Góc nhìn

GS Nguyễn Mại: “Phải biết doanh nghiệp bị bệnh gì và bốc đúng thuốc”

“Tôi nghĩ tái cơ cấu cần phải làm một cách bài bản, có nghĩa là giao cho các cơ quan Nhà nước đi điều tra thực sự từng ngành, xem ngành nào có bao nhiêu DN đang gặp khó khăn? Vì sao họ gặp khó khăn? Cái họ cần là gì thì lúc đó mới phân loại các DN và đưa ra giải pháp cho từng loại? Khâu đầu tiên là phải biết DN bị bệnh gì và bốc thuốc đúng bệnh đó. Các chính sách Chính phủ cũng không phải là chính sách chung chung”.

GS.TSKH Nguyễn Mại – nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Đó là ý kiến của GS.TSKH Nguyễn Mại – nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi trao đổi với PV bên lề Hội thảo “Triển vọng kinh tế 2014: Cộng hưởng hiệu ứng chính sách” diễn ra sáng 12/12.

Quy trách nhiệm cho từng Bộ

PV: Thưa ông, chủ trương tái cơ cấu kinh tế được đưa ra hơn 2 năm tuy nhiên việc thực thi rất chậm chạp. Ông đánh giá thế nào về điều này?

GS.TSKH Nguyễn Mại: Tôi nghĩ tái cấu trúc là việc của các Bộ, các UBND tỉnh và của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), và người đứng đầu DNNN phải chịu trách nhiệm trước dân, trước Đảng, trước Quốc hội về tái cấu trúc. Ví dụ như năm 2014 cần phải đạt đến mức nào của tái cấu trúc, những DNNN nào, trong lĩnh vực nào, ngành nào thì ông Bộ trưởng đó chịu trách nhiệm trước dân, trước Quốc hội để tới cuối năm thì quy trách nhiệm của ông đó về về tiến độ của tái cấu trúc. Doanh nghiệp (DN) như EVN thì Chủ tịch HĐQT là người đề ra mức độ đạt được, và kiểm điểm trách nhiệm vào cuối năm 2014, chứ không cần thiết phải làm theo thủ tục hành chính.

Chúng ta từng đặt một loạt chiến lược của từng ngành, xây dựng vào năm 2001 tức là sau Đại hội IX, có thể nói là rất đẹp, nhưng sau đó một năm, tất cả rơi vào quên lãng, gập vào ngăn kéo của các ngành, không ai quan tâm nữa. Ngành than có tư tưởng rất hay là biến than thành điện, than trực tiếp đầu tư 7 dự án lớn, giảm xuất khẩu than để biến than thành điện nhưng rồi đến bây giờ ngành than làm được bao nhiêu không ai biết. Rồi giảm khai thác than để biến Quảng Ninh với di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long thành trung tâm du lịch, bảo vệ môi trường rồi cũng không thực hiện, cũng không ai chịu trách nhiệm.

Nếu không thay đổi cách làm, quy trách nhiệm vào những người đứng đầu DN, người đứng đầu các Bộ, các UBND tỉnh về tái cấu trúc để tự các ông quy ra được mức độ làm được trong năm 2014 thì chắc chắn 2014 cũng như 2011 và 2013. Không có nghị quyết nào quan trọng hơn tái cấu trúc hiện nay đã được phê duyệt từ Đại hội XI đầu năm 2011, đến bây giờ chuẩn bị cho Đại hội XII, chỉ còn 2 năm nữa mà không thực hiện được, cũng không ai chịu trách nhiệm. Tôi cho rằng nếu không làm được việc đó thì không bao giờ làm được.

Bắt đúng “bệnh” cho doanh nghiệp

PV: Trong 3 lĩnh vực chủ chốt, tái cơ cấu DNNN trì trệ nhất, lý giải là do thị trường chứng khoán ảm đạm, việc bán vốn Nhà nước với giá thấp cũng có rất nhiều khả năng xảy ra. Vậy làm thế nào để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu DNNN, thưa ông?

GS.TSKH Nguyễn Mại: ĐBQH Dương Trung Quốc đã nói rất hay: Có Vinashin thì có Vina – cho, thì có Vina - chia. Chúng ta thấy ngoài 2 DNNN này thì vừa rồi câu chuyện EVN được nói nhiều, về cái nợ rất lớn và hiệu quả rất thấp. Rồi thì VNPT cũng có chuyện. Có thể nói có rất nhiều DNNN chứ không chỉ có Vinalines, Vinashin.

Tôi cho rằng bán giá thấp ra thị trường chứng khoán do thị trường chứng khoán hoàn toàn không phải. Ở các nước, tôi lấy ví dụ như Mỹ, khi tái cấu trúc General Motors (GM) vào năm 2008 giống như mình làm với Vinashin thì như theo công bố vừa rồi, khi Chính phủ Mỹ bán đến cổ phần cuối cùng, lỗ 14,2 tỷ USD. Nhưng Chính phủ Mỹ cho rằng việc làm đó là cần thiết.

Lấy ví dụ về việc Chính phủ Mỹ tiến hành tái cơ cấu General Motor, GS Mại cho rằng tuy có lỗ 14,2 tỷ USD nhưng họ lợi rất nhiều về dài hạn, và được lãi về lao động, công nghệ, thị phần của GM trên thế giới.

Sau khi GM tuyên bố phá sản, Chính phủ đã tổ chức nhóm chuyên gia giúp GM, cộng với đầu tư vào đây, sau 6 tháng có phương án giải quyết, sau 1 năm GM trở thành công ty ô tô dẫn đầu thế giới kể cả công nghệ, sản phẩm mới và lãi rất lớn. Lỗ 14,2 tỷ USD là của Chính phủ, nhưng lãi là lao động, công nghệ, thị phần của GM trên thế giới, công nghiệp ô tô Mỹ…

Rõ ràng chúng ta không làm được như vậy đối với Vinashin. Năm 2008, Chính phủ lập ra nhóm điều hành gồm nhiều Thứ trưởng, Bộ trưởng tham gia, sau khi phê duyệt phương án tái cấu trúc tập đoàn thì lại giải tán, trở về tổng công ty. Mình cứ làm như vậy thì bao giờ mới có thể giải quyết 1 tập đoàn đáng ra phải tái cấu trúc rất nhanh, bởi đã lỗ đến 4 tỷ USD.

Tôi cho rằng hoàn toàn phải thay đổi cách làm. Chúng ta có rất nhiều chuyên gia kinh tế, luật pháp, công nghệ không được tham gia quá trình tái cấu trúc kinh tế này, kể cả tái cấu trúc từng bộ phận. Ở các nước người ta rất coi trọng các tổ chức tư vấn, có chuyên gia tư vấn để giúp lãnh đạo Chính phủ có thể đề ra những phương án khả thi. Chúng ta thì dựa vào cả một hệ thống hành chính của các Bộ mà họ đã ngập trong những công việc hàng ngày thì làm sao có thể giải quyết những vấn đề trọng điểm.

PV: Ông có nói bên cạnh tái cấu trúc DNNN thì một việc quan trọng là hỗ trợ cho DN tư nhân để họ có thể mạnh hơn. Trong năm 2014 nên có chính sách gì để hỗ trợ DN vừa và nhỏ? 

GS.TSKH Nguyễn Mại: Tôi cho rằng giống như bệnh của con người, có anh ung thư sắp chết, có anh bị cảm cúm. Bây giờ mình chẳng biết 55.000 DN đang khó khăn thì bị bệnh gì. Cứ nói trì trệ rồi đưa ra giải pháp cho vay tín dụng ưu đãi, giống như chữa bệnh bằng thuốc cảm cúm tất. Tôi nghĩ cần phải làm một cách bài bản, có nghĩa là giao cho các cơ quan Nhà nước đi điều tra thức sự từng ngành, xem ngành nào có bao nhiêu DN đang gặp khó khăn, vì sao họ gặp khó khăn, cái họ cần là gì thì lúc đó mới phân loại các DN và đưa ra giải pháp cho từng loại.

Khâu đầu tiên là phải biết DN bị bệnh gì và bốc thuốc đúng bệnh đó. Các chính sách Chính phủ cũng không phải là chính sách chung chung, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng lại đối với các DN sắp chết thì chẳng có giá trị gì. Phải giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho họ chứ.

Tôi nghĩ chúng ta nếu làm một cách bài bản thì chắc chắn trong 55.000 DN, ví dụ có 10.000 DN chết thì thay đổi Luật phá sản để họ phá sản hẳn đi. Luật này mà không thay đổi thì không ai phá sản được hết. Còn lại 45.000 DN thì cũng loại ra, anh nào cần hỗ trợ về công nghệ, anh nào cần hỗ trợ vốn thì giúp họ. Chính phủ cần nghiên cứu, thống kê kỹ, ra những quyết định thực chất, bài bản, có địa chỉ, giao trách nhiệm cho những cơ quan nào đó hỗ trợ DN một cách thực sự.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đoàn Huế (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo