Gửi ngoại tệ có thể phải trả phí, có gây sốc?
USD sẽ đi đâu?
Nhiều bạn đọc lo lắng đặt câu hỏi này khi thông tin lãi suất tiền gửi tiết kiệm đối với đồng USD về 0% và tiến tới có thể bị tính phí. Mặt khác, nhiều người cũng bày tỏ sự lo ngại về việc kiều hối sẽ giảm. Bạn đọc Mỹ Nguyễn cho rằng gửi USD vào ngân hàng mà bị tính phí thì USD sẽ khó vào ngân hàng và USD sẽ đi đâu đó sao cho chủ sở hữu USD có lợi nhất.
Anh Thanh Lâm (Q.Gò Vấp, TP.HCM) lo lắng cho ba mẹ mình bởi họ đã về hưu, chỉ trông cậy vào khoản tiền tiết kiệm gửi ngân hàng và lấy lãi hàng tháng. “Giờ lãi suất bằng 0 rồi mai mốt có khi về âm nữa thì không biết ba mẹ mình tính sao?”, anh Lâm chia sẻ.
Ở một góc nhìn khác, nhiều bạn đọc cho rằng đây là hướng đi đúng bởi sẽ làm tăng giá trị VND và tạo ra sự yên tâm cho các doanh nghiệp khi thanh toán bằng tiền Việt.
“Thông qua chính sách thu phí tiền gửi USD và ngoại tệ mạnh khác, Ngân hàng Nhà nước muốn thúc đẩy người dân và doanh nghiệp từ giữ USD và ngoại tệ sang kênh gửi tiết kiệm bằng tiền đồng”- một bạn đọc nhận định.
Hạn chế được găm giữ ngoại tệ
Ông Phạm Ngọc Hưng - phó chủ tịch thường trực Hiệp Hội Doanh nghiệp TP.HCM - đánh giá việc áp dụng mức lãi suất 0% đối với tiền gửi USD là nhằm hạn chế việc găm giữ ngoại tệ trong doanh nghiệp. Theo ông Hưng, nhiều người cho rằng gửi tiền tiết kiệm mà còn phải trả phí thì vô lý quá. Tuy nhiên, nếu khoản phí này không lớn thì vẫn có thể chấp nhận được.
Vấn đề còn băn khoăn chính là khi doanh nghiệp cần mua lại USD thì các ngân hàng có giải quyết nhanh chóng cho họ hay không và tỉ giá giữa mua và bán được tính toán ra sao? Bên cạnh đó, các gói thanh toán mà ngân hàng đưa ra để doanh nghiệp lựa chọn khi cần giải ngân là gì?
Theo ông Phạm Ngọc Hưng nếu tất cả những thông tin trên được công khai rõ ràng, minh bạch thì doanh nghiệp cũng sẽ dễ dàng chấp nhận hơn. Còn nếu không thì có khi lại tạo ra tình huống doanh nghiệp tìm cách nào đó để giảm thiểu sự ảnh hưởng đến mình.
Quyết định có gây sốc?
Tiến sĩ (TS) kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích một trong những lý do của việc đưa lãi suất tiền gửi USD về 0 chính là không khuyến khích đô la hóa, không khuyến khích sử dụng hai đồng tiền trên thị trường Việt Nam. Ngoài ra, đây cũng là cách chuyển từ gửi và nhận USD sang hình thức mua đứt - bán đoạn.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, việc đưa lãi suất tiền gửi USD về 0% và tiến tới thu phí là quyết định gây sốc với doanh nghiệp và người dân bởi tâm lý người Việt Nam vẫn xem tiền gửi tiết kiệm là một khoản sinh lời và không phải trả phí.
“Nhiều người về hưu, người không có khả năng kinh doanh vẫn xem tiền gửi tiết kiệm như một sinh kế và đảm bảo an toàn tài chính của mình. Áp dụng thu phí và lãi suất bằng 0% thì một phần thu nhập của người dân sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến nguồn tiền USD gửi tiết kiệm vào ngân hàng cũng sẽ sụt giảm trong thời gian tới”- TS Nguyễn Minh Phong nhận định.
TS Nguyễn Minh Phong cho rằng không loại trừ khả năng người dân tìm cách gửi ngoại tệ ra nước ngoài để hưởng lãi suất và tìm kiếm sự an toàn về dự trữ tiền trong bối cảnh lãi suất tiền gửi USD ở VN bằng 0 và nguy cơ lạm phát vẫn còn có thể xảy ra.
“Kỳ vọng khi đưa lãi suất tiền gửi USD về 0% sẽ giảm thiểu thanh toán và sử dụng hai đồng tiền, tăng lượng tiền VND gửi tiết kiệm có thể đạt được nhưng cũng cần phải thận trọng và đưa ra những kịch bản ứng phó, tránh tình trạng những tác động tiêu cực lấn át đi kỳ vọng ban đầu rất tích cực của chúng ta”- TS Nguyễn Minh Phong nói..
Doanh nghiệp và người dân không lo bị thiệt
Đó là ý kiến của Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ông Kiêm đánh giá đây là một chủ trương linh hoạt, hợp lý và phản ứng nhanh trước những diễn biến của tình hình thế giới, nhất là khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa tăng lãi suất USD.
Theo TS Cao Sĩ Kiêm đánh giá thì việc này chẳng những không gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân, mà còn triệt tiêu được tình trạng đô la hóa. Ông Kiêm phân tích cụ thể: Người dân không lo bị thiệt, nếu cần thì bán thẳng USD cho ngân hàng và lấy tiền đồng để gửi tiết kiệm. Lãi suất tiết kiệm nội tệ vẫn cao hơn lãi suất tiết kiệm ngoại tệ. Hơn nữa, người dân linh hoạt hơn trong sử dụng đồng nội tệ và tránh được rủi ro khi tỉ giá biến động.
Về phía doanh nghiệp, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng chủ trương này sẽ giúp doanh nghiệp bớt phập phồng lo sợ việc cung cầu trên thị trường ngoại tệ không đảm bảo. Khi đó, doanh nghiệp có tiền thì mua, cần tiền thì bán ra, sẽ giảm thiểu tình trạng lỡ thời cơ và ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.
Cafebiz/Tuổi trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo