Gồng mình gánh thuế
Giá dầu thế giới giảm mạnh nhưng thuế nhập khẩu và thuế môi trường áp cho các hãng hàng không tăng cao có thể xóa sạch cơ hội giảm thêm giá vé máy bay
Theo tính toán của ông Dương Trí Thành, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), việc tăng thuế môi trường lên 3.000 đồng/lít xăng dầu sẽ ảnh hưởng đến chi phí của các hãng như Vietnam Airlines khoảng 750 tỉ đồng, Jetstar Pacific khoảng 150 tỉ đồng và VietJet khoảng 300-400 tỉ đồng.
Tốn thêm hàng trăm tỉ đồng
Đại diện Jetstar Pacific cho biết trong năm 2014, giá nhiên liệu bay (Jet A1) bình quân 116 USD/thùng. Tổng chi phí nhiên liệu bay năm ngoái của hãng là 1.494 tỉ đồng, trong đó thuế nhập khẩu 79,4 tỉ đồng (chiếm 44% tổng chi phí khai thác).
Phí nhiên liệu hiện chiếm tỉ trọng 40%-45% trên tổng chi phí khai thác, là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến kết quả kinh doanh của các hãng.
Ba tháng đầu năm 2015, dù giá xăng dầu giảm sâu về khoảng 70 USD/thùng nhưng thuế nhập khẩu lại tăng từ 7% lên 25%. Từ ngày 1-5, Bộ Tài chính sẽ tăng thuế môi trường lên 3.000 đồng/lít xăng dầu, gấp 3 lần so với trước làm chi phí của các hãng sẽ tăng mạnh.
Tổng Giám đốc Jetstar Pacific Lê Hồng Hà cho biết trong tình hình khó khăn và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc nộp thuế nhập khẩu nhiên liệu 25% là gánh nặng tài chính đối với hãng. Để tháo gỡ khó khăn, các hãng hàng không kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu xăng dầu hàng không xuống 7% và cho phép đưa thuế môi trường vào cơ cấu giá vé. “Thuế nhập khẩu và thuế môi trường chỉ áp dụng cho các đường bay nội địa nên không ảnh hưởng đến sự cạnh tranh với các hãng nước ngoài. Nhưng nếu mức thuế quá cao, ngay đường bay trong nước kinh doanh đã gặp khó, không có lãi thì làm sao cạnh tranh nổi với quốc tế?” - ông Hà nói.
Ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Tổng Giám đốc Vietjet, phân tích: Nếu tính toán sòng phẳng thì việc giảm giá dầu thế giới từ 110 USD/thùng xuống còn 70 USD/thùng là rất lớn nhưng các hãng hàng không chưa được hưởng lợi là bao. Cụ thể, từ cuối năm ngoái, thuế nhập khẩu xăng dầu đã tăng từ 7% lên đến 25%. Nay thuế môi trường tiếp tục tăng gấp ba có nguy cơ xóa sạch cơ hội hưởng lợi từ việc xăng dầu giảm giá, tăng áp lực cho các hãng khi chi phí hoạt động tăng.
Áp thuế vào đâu?
Thuế môi trường khi áp vào giá xăng thường được các hãng hàng không tính là chi phí đầu vào cho hoạt động kinh doanh. Chi phí đầu vào tăng tất nhiên các hãng có quyền cân đối tính toán giá vé bán ra. Có điều, hành khách đi lại bằng đường hàng không chưa được hưởng lợi từ giá dầu thế giới giảm, nay có nguy cơ phải trả thêm tiền cho các khoản phí, phụ phí từ việc tăng thuế môi trường. Theo tính toán của một hãng hàng không, với mức tăng thuế môi trường thêm 2.000 đồng/lít, giá vé máy bay sẽ tăng thêm trung bình từ 50.000 - 70.000 đồng. “Nếu không tăng giá vé, các hãng sẽ gánh thêm hàng trăm tỉ đồng khoản phí môi trường, càng làm doanh nghiệp giảm sức cạnh tranh, “ốm yếu” hơn” - lãnh đạo một hãng hàng không cho biết.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long cho biết ở châu Âu chỉ có nước Đức đưa thuế môi trường vào giá xăng. Từ cuối năm ngoái đến nay, giá xăng dầu thế giới giảm giúp chi phí vận chuyển, đầu vào của doanh nghiệp giảm sâu. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước lại hụt thu nhưng không phải vì vậy mà cơ quan quản lý đẩy phần thiệt cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. “Mức tăng thuế môi trường 200% đã là cao, nay Bộ Tài chính tăng đến 300% trong bối cảnh giá xăng đã phải cõng đủ loại thuế, phí. Các hãng hàng không đề xuất đưa khoản thuế này vào giá vé cũng phù hợp nhưng hiển nhiên phần thiệt cơ quan quản lý đang đẩy sang hành khách” - ông Long lập luận.
Theo Người Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo