GS Nguyễn Mại chỉ rõ những “điểm nghẽn” làm trì trệ nền kinh tế
“Năm 2014, tăng trưởng GDP chỉ được 5,4%, như vậy là giảm liên tục từ 2007 tới nay. Thủ tướng đã báo cáo với Quốc hội là năm 2014 dự kiến 5,8% và năm 2015 dự kiến 6%. Nếu chỉ như vậy thì cũng có nghĩa là 9 năm liền tăng trưởng của ta đạt bình quân là 5,9% - thấp hơn so với thời kỳ 2002 – 2007 (đạt 7,5%)”, GS Nguyễn Mại nhận định.
Mức tăng trưởng này đã phản ánh tình hình nền kinh tế quốc gia có nhiều hạn chế, cho dù người ta sẽ viện dẫn ra những lý do như: suy thoái kinh tế thế giới, khó khăn trong nước… nhưng dù sao cũng phải thẳng thắn chỉ ra là tình hình đó rất đáng lo ngại.
“Chúng ta thử nhìn sang các nước láng giềng trong khu vực như Philippin, họ bị một cơn bão nặng như vậy nhưng cuối quý IV họ cũng đã công bố con số tăng trưởng 7,2%, một quốc gia khác là Indonesia cũng tăng trưởng cao hơn chúng ta”, GS Mại so sánh.
Năm 2013, nhiều người đã đưa ra đánh giá tiến bộ cho nền kinh tế như ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn những năm gần đây, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là con số tăng trưởng. Nếu cứ tăng trưởng thấp như thế này thì cũng có nghĩa là các biện pháp kích cầu kém hiệu quả, chúng ta không thể nào giải quyết được nạn thất nghiệp, cùng với đó kéo theo những khó khăn trong giải quyết an sinh xã hội.
GS Mại nhận định, nền kinh tế Việt Nam chậm tăng trưởng không chỉ vì nạn tham nhũng tràn lan, thể hiện rõ nhất qua 10 đại án tham nhũng đang xét xử, mà còn có lãng phí, đó là những con đường đắt nhất hành tinh như đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu (hơn 1km) nhưng chi phí hết hơn 1000 tỷ đồng; rồi những con đường cao tốc của chúng ta chi phí toàn là 14-15 triệu USD, quy mô tương đương mà giá cao gấp đôi chi phí của nước Mỹ.
“Từ đó, chúng ta phải nhìn nhận lại vấn đề đầu tư: Liệu mức đầu tư có lớn quá không? Qua câu chuyện đầu tư lại thấy cả tham nhũng, lãng phí rất lớn, Chính phủ muốn làm rốt ráo để đạt hiệu quả nhưng địa phương thì rất nhiều vấn đề. Thí dụ, vừa rồi tỉnh nghèo như Điện Biên triển khai dự án 30 tỷ đưa nước về 174 héc-ta cho đồng báo nghèo, cuối cùng kết quả đạt được thì chỉ có 4 héc-ta thôi, như vậy là lãng phí quá lớn”, GS Mại bày tỏ.
Cũng theo GS Nguyễn Mại, lúng túng trong tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc ngành ngân hàng cũng làm chậm tăng trưởng kinh tế. Những vấn đề này đã đưa ra từ cuối năm 2011, nhưng cho tới nay những chuyển biến trong tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước hầu như chưa được bao nhiêu. Ngân hàng mới chỉ làm được vài chuyện. Còn đầu tư công thì cắt giảm trên giấy, còn thực tế thì cắt chưa được bao nhiêu.
“Tôi xin nêu lại ý kiến của Ngân hàng ADB nói rằng, nếu Việt Nam không làm ráo riết tái cấu trúc DN nhà nước, tái cấu trúc NHTM thì tăng trưởng của Việt Nam tiếp tục thấp dưới 7% là chắc chắn. Còn ngân hàng HSBC thì đánh giá nếu Việt Nam không giải quyết được các “điểm nghẽn”, đặc biệt là tái cấu trúc DN Nhà nước thì tăng trưởng chỉ đi ngang.
Tôi tin rằng hoàn toàn có thể tăng trưởng cao hơn 1-2% so với dự kiến hiện nay, dù không cần phải đầu tư nhiều, điều quan trọng là những mục tiêu mà Đảng và Chính phủ đã đặt ra cần phải làm tốt, kiểm soát chặt chẽ thì sẽ tốt. Chúng ta phải đổi mới cả thể chế kinh tế và thể chế chính trị, mà vừa rồi Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhấn mạnh là phải đổi mới mạnh mẽ để phát huy quyền làm chủ của nhân dân”, GS Nguyễn Mại cho biết.
Qua nghiên cứu, một nhóm chuyên gia đã chỉ rõ 4 nhóm động lực phát triển nền kinh tế là: DN Nhà nước; DN tư nhân; Nông nghiệp; Doanh nghiệp FDI. Trong số này, 3 nhóm động lực trong nước quá yếu, không phát huy được vai trò, chỉ có các DN FDI tăng trưởng tốt. Như vậy là phải thúc đẩy 3 nhóm động lực trong nước.
Qua bức tranh kinh tế 2013, có những ý kiến lo ngại về sự lấn át của các DN FDI. Tuy nhiên, theo quan điểm của GS Mại, đấy không phải là vấn đề đáng lo. Thí dụ, với 4 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh từ năm 2007, thì 3 năm gần đây công nghiệp tăng trưởng rất tốt. Năm 2012, cơ cấu công nghiệp của tỉnh này chiếm 70,2%, nông nghiệp chỉ còn 8,5%, như vậy là một tỉnh thuần nông đã trở thành tỉnh công nghiệp với thu nhập bình quân 3.200 USD (gấp hai lần GDP bình quân cả nước); còn năm 2013 dự kiến thu nhập bình quân của họ đạt khoảng 4000 USD.
Như vậy, đúng là các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài như SamSung đang chiếm một phần không nhỏ trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (năm 2013 vừa qua là 20 tỷ USD), nhưng qua đó họ đã tạo ra 130.000 việc làm với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng, và họ còn đang tiếp tục mở rộng quy mô sang địa phương khác.
“Họ đem công nghệ quốc tế đến Việt Nam để sản xuất và có người Việt Nam tham gia thì quá tốt chứ không phải là nguy cơ xấu. Điều mà chúng ta nên quan tâm lúc này là làm thế nào để lan tỏa được những dự án đầu tư như vậy cho các tỉnh khác của Việt Nam, đó là bài toán thu hút vốn đầu tư để phát triển công nghiệp phụ trợ. Nếu chúng ta tận dụng được cơ hội này thì sẽ có hàng nghìn DN của Việt Nam cùng phối hợp và từ đó tạo ra hàng nghìn việc làm, góp phần thu ổn định cho ngân sách nhà nước, đồng thời ổn định an sinh xã hội”, GS Mại nhận định.
Anh Dũng
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo