Góc nhìn

GS Nguyễn Mại: Việt Nam cần cơ hội phát triển với Samsung

“Mô hình hợp tác giữa Samsung và doanh nghiệp Việt Nam đang được xây dựng. Nếu thành công sẽ mở hướng ra cho việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước”.

Nếu không đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ, Việt Nam sẽ thu về cho mình giá trị gia tăng ít ỏi từ sản phẩm của Samsung

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (Vafie) đã nói như vậy sau khi có thông tin chính thức Samsung nhất trí hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài và Hiệp hội cơ khí Việt Nam để phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước.

Nên hỗ trợ giống như đóng tàu vỏ sắt
 
Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, nói về công nghiệp phụ trợ Việt Nam đã nói đến cách đây 15 năm rồi, tuy nhiên để làm thành mô hình làm một cách bài bản thì có lẽ đây là lần đầu tiên.
 
Khác với may mặc dù đã công bố 45% giá trị gia tăng được sản xuất trong nước, ở đây việc sản xuất điện thoại di động được xem là công nghệ cao và theo như GS Nguyễn Mại thì: “Không doanh nghiệp nào biết được trong điện thoại cần có những gì!?”.
 
Do vậy, dù trước đó đã có 7 doanh nghiệp của Việt Nam trong số 53 doanh nghiệp đang tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung nhưng cũng không ai có thể đưa ra nhận định mô hình lần này sẽ thành công tới đâu.
 
“Không ai biết được doanh nghiệp Việt Nam sẽ đáp ứng được yêu cầu đến đâu bởi 7 doanh nghiệp trước đó mới chỉ tham gia sản xuất bao bì. Do vậy nay phía Việt Nam đã thống nhất với Samsung xem họ yêu cầu cái gì, sau đó mới chọn doanh nghiệp đáp ứng tốt nhất. Từ đó mới chọn làm thí điểm chứ cứ nói công nghiệp hỗ trợ nhưng chúng ta chưa có thực tế mà mới chỉ nói lý thuyết”, GS Nguyễn Mại nói.
 
GS Nguyễn Mại cho rằng, đây sẽ là lần đầu tiên Việt Nam cùng với nhà đầu tư xây dựng một mô hình nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước, khác hoàn toàn với cách làm lâu nay được đánh giá là chưa hiệu quả. Với sự tham gia của Samsung, doanh nghiệp nội địa sẽ biết được nhu cầu cụ thể và khả năng cung cấp sản phẩm của mình để triển khai theo hướng đôi bên cùng có lợi.
 
Hiện đã có nhiều doanh nghiệp cơ khí, điện tử trong nước muốn tham gia vào chương trình để họ và Samsung tìm hiểu lẫn nhau về nhu cầu và khả năng cung ứng của các doanh nghiệp này.
 
"Ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ vốn vay giống như đóng tàu cá vỏ sắt. Phải thành công từ mô hình này sau mới có giải pháp để biết được Chính phủ phải làm gì, địa phương làm gì, Samsung giúp gì... Lúc đó mới phát triển được công nghiệp hỗ trợ trong nước”, GS Nguyễn Mại gợi ý.
 
Theo kế hoạch, hai bên sẽ tổ chức các hội thảo, trong đó phía Samsung sẽ cử chuyên gia của tập đoàn đến tham gia, nói rõ nhu cầu của mình, tiêu chí cụ thể và cách thức để doanh nghiệp trong nước trở thành nhà cung ứng cho họ.
 
Năm 2013 Samsung xuất khẩu là 23 tỉ đô la trong đó 7,6 tỉ đô la xuất siêu, tức là có 33% giá trị gia tăng trong đó chỉ có 7 doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung cấp được những sản phẩm giản đơn như bao bì, thùng carton…
 
“Nếu các doanh nghiệp có thể giam gia được nhiểu hơn chắc chắn giá trị gia tăng cao hơn, Việt Nam sẽ có lợi hơn rất nhiều”, GS Nguyễn Mại kỳ vọng.
 
3 lý do để Samsung dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam
 
Hiện Samsung có 8 nhà máy ở khắp thế giới, trong số này có tới 2 nhà máy ở Việt Nam. Trong khi cả 8 nhà máy này sản xuất 400 triệu điện thoại di động thì riêng ở Việt Nam chiếm tới 200 triệu điện thoại di động.
 
“Hiện nay Samsung có một Trung tâm nghiên cứu lớn ở Ấn Độ và đang xây dựng Trung tâm nghiên cứu và Phát triển ở Hà Nội. Tại đây họ sẽ cần khoảng 2.200 kỹ sư phần mềm. Đây là cơ hội cho Việt Nam nên cần nắm bắt và chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng”, Gs Nguyễn Mại cho biết.
 
Từng nhiều lần trao đổi với lãnh đạo tập đoàn Samsung, GS Nguyễn Mại cho biết: sở dĩ Samsung dịch chuyển mạnh đầu tư vào Việt Nam là vì có 3 lý do chính. Thứ nhất họ cho rằng ở Việt Nam nguồn nhân lực đảm bảo, thứ hai là môi trường kinh doanh tốt và thứ ba là tương lai của Việt Nam sáng sủa sau những chính sách đổi mới trong nước và hợp tác bên ngoài.
 
“Họ không chỉ đầu tư sản xuất điện thoại di động mà còn làm cả màn hình siêu phẳng có độ phân giải cao, đóng tàu, làm nhà máy nhiệt điện và cả sân bay Long Thành”, GS Nguyễn Mại cho biết.
 
Do vậy: “hơn lúc nào hết Chính phủ, các bộ ngành, doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội này để xây dựng thành công ngành công nghiệp phụ trợ. Nếu không mãi chúng ta sẽ chỉ là quốc gia lắp ráp và sản xuất vỏ hộp mà thôi”, GS Nguyễn Mại nhấn mạnh. 
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo