000 doanh nghiệp đóng cửa, giải thể mà còn có hàng triệu người thất nghiệp và hàng ngàn dự án nhà ở đắp chiếu.
Do đó, theo ông Cường, không nên chỉ nhìn vào tốc độ giải ngân chậm mà còn phải nhìn vào sự đóng góp của gói 30.000 tỷ đã làm cho nền kinh tế khôi phục mạnh kể từ quý 2/2014.
End of content
Không có tin nào tiếp theo