Góc nhìn

GS Nguyễn Mại:Lao động vào FDI tại Việt Nam đều trái luật!

FDI là thu hút lao động địa phương, chuyển giao công nghệ cao… chúng ta không dại đi tuyển lao động phổ thông từ nước ngoài.

GS- TSKH Nguyễn Mại -nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn chia sẻ.

Không dại tuyển lao động phổ thông!
 
PV: - Thưa ông, ông có bình luận thế nào trước những số liệu báo cáo về tình trạng lao động Trung Quốc tràn lan tại các dự án FDI của nước này tại Việt Nam?
 
GS-TSKH Nguyễn Mại: - Từ năm 1977, Luật lao động có quy định rất rõ, chính sách thu hút lao động của Việt Nam được phân biệt cụ thể dưới hai hình thức: Lao động phổ thông và lao động kỹ thuật cao. Đặc là lao động chuyên môn mà Việt Nam chưa đạt được.
 
Bất kể lao động nước nào vào FDI ở Việt Nam cũng đều trái luật
 
Trong đó, lao động phổ thông thì cả Luật lao động và Luật đầu tư đều quy định phải sử dụng lao động địa phương. Các nhà đầu tư cũng phải thực hiện quy định này và phải sử dụng lao động Việt Nam.
 
Đối với lao động kỹ thuật cao, Việt Nam khuyến khích lao động nước ngoài có tay nghề mà Việt Nam chưa đảm nhiệm được.
 
Vấn đề lao động Trung Quốc vào Việt Nam dễ nhận thấy không chỉ với những dự án FDI mà xuất hiện ở hầu hết các dự án Trung Quốc thắng thầu, như ở Ninh Bình, Bình Dương… hay còn gọi là các dự án ODA.
 
Theo quy định họ được phép đưa lao động theo các dự án ODA nhưng phải có đăng ký rõ ràng, ví dụ như lao động Nhật Bản. Tuy nhiên, vì sao lao động Trung Quốc lại tràn lan khắp các dự án tại Việt Nam thì phải xét trên hai nguyên nhân.
 
Thứ nhất, là vào Việt Nam thông qua con đường du lịch (lao động chui)
 
Thứ hai, do quản lý lao động kém.
 
Theo nguyên tắc, bất kể lao động nước ngoài nào khi vào Việt Nam cũng phải đăng ký, tuy nhiên vẫn xuất hiện những trường hợp lao động Trung Quốc đăng ký kỹ sư nhưng lại làm việc chân tay thì đó là trách nhiệm của Sở LĐ&TBXH các tỉnh. Quản lý quá lỏng léo, không có biện pháp kiểm tra, giám sát.
 
Tất nhiên, cũng phải khẳng định việc lao động Trung Quốc tồn tại như vậy là hoàn toàn trái ngược với mục đích chính sách thu hút FDI của Việt Nam.
 
Không chỉ lao động Trung Quốc mà tất cả lao động khi vào FDI tại Việt Nam cũng đều trái luật. Vì FDI là thu hút lao động địa phương, chuyển giao công nghệ cao… chúng ta không dại đi tuyển lao động phổ thông từ nước ngoài.
 
Thực tế, lương lao động Việt Nam luôn thấp hơn gấp 2-3 lần so với lao động nước ngoài. Vậy, tại sao cùng công việc, trình độ nhưng lương của lao động nước ngoài lại cao hơn lao động Việt Nam?
 
Rõ ràng, mức lương này chính là chi phí tính vào công trình và khiến công trình đội giá lên.
 
Như chúng ta đã biết, nhiều dự án khi đấu thầu thì giá rất rẻ, nhưng khi dự toán thì lại tăng lên gấp 2-3 lần. Trong đó có chi phí lao động. Nếu được siết chặt, thì không những sẽ tiết kiệm chi phí mà còn hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn.
 
Cần có chiến lược đối phó
 
PV:- Vậy mục đích thực sự của Trung Quốc là gì. Tại sao lại có một sự tồn tại ngoại lệ như vậy?
 
GS-TSKH Nguyễn Mại: - Vấn đề lao động là vấn đề rất lớn với Trung Quốc, (1,3 tỷ lao động), chính vì vậy họ rất cần xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Tôi được biết, bên tỉnh Nam Ninh (Trung Quốc) còn có hẳn công ty tư vấn chuyên đưa lao động Trung Quốc sang Việt Nam.
 
Nguyên nhân, một phần do chúng ta chưa có giải pháp kiểm soát tại các cửa khẩu khiến lao động Trung Quốc vào Việt Nam dễ dàng hơn các nước khác.
 
Tình trạng lao động cũng đáng lo, song quan trọng hơn chúng ta nên có chiến lược đối phó, chủ động tránh những thiệt hại cho người dân.
 
Đứng cạnh một nước lớn như Trung Quốc chúng ta phải nhìn nhận dưới con mắt vừa là thách thức và là cơ hội. Nhưng, chúng ta lại chưa có một nghiên cứu bài bản để tận dụng được những cơ hội phát triển. Nhất là những tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc.
 
Tôi cho rằng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với tư cách là Trưởng ban phát triển kinh tế vùng Tây Bắc, nên nghiên cứu tận dụng cơ hội trong kinh tế đối ngoại, đặc biệt với các tỉnh biên giới tạo thành khu kinh tế. Bên cạnh đó cũng nghiên cứu những cơ hội và thách thức khi làm ăn với Trung Quốc.
 
Từ thực tế, tình trạng nông sản bị ùn ứ tại các cửa khẩu đã gây thiệt hại rất lớn cho người dân. Trong khi đó, tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc lại cao hơn nhiều so với xuất sang các nước khác.
 
Như vậy, rõ ràng những thách thức trong làm ăn với Trung Quốc là rất lớn nhưng lại chưa được nghiên cứu đầy đủ, chưa tận dụng được mọi cơ hội buôn bán, làm ăn có lợi nhất cho Việt Nam.
 
PV: - Nếu như vậy, số phận ngành sản xuất trong nước sẽ ra sao, thưa ông?
 
GS-TSKH Nguyễn Mại:-  Tôi có nghe những ý kiến cho rằng doanh nghiệp FDI lấn sân doanh nghiệp Việt; FDI lo nhiều hơn mừng hay Doanh nghiệp Việt lọt vào tay nước ngoài... Tôi không hiểu.
 
Trung Quốc chỉ là điển hình, và mong rằng đối với doanh nghiệp Trung Quốc chúng ta cũng nên có một điều tra kỹ. Không nên từ một hiện tượng là lao động Trung Quốc mà vội quy kết tất cả dự án FDI Trung Quốc đều có mục đích xấu. Kể cả khi họ có đến hàng trăm cái dự án nhỏ.
 
Tôi cho rằng, không riêng Trung Quốc, kể cả những doanh nghiệp nước ngoài khác khi đầu tư bao giờ cũng có cái chúng ta cần. Tất nhiên, vẫn có những sai sót nhưng không phải tất cả các dự án FDI Trung Quốc đều có tiêu cực.
 
Mở rộng đối tác, dần thoát khỏi Trung Quốc
 
PV:- Trước sức ép của thị trường và nguồn nguyên liệu Trung Quốc, các chuyên gia lo ngại nền kinh tế Việt Nam sẽ bị phụ thuộc vào Trung Quốc, làm mất dần tính độc lập, ông có nghĩ thế không?
 
GS-TSKH Nguyễn Mại: - Đừng lo phụ thuộc vào Trung Quốc mà phải coi đó là điều may. Nếu không có Trung Quốc là phân xưởng sản xuất nguyên liệu giá rẻ của thế giới thì làm sao có ngành sản xuất của Việt Nam. Và cũng làm gì có chuyện xuất khẩu may mặc, như năm ngoái kim ngạch xuất khẩu đạt tới 20 tỉ đô la.
 
Hơn nữa, tôi cũng cho rằng doanh nghiệp trong nước cũng đủ tỉnh táo, khôn ngoan để lựa chọn đối tác. Tuy nhiên, về mặt vĩ mô nên định hướng cho các doanh nghiệp trong nước mở rộng với các đối tác nước ngoài khác, tránh tình trạng giống xi măng.
 
Phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu ngoại nhập, khi không xuất khẩu được sẽ rất nguy hiểm.
 
Thứ hai, theo tôi biết hiện các Hiệp hội đang cho xây dựng những nhà máy sản xuất để cung cấp nguyên liệu cho ngành may mặc tại chỗ, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Đó là hướng làm đúng.
 
Đó là cách mà chúng ta làm để dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Không nên coi nhập siêu là mối nguy hiểm, chỉ thấy tiêu cực, nếu không có nhập siêu sẽ không thể có ngành sản xuất trong nước.
 
Còn chúng ta muốn có nền kinh tế độc lập, bắt buộc chúng ta phải mạnh lên. Năm 2014, xuất khẩu đạt 150 tỉ USD, trong khi đó Trung Quốc cũng chỉ đạt khoảng 3.000 ti USD. Nếu tính tỉ lệ dân số Trung Quốc bằng khoảng 15 lần Việt Nam, như vậy so với Trung Quốc chúng ta không kém.
 
Cùng với đó, nó đã tạo ra bao nhiêu việc làm, tại sao chúng ta không nhìn vào những mặt tích cực đó.
 
PV:- Doanh nghiệp FDI hưởng nhiều ưu đãi, lại mang cả công nghệ (chủ yếu là công nghệ lạc hậu), lao động phổ thông, liệu chúng ta sẽ học hỏi được gì từ nền công nghệ thấp, lạc hậu, thưa ông?
 
GS-TSKH Nguyễn Mại: - Tôi không bình luận ý kiến này. Tuy nhiên, nếu nói công nghệ lạc hậu thì phải có dẫn chứng cụ thể, của từng ngành, không nên nói chung chung.
 
Ví dụ, công nghệ dầu khí ai nói là công nghệ lạc hậu, tôi đảm bảo công nghệ của các nhà nước ngoài vào đây đều là công nghệ hiện đại nhất.
 
Hay như di động, chúng ta đã đi vào mạng di động rất nhanh so với khu vực, đó là nhờ có sự chuyển giao công nghệ.
 
Hay như những ví von Việt Nam là bãi rác thải công nghệ, cơ sở nào để nói như vậy? Có thể có những công nghệ lạc hậu, nhưng nó chiếm bao nhiêu phần trăm? Ngay cả công nghệ trong may mặc nhập về cũng không hề lạc hậu.
 
Chỉ có một số dự án như trong khu Linh Chung thì tôi biết rõ là công nghệ nhập về là khá lạc hậu.
 
Trung Quốc cũng vậy, chúng ta phải chọn lọc. Vừa rồi chúng ta đã có quy định rất nghiêm ngặt trong tiếp nhận công nghệ, thể hiện qua rất nhiều “màng lọc”.
 
Đầu tiên là các khu công nghiệp, nơi cấp giấy phép cho các khu công nghiệp, khu kinh tế; thứ hai là Sở kế hoạch đầu tư các tỉnh phải tuân thủ theo quy định của Nghị định 23 - Chính phủ.
 
Theo đó, việc nhập công nghệ cũng phải đòi hỏi công nghệ tiên tiến nhất định, các xí nghiệp sử dụng công nghệ không thân thiện, gây hại cho môi trường sẽ có thời gian để đổi mới.
 
Các doanh nghiệp FDI Trung Quốc khi vào cũng phải thực hiện quy định này. Chính phủ đã có quy đinh rất rõ rồi, vấn đề ở đây là bộ lọc của chúng ta làm việc thế nào.
 
Xin cảm ơn Giáo sư đã chia sẻ!
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo