GS Nguyễn Trần Hiển: Đã tính đến phương án thay đổi vacxin
Sau khi vacxin Quivaxem được kết luận an toàn và được tiêm trở lại từ tháng 11, liên tiếp có các trẻ em gặp tai biến sau tiêm. Điều khiến người dân bức xúc là trong khi Bộ Y tế nói vacxin an toàn nhưng trẻ vẫn liên tiếp gặp tai biến. Vậy nguyên nhân là do đâu và vacxin Quivaxem có thực sự an toàn?
Người dân đã giảm lòng tin với vacxin 5 trong 1. Trong khi đó, Bộ Y tế cho biết vacxin này an toàn. Vậy nguyên nhân trẻ tử vong do đâu, khi nào trẻ em Việt sẽ được tiêm vacxin thế hệ mới? Chúng tôi có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương về vấn đề này.
Thưa ông, thời gian qua dư luận cả nước đặc biệt quan tâm các vấn đề liên quan đến vacxin, đặc biệt là vacxin 5 trong 1 Quivaxem. Các bậc phụ huynh lo lắng mỗi khi đưa con đi tiêm phòng. Ông có thể phân tích cụ thể về vacxin cũ và vacxin mới?
GS Nguyễn Trần Hiển: Vắc xin Quivaxem chứa năm thành phần kháng nguyên gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hip, trong đó người ta quan tâm nhiều đến thành phần thứ hai là thành phần ho gà.
Hiện có 2 loại vắc xin ho gà. Vacxin ho gà toàn tế bào là vacxin chế từ vi khuẩn ho gà sau khi được nuôi cấy tăng sinh trong môi trường và làm chết bằng nhiệt độ. Còn vắc xin vô bào là vắc xin tinh chế chỉ chứa thành phần kháng nguyên đặc hiệu sau khi đã loại bỏ những thành phần kháng nguyên không cần thiết khác của vi khuẩn.
Điều đó có nghĩa là vacxin ho gà toàn tế bào còn chứa nhiều dị nguyên không đặc hiệu hơn vacxin vô bào đã tinh chế và điều này lý giải tại sao vắc xin ho gà toàn tế bào gây phản ứng tại chỗ và sốt nhiều hơn vắc xin ho gà vô bào.
Từ những năm 80 của thế kỷ trước các nước phát triển đã phát triển vacxin vô bào tinh chế thay thế vacxin ho gà toàn tế bào, nhằm hạn chế tác dụng phụ của vacxin. Vacxin vô bào đắt hơn nhiều so với vaxin toàn tế bào. Hầu hết các nước phát triển hiện đang dùng vacxin ho gà vô bào.
Vacxin toàn tế bào có chứa dị nguyên. Đây chính là nguyên nhân gây nên các phản ứng sau tiêm chủng ở trẻ em. Vậy xin giáo sư cho biết tại sao Việt Nam vẫn sử dụng vacxin này?
GS Nguyễn Trần Hiển: Thành phần vacxin ho gà toàn tế bào trong Quivaxem giống với thành phần ho gà trong vacxin sản xuất trong nước Bạch hầu-Ho gà-Uốn ván (BH-HG-UV) chúng ta đã dùng từ năm 1985 đến nay (hiện chúng ta vẫn dùng vacxin BH-HG-UV mũi 4 cho trẻ 18 tháng tuổi). Thực tế cho thấy vacxin này là an toàn và có hiệu quả cao trong việc giảm tỷ lệ trẻ mắc và tử vong vì ho gà ở Việt Nam (giảm gần một nghìn lần so với năm 1984).
Tóm lại vacxin ho gà toàn tế bào không phải là mới lạ với người dân mình với vacxin này và vẫn được chấp nhận trong 28 năm qua.
TheoTổ chức Y tế thế giới, trong các loại vacxin được sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng hiện nay, vacxin ho gà có tỉ lệ phản ứng mạnh nhất, nhưng đó là tỉ lệ chấp nhận được, không đe doạ tính mạng, không gây tử vong.
Theo WHO, mặc dù vacxin Quinvaxem có chứa thành phần ho gà toàn tế bào gây nhiều phản ứng tại chỗ và sốt cao, nhưng phản ứng nặng rất ít gặp và nó vẫn là vacxin có độ an toàn, tương đương vacxin ho gà vô bào.
Thưa ông, WHO khuyến cáo dùng được nhưng trên thực tế Hàn Quốc sản xuất ra vacxin Quivaxem nhưng họ không dùng vacxin này mà họ dùng vacxin thế hệ mới. Phải chăng dư luận đang nói vì chúng ta nghèo nên phải dùng vacxin cũ. Quan điểm của ông như thế nào?
GS Nguyễn Trần Hiển: Vacxin Quivaxem 5 trong 1 được sản xuất tại Hàn Quốc nhưng không phải tất cả 5 thành phần này đền đươc sản xuất tại Hàn Quốc. Thành phần bạch hầu, ho gà, uốn ván được sản xuất tại Đức; thành phần kháng nguyên Hib nhập từ Ý, Hàn Quốc chỉ sản xuất thành phần viêm gan B. Hàn Quốc nhập các thành phần khác từ Đức và Ý tổng hợp lại thành Quivaxem.
Về tính an toàn thì WHO khẳng định dù vacxin ho gà toàn tế bào có nhiều phản ứng tại chỗ và sốt nhiều hơn vacxin ho gà vô bào, nhưng vẫn là vacxin có độ an toàn cao tương đương vac xin ho gà vô bào về các phản ứng nặng và tử vong.
Tuy nhiên, nếu mà ở những nước dùng vacxin ho gà toàn tế bào gây phản ứng phụ tại chỗ và sốt ảnh hưởng đến lòng tin do lo ngại phản ứng sau tiêm của người dân, dẫn đến giảm tỷ lệ tiêm chủng thì nước này nên thay thế vacxin ho gà toàn tế bào bằng vacxin vô bào. Ở Hàn Quốc họ không sử dụng vacxin này một phần vì họ có kết hợp vacxin khác và lịch tiêm vacxin cũng khác. Mặt khác có thể vì họ có điều kiện nên họ sử dụng vacxin ho gà vô bào vì nó có phản ứng phụ ít hơn.
WHO khuyến cáo tuỳ tình hình dịch tễ học, tiềm lực kinh tế, sự chấp nhận của người dân, mỗi nước sẽ lựa chọn loại vacxin phù hợp (vacxin chứa thành phần ho gà toàn tế bào hay vô bào, vacxin thế hệ mới....) sao cho đảm bảo tiêm chủng an toàn có chất lượng cao, duy trì lòng tin của người dân với tiêm chủng, đảm bảo duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao. Khi người dân, và thậm chí cán bộ y tế, lo ngại về phản ứng sau tiêm và lòng tin của người dân bị giảm sút, cần phải cân nhắc lựa chọn vacxin ít phản ứng phụ hơn.
Như ông nói WHO cho biết vacxin Quivaxem an toàn vậy tại sao thời gian qua nhiều trẻ bị tử vong sau khi tiêm vacxin 5 trong 1 khiến lòng tin của người dân với loại vacxin này giảm đi?
GS Nguyễn Trần Hiển: Tôi khẳng định là không có bằng chứng về mối liên quan giữa các trường hợp tử vong sau tiêm vacxin Quinvaxem trong thời gian qua với chất lượng vacxin. Số ca tử vong sau tiêm vacxin Quinvaxem không tăng so với thời điểm trước khi sử dụng văcxin Quinvaxem ở Việt nam (tháng 6/2010). Hầu hết các trường hợp tử vong này là do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý khác của trẻ tại thời điểm sau tiêm vacxin (viêm phổi, nhiễm trùng huyết, tim bẩm sinh, viêm cơ tim cấp, sốc nhiễm khuẩn, chết đột tử ở trẻ em, sặc sữa….).
Theo ước tính, với tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi là 15 phần nghìn, số trẻ em sinh ra hàng năm là 1,5 triệu, tỷ lệ tiêm vacxin là 90% với 3 mũi tiêm, thì số ca tử vong trùng hợp ngẫu nhiên sau ngày tiêm chủng là 166 ca. Khẳng định này dựa trên các kết quả đánh giá của các Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vacxin, sinh phẩm y tế cấp tỉnh và Bộ với sự tham gia của các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Ủy ban tư vấn an toàn tiêm chủng toàn cầu của WHO sau khi xem xét, đánh giá các phản ứng nặng sau tiêm chủng do vacxin DPT-VGB-Hib tại một số nước liên quan trong đó có Việt Nam cũng khẳng định không có bằng chứng về sự liên quan về nguyên nhân giữa các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng nặng, tử vong và việc sử dụng vacxin DPT-VGB-Hib.
Kết quả xét nghiệm tại phòng thí nghiệm quốc tế độc lập các mẫu vacxin Quinvaxem nghi ngờ được gửi từ Việt Nam cũng cho kết quả là vacxin đạt các tiêu chuẩn về an toàn của Tổ chức Y tế thế giới. Ủy ban tư vấn toàn cầu về an toàn vacxin của WHO đã họp ngày 12/6/2013 và kết luận: “Vacxin 5 trong 1 là một trong những vacxin an toàn nhất hiện nay, có lợi ích rất to lớn về y tế công cộng trong việc bảo vệ 5 bệnh phổ biến ở trẻ em chỉ bằng một mũi tiêm”.
Trường hợp tử vong sau tiêm vac xin quinvaxem ở Quảng Trị mới đây là do viêm phổi. Tuy nhiên cũng không thể nói vacxin là an toàn 100 %. Theo WHO, tỷ lệ sốc phản vệ nặng có nguy cơ đe dọa tính mạng, thậm chí tử vong.có thể tử vong là 20 phần triệu.
Hiện nay, các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi tiêm chủng rất lo lắng. Nhiều người cho biết sẵn sàng bỏ thêm tiền để tiêm cho con vacxin tốt hơn và an toàn hơn. Lòng tin của người dân về vacxin Quivaxem đã giảm đi, nếu người dân trả tiền cho các mũi tiêm, thì chính phủ có thay thế vacxin thế hệ mới không?
GS Nguyễn Trần Hiển: Theo luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm đã được Quốc hội thông qua tháng 11/2007 thì tiêm vacxin là bắt buộc và miễn phí cho hai đối tượng trẻ em và phụ nữ mang thai, và Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm kinh phí cho việc sử dụng vacxin.
Dự án Tiêm chủng mở rộng cũng đã trình Bộ y tế các phương án sử dụng vacxin trong thời gian tới, trong đó có phương án sử dung các vacxin có ít phản ứng phụ hơn. Chúng tôi luôn mong muốn có được vacxin có chất lượng cao nhất và an toàn nhất cho trẻ em Việt nam.
Kết quả điều tra trẻ tử vong sau khi tiêm vacxin là do bệnh lý sẵn có của trẻ, vậy cần thiết khám sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm phòng. Ông khuyến cáo cho các bậc cha mẹ cần sàng lọc như thế nào?
GS Nguyễn Trần Hiển: Hiện nay, Bộ Y tế đã đưa ra quy định cán bô y tế phải tăng cường khám sàng lọc trước khi có chỉ định tiêm vacxin để giảm thiểu phản ứng sau tiêm cho trẻ, mà thường là các phản ứng trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý khác của trẻ.
Khám sàng lọc bao gồm hỏi tiền sử và các thông tin liên quan về tình hình sức khoẻ hiện tại xem trẻ có đang bị bệnh gì không, có đang dùng thuốc gì không. Hỏi có tiền sử dị ứng với thuốc hay thức ăn đặc biệt nào không, có phản ứng nặng như sốt cao, quấy khóc dai dẳng, co giật, sưng đau... sau lần tiêm chủng trước không. Sau đó là quan sát tình trạng sức khỏe hiện tại về thể trạng, tinh thần, vận động, màu da, niêm mạc, trẻ có biểu hiện đang ốm không, nếu nghi ngờ sốt, kiểm tra thân nhiệt bằng nhiệt kế; và đếm nhịp thở, nhịp tim.
Tuy nhiên chúng tôi cũng đề nghị các bà mẹ đưa con đi tiêm chủng cần thực hiện những việc sau: Mang theo phiếu/sổ tiêm chủng cá nhân. Chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như đang ốm, sốt, tiền sử dị ứng hay phản ứng mạnh với những lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, sưng đau lan rộng tại vị trí tiêm hoăc có bất thường gì khác. Yêu cầu các cán bộ y tế thông báo về các loại vắc xin tiêm chủng cho trẻ và hướng dẫn theo dõi trẻ sau tiêm chủng.
Chủ động đề nghị cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe của trẻ trước khi tiêm. Quan sát loại vacxin sẽ tiêm cho con mình. Đưa trẻ đến điểm tiêm chủng theo đúng thời gian, địa điểm đã được thông báo để đảm bảo điểm tiêm chủng không quá đông và cán bộ y tế thuận tiện thực hành tiêm chủng an toàn.
Sau khi tiêm chủng trẻ cần phải ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra. Theo dõi trẻ thường xuyên tại nhà trong vòng 2 ngày sau tiêm chủng về các dấu hiệu sau: toàn trạng, tinh thần, ăn ngủ, thở, nhiệt độ, phát ban, phản ứng tại chỗ tiêm.
Cần đưa NGAY trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như sốt cao (>39°C), co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, bú kém, bỏ bú, khó thở, tím tái, li bì, phát ban.... hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày. Nếu cha mẹ không yên tâm về những phản ứng của con sau khi tiêm chủng có thể trực tiếp đến gặp cán bộ y tế để được tư vấn cách theo dõi và chăm sóc trẻ.
Vâng xin cảm ơn ông!
InforNet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo